2/3 bệnh nhân Covid-19 Vũ Hán kéo dài triệu chứng 6 tháng

Nghiên cứu trên bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 ở Vũ Hán cho thấy họ vẫn xuất hiện triệu chứng như mệt mỏi hay khó ngủ sau 6 tháng.

76% trong số 1.700 bệnh nhân được điều trị tại Vũ Hán, Trung Quốc, nơi khởi phát Covid-19 cuối năm 2019, vẫn xuất hiện ít nhất một triệu chứng dù đã xuất viện nửa năm, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet hôm 9/1.

Mệt mỏi, khó ngủ là hai triệu chứng phổ biến nhất, xảy ra lần lượt trên 63% và 26% bệnh nhân, 6 tháng sau khi được chẩn đoán nhiễm bệnh. Bệnh nhân cũng có thể mang biến chứng tâm lý kéo dài, với 23% người bệnh mắc chứng trầm cảm hoặc âu lo.

Theo các nhà nghiên cứu, những bệnh nhân nặng có xu hướng tiếp tục bị tổn thương phổi khi chụp X-quang.

“Bởi Covid-19 là bệnh mới, chúng ta chỉ bắt đầu hiểu được một số ảnh hưởng lâu dài của nó lên sức khỏe người bệnh”, bác sĩ Bin Cao tại Bệnh viện Hữu nghị Trung – Nhật và Bệnh viên Y khoa Thủ đô, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, nói.

Các nhà khoa học khắp thế giới đang nghiên cứu ảnh hưởng lâu dài của nCoV, thường được gọi là triệu chứng “Covid kéo dài”. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã liệt kê các chứng phổ biến nhất là mệt mỏi, khó thở, ho, đau khớp, đau ngực. Một số triệu chứng khác cũng được báo cáo là khó suy nghĩ, khó tập trung, trầm cảm và đau đầu.

“Trong khi đa số bệnh nhân Covid-19 hồi phục và trở lại sức khỏe bình thường, một số người có thể xuất hiện triệu chứng kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng, sau khi hồi phục khỏi cơn cấp tính. Ngay cả những người không nhập viện hay mắc bệnh nhẹ cũng có thể xuất hiện triệu chứng dai dẳng hoặc xuất hiện triệu chứng muộn”, theo CDC.

Một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Y khoa Anh hồi tháng 8/2020 cho thấy khoảng 10% bệnh nhân Covid-19 xuất hiện các triệu chứng kéo dài hơn 12 tuần.

Tuy nhiên, nghiên cứu của Trung Quốc là nghiên cứu lớn nhất, thời gian theo dõi dài nhất, nhằm điều tra tác động lâu dài của Covid-19 lên người bệnh. Bệnh nhân có độ tuổi trung bình là 57, xuất viện từ ngày 7/1/2020 tới ngày 29/5/2020 từ bệnh viện Jinyintan ở Vũ Hán, cơ sở chuyên điều trị Covid-19 đầu tiên trên thế giới.

Nghiên cứu tiến hành trên 70% bệnh nhân xuất viện trong giai đoạn này, loại trừ người đã chết, người không thể tham gia do tình trạng thể chất hoặc tinh thần ốm yếu nghiêm trọng và người từ chối tham gia.

Những người tham gia được phỏng vấn bằng hàng loạt câu hỏi để đánh giá triệu chứng. Họ cũng trải qua kiểm tra thể chất, kiểm tra đi bộ trong 6 phút và xét nghiệm máu. Điều bất ngờ là 13% bệnh nhân không bị suy thận cấp khi nhập viện sau đó lại có dấu hiệu suy thận.

Những phát hiện về các triệu chứng mệt mỏi, khó ngủ, lo âu, trầm cảm, phù hợp với những nghiên cứu trước trên bệnh nhân từng mắc một loại virus corona khác gây ra Hội chứng Suy hô hấp cấp nghiêm trọng (SARS) năm 2003 và 2004, theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc.

Nghiên cứu trên những người sống sót sau SARS cho thấy 40% bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi mãn tính sau hơn ba năm nhiễm bệnh. Một nghiên cứu khác cho thấy 38% bệnh nhân khỏi SARS có dấu hiệu tổn thương phổi 15 năm sau đó, theo các nhà nghiên cứu Italy.

Hồng Hạnh (Theo CNN) – VnExpress

Leave a Reply