5 tháng Biden nung nấu quyết tâm rút khỏi vũng lầy Afghanistan

Hồi tháng 6, khi tình hình an ninh Afghanistan xấu đi nhanh chóng, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan bắt đầu nêu ý tưởng đẩy nhanh chiến dịch rút quân với Biden.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức hồi tháng 1, khi thời hạn rút quân khỏi Afghanistan vào 1/5 được người tiền nhiệm Donald Trump ký với Taliban trong thỏa thuận hòa bình Doha đã cận kề. Rút quân khỏi Afghanistan cũng là một cam kết chủ chốt trong chiến dịch tranh cử của Biden.

Lúc còn là phó tổng thống Mỹ, Biden từng cố vấn cho Barack Obama rằng Afghanistan là một vũng lầy và Mỹ sẽ không thể thoát khỏi đó nếu chỉ dựa vào các biện pháp quân sự.

Dù đảo ngược nhiều chính sách của Trump, Biden vẫn quyết định giữ lại thỏa thuận hòa bình Doha. Tuy nhiên, ông lùi thời hạn rút quân tới giữa tháng 9, nhằm tránh gây rủi ro cho binh sĩ Mỹ ở Afghanistan.

Đến tháng 4, Biden tuyên bố 2.500 lính Mỹ cuối cùng sẽ rời khỏi Afghanistan trước ngày 11/9. Các chỉ huy quân đội Mỹ lúc đó khuyến cáo ông duy trì lính Mỹ lâu hơn, trong khi các cố vấn dân sự ở Nhà Trắng, với những đánh giá tình báo đầy lạc quan về khả năng kháng cự Taliban của chính phủ Afghanistan, lại hy vọng về một chiến dịch rút quân tốt đẹp.

Nhận thấy Biden quyết tâm chấm dứt chiến dịch quân sự ở Afghanistan, Lầu Năm Góc tìm cách thuyết phục Tổng thống cho phép duy trì 2.500 binh sĩ vận hành căn cứ không quân Bagram, với lý do đây là cơ sở vận hành máy bay không người lái (UAV) và các loại máy bay khác trong chiến dịch chống khủng bố hoặc các mối nguy hiểm khác của lực lượng này.

Nhưng sau khi Biden thông báo về quyết định rút quân, việc đảm bảo an ninh cho đại sứ quán tại Kabul với khoảng 4.000 nhân viên Mỹ, Afghanistan và nước khác trở thành ưu tiên hàng đầu.

Các quan chức Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ cùng lên kế hoạch duy trì 650 binh sĩ bảo vệ đại sứ quán cùng sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul và Nhà Trắng chấp thuận kế hoạch này. Đại sứ quán Mỹ tại Afghanistan sau đó yêu cầu các nhân viên không thiết yếu rời quốc gia Trung Á trong đợt rút người đầu tiên.

Trong cuộc họp giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Hội đồng An ninh Quốc gia tại trụ sở Lầu Năm Góc hôm 8/5, các quan chức nhấn mạnh quân đội Mỹ sẽ rút từ tuần đầu tiên của tháng 7, ngoại trừ 650 binh sĩ bảo vệ đại sứ quán và sân bay Kabul.

Một đánh giá tình báo được chuẩn bị hồi giữa tháng 6 theo yêu cầu của tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, nhận định Kabul có thể thất thủ 6 tháng sau khi quân đội Mỹ rời đi.

Với 650 binh sĩ sẽ ở lại Afghanistan tới ngày cuối, các chỉ huy quân sự phải lựa chọn giữa việc duy trì căn cứ Bagram hay vận hành sân bay Kabul, nơi dự kiến tổ chức một cuộc di tản quy mô lớn.

Đây là thời điểm Cố vấn An ninh Quốc gia Sullivan bày tỏ lo ngại căn cứ Bagram có thể bị đóng cửa quá sớm, khi nhiều nhân sự đại sứ quán Mỹ vẫn ở Kabul và thông tin tình báo cho thấy chính phủ Afghanistan đang suy yếu.

Sau quan ngại của Sullivan, quân đội Mỹ ngày 18/6 tạm dừng tiến trình đóng cửa căn cứ Bagram để Nhà Trắng có thể suy tính kỹ hơn về hậu quả của việc từ bỏ căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Afghanistan.

Tuy nhiên, Tổng thống Biden rốt cuộc được cho là ủng hộ kế hoạch đóng cửa căn cứ Bagram. “Chúng tôi phải chọn một và bỏ một”, tướng Milley nói và khẳng định đóng cửa căn cứ Bagram là giải pháp chiến thuật tốt nhất cho nhiệm vụ chỉ có 600-700 binh sĩ. Tổng thống Biden ngày 22/6 ký kế hoạch đóng cửa căn cứ Bagram với hạn chót vào ngày 2/7.

