15 ngày lính Mỹ tử thủ trước quân Nhật năm 1941

500 lính Mỹ trên đảo Wake cầm cự nửa tháng trước các đợt tấn công của Nhật, dù gặp bất lợi về lực lượng và không được tiếp tế.

Ngày 7/12/1941, Nhật Bản bất ngờ tấn công căn cứ Mỹ tại Trân Châu Cảng và gây thiệt hại nặng nề. Họ cũng đồng loạt tiến hành 5 chiến dịch tấn công khắp Thái Bình Dương vào cùng thời điểm, trong đó có cuộc tập kích đảo Wake chỉ rộng hơn 7 km vuông nằm giữa Thái Bình Dương.

Năm 1941, Mỹ chỉ có 500 binh sĩ đóng ở đảo Wake, chủ yếu là thủy quân lục chiến, với một số loại pháo và 12 tiêm kích F4F-3 Wildcat lỗi thời. Bên cạnh đó là khoảng 1.200 công nhân dân sự và 45 thổ dân bản xứ, phần lớn làm việc trong lĩnh vực xây dựng hoặc các hãng hàng không dân dụng.

36 oanh tạc cơ G3M3 của Nhật bắt đầu ném bom đảo Wake sáng 8/12, phá hủy 8 tiêm kích F4F-3 đỗ trên đường băng. 4 chiếc khác thoát nạn do đang hoạt động trên không vào thời điểm đó, nhưng thời tiết xấu khiến phi cơ Mỹ không thể công kích lực lượng Nhật.

Đòn tấn công mở màn của Nhật đã loại khỏi vòng chiến đấu 34 trong tổng số 55 lính không quân thủy quân lục chiến Mỹ trên đảo, gồm 23 người chết và 11 người bị thương. Tất cả nhân viên hàng không dân sự được lệnh sơ tán khỏi đảo, chỉ trừ thổ dân bản địa.

Lính Mỹ vội vã chuẩn bị trận địa phòng không để đối phó đợt tấn công thứ hai, di chuyển vị trí các khẩu đội pháo cao xạ và dựng mô hình bằng gỗ để đánh lừa trinh sát không ảnh của đối phương.

Ngày 9/12, quân Nhật tiếp tục tấn công, phá hủy một bệnh viện và sân bay của hãng Pan Am. Một ngày sau, kho đạn bị trúng bom, khiến quân Mỹ mất toàn bộ đạn phòng không tiếp tế cho đảo Wilkes gần đó.

Ngày 11/12, Nhật Bản triển khai ba tàu tuần dương hạng nhẹ, 6 khu trục hạm, hai tàu tuần tra và hai tàu vận tải chở 450 lính hải quân đánh bộ cho chiến dịch chiếm đảo. Lính Mỹ sử dụng pháo 127 mm bắn trả và triển khai 4 tiêm kích Wildcat còn lại để quấy rối đội hình địch.

Trong quá trình giao tranh, đại úy Henry Hank Elrod đã một mình đối đầu 22 máy bay Nhật và bắn hạ hai tiêm kích Zero. Elrod cũng là người thả hai quả bom nhỏ trúng dàn bom chìm ở đuôi tàu khu trục Kisaragi, khiến nó phát nổ và chìm. Ông trở thành phi công chiến đấu đầu tiên trong lịch sử một mình điều khiển chiến đấu cơ đánh chìm tàu chiến.

Không có tiêm kích Wildcat nào bị bắn rơi trong trận đánh, nhưng sau nhiều lần xuất kích, quân Mỹ trên đảo Wake chỉ còn hai chiếc F4F-3 đủ sức cất cánh. Dù thua kém đối thủ cả về tính năng và số lượng vũ khí, Elrod cùng đồng đội vẫn tiếp tục xuất kích đối đầu với quân Nhật. Lực lượng kỹ thuật mặt đất cũng liên tục sửa chữa các máy bay để bảo đảm khả năng chiến đấu.

“Linh kiện phụ tùng được tráo qua lại giữa các phi cơ, không máy bay nào còn nguyên hình dáng ban đầu. Động cơ được chuyển từ máy bay này sang máy bay khác, tháo rời, rã vụn và lắp ráp lại”, thiếu tá Paul Putnam viết trong một báo cáo.

Nỗ lực phòng thủ của lực lượng Mỹ khiến hải quân Nhật hứng tổn thất lớn với hai tàu khu trục bị đánh chìm và hơn 407 lính thương vong trước khi rút lui.

Winfred Cunningham, chỉ huy lực lượng phòng thủ Mỹ trên đảo Wake, ca ngợi các khẩu đội phòng không chiến đấu mà không có hệ thống điều khiển hỏa lực, cho rằng 4 phi công Wildcat đối đầu với nhiều đợt tấn công của máy bay địch mà không bị bắn hạ là “một kỳ tích”.

Tuy nhiên, lính phòng thủ dần hết đạn và nhu yếu phẩm. Họ không được tiếp tế dù liên tục gửi yêu cầu về sở chỉ huy. Ngày 23/12, quân Nhật trở lại với sự tham gia của hai tàu sân bay và 1.500 lính hải quân đánh bộ.

Hải quân Nhật mất hai xuồng tuần tra trong quá trình tiếp cận đảo, nhưng đã đổ bộ được lực lượng lên bờ và giao tranh với thủy quân lục chiến Mỹ. Đại úy Elrod thiệt mạng vì vết thương quá nặng khi cố gắng bảo vệ đồng đội tiếp tế đạn dược cho một ụ súng. Nhờ hành động dũng cảm, Elrod được truy thăng hàm thiếu tá và truy tặng Huân chương Danh dự, phần thưởng cao quý nhất của quân đội Mỹ.

Quân Mỹ trên đảo Wake cuối cùng phải đầu hàng do bị áp đảo về quân số, hết đạn dược và nhu yếu phẩm.

Nhật Bản chiếm được đảo Wake sau nửa tháng giao tranh với cái giá rất đắt. Họ mất hàng trăm binh sĩ, 4 tàu và 10 máy bay, nhiều khí tài hư hại. Mỹ mất 12 tiêm kích F4F-3 Wildcat, 52 lính thiệt mạng và nhiều người bị thương, 433 người khác bị bắt làm tù binh.

Duy Sơn (Theo War is Boring) – VnExpress

Leave a Reply