Đánh giá tình báo mới của Mỹ ngày 3/8 nhận định Kabul có thể thất thủ trong vòng vài tháng hoặc thậm chí vài tuần. Khi quân chính phủ Afghanistan có dấu hiệu rã đám, quân đội Mỹ tổ chức một số vụ không kích và bí mật cử một đội đến sân bay Kabul để giải cứu phi công nếu máy bay gặp nạn.

Việc chính quyền Biden đẩy nhanh tiến trình rút quân khiến Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc triển khai các hoạt động ngược nhau. Trong khi quân đội Mỹ nhanh chóng rút về nước, Bộ Ngoại giao Mỹ tìm cách duy trì đại sứ quán ở thủ đô Kabul và hỗ trợ toàn diện Afghanistan sau khi lực lượng nước này rời đi.

Điều này cho thấy chính quyền Biden ban đầu dựa trên các thông tin tình báo cho rằng chính phủ Afghanistan có thể cầm cự trước Taliban trong hai năm sau khi Mỹ rút quân. Chiến lược này trở nên bất khả thi sau khi Taliban mở chiến dịch đánh chiếm lãnh thổ chớp nhoáng và chính phủ cùng quân đội Afghanistan sụp đổ.

Các cựu quan chức Mỹ cho biết chính quyền Biden gặp khó khăn trong việc nhanh chóng thích ứng với đà tiến quân như chẻ tre của Taliban. Các đánh giá tình báo bi quan liên tục được đưa ra và nhiều quan chức quân sự cảnh báo rằng Mỹ hành động quá chậm để hỗ trợ đồng minh ở Afghanistan.

Khi Taliban chiếm tỉnh lỵ đầu tiên ngày 6/8, các quan chức cao cấp của Mỹ nhóm họp và thảo luận về tình hình ở Afghanistan, cân nhắc xem có nên tổ chức sơ tán khẩn cấp đại sứ quán ở thủ đô Kabul hay không.

Các quan chức quốc phòng cảnh báo rằng nếu trì hoãn sơ tán đại sứ quán Mỹ càng lâu, các nhân viên tại đây càng dễ đối mặt với nguy hiểm. Đại sứ quán Mỹ tại Afghanistan sau đó giảm bớt quy mô và nhiều nhân viên ở đây về nước.

Trước đà tiến quân của Taliban và tốc độ sụp đổ của quân chính phủ Afghanistan, Lầu Năm Góc quyết định đưa quân trở lại để sơ tán đại sứ quán và các đồng minh. Khoảng 5.000 binh sĩ Mỹ quay lại Afghanistan, gấp đôi số nhân sự về nước trước đó. Các binh sĩ này đóng tại sân bay Kabul trong lúc Mỹ đàm phán thỏa thuận an ninh với Taliban.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đẩy nhanh quá trình cấp thị thực nhập cư đặc biệt để đưa đồng minh Afghanistan ra nước ngoài, dù quy trình gồm 14 bước này trung bình thường diễn ra trong hai năm. Trong giai đoạn cuối của chiến dịch di tản, chỉ còn 750 trong số 20.000 đơn đăng ký chờ xử lý.

Tại thủ đô Doha của Qatar, đặc phái viên Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề hòa giải tại Afghanistan Zalmay Khalilzad đàm phán một thỏa thuận với Taliban để quân đội Mỹ ở lại ngoại ô Kabul trong hai tuần nhằm hoàn tất tiến trình rút quân. Trong thời gian này, một phái đoàn quan chức Afghanistan và Taliban cũng tới Qatar thảo luận về chuyển giao quyền lực cho một chính phủ lâm thời.

Điều này không bao giờ xảy ra, khi tổng thống Ashraf Ghani trốn ra nước ngoài và Taliban tiến vào tiếp quản Kabul ngày 15/8, sau khi quân chính phủ Afghanistan tan rã.

Quân đội Mỹ sau đó vận hành sân bay Kabul, còn lực lượng Taliban đảm bảo an ninh vòng ngoài cho tới ngày 30/8, khi chuyến bay chở các binh sĩ Mỹ cuối cùng rời khỏi Afghanistan cất cánh, chấm dứt một chiến dịch di tản đầy hỗn loạn.

Để bảo vệ cách chính quyền của mình xử lý tiến trình rút quân, Tổng thống Biden khẳng định các cố vấn “đã lên kế hoạch cho mọi tình huống” và “hỗn loạn luôn xảy ra sau khi Mỹ chấm dứt hiện diện quân sự”. “Bạn không thể tổ chức mộ cuộc di tản nào sau khi chiến tranh kết thúc mà không gặp phải những phức tạp, thách thức và đe dọa như chúng tôi đối mặt”, Biden nói.

Nguyễn Tiến (Theo WSJ) – VnExpress

Leave a Reply