Trung Quốc thiết lập “luồng xanh” và tận dụng công nghệ để tiếp thị, phân phối nông sản, giúp giải quyết vấn đề ùn ứ trong đại dịch.
Khi Covid-19 lây lan mạnh mẽ tại Trung Quốc vào các tháng đầu năm 2020, nước này áp đặt nhiều biện pháp phong tỏa và hạn chế người dân di chuyển nghiêm ngặt, khiến chuỗi cung ứng nông sản chịu ảnh hưởng. Đồng thời, nhu cầu nông sản giảm do các nhà hàng, quán ăn và căng tin đóng cửa, dẫn đến tình trạng ùn ứ sản phẩm chăn nuôi như lợn, gà, cá. Các tỉnh sản xuất hoa quả vụ đông lớn của Trung Quốc như Quảng Tây, Hải Nam và các tỉnh sản xuất rau vụ đông như Vân Nam, Tứ Xuyên phát đi tín hiệu báo động. Hiệp hội Tiếp thị Sản phẩm Nông nghiệp Trung Quốc (CAPMA) ước tính tổng số nông sản dồn ứ từ 20/2 đến 31/3 là 2,76 triệu tấn.
Một loạt biện pháp đã được triển khai để giải quyết vấn đề. Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc tổ chức hội nghị trực tuyến với thành phần tham gia từ cả lĩnh vực sản xuất và bán hàng. Hội nghị đã giúp bán được 50.350 tấn nông sản trị giá 335,8 triệu NDT (47,3 triệu USD).
Hiệp hội Dịch vụ và Phát triển Nông sản Chất lượng Trung Quốc khởi xướng một liên minh với sự tham gia của các doanh nghiệp như Pinduoduo (nền tảng kết nối nông dân với nhà phân phối và khách hàng) với sự chỉ dẫn từ Vụ Thị trường và Công nghệ Thông tin của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc. Liên minh này đã mua ít nhất 10 tỷ NDT (1,4 tỷ USD) nông sản từ các vùng nghèo vào năm 2020.
Công nghệ thông tin và truyền thông được tận dụng. Hiệp hội Thị trường Sản phẩm Nông nghiệp Trung Quốc hợp tác với một loạt nền tảng truyền thông chính thức và trang thương mại điện tử, thiết lập một nền tảng dịch vụ công trực tuyến để hỗ trợ bán nông sản trong đại dịch. Song song với nền tảng web, các nhóm chat trên di động, tài khoản chính thức WeChat và đường dây nóng 24/7 cũng sẵn sàng cung cấp thông tin.
Một nền tảng quan trọng khác là Nền tảng Bán trực tuyến Nông sản của Vùng nghèo, do Bộ Tài chính và Phòng Xóa đói Giảm nghèo thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc thiết lập, tập trung hỗ trợ địa phương khó khăn.
Tại địa phương, chính quyền các tỉnh và thành phố cũng thiết lập nền tảng trực tuyến để hỗ trợ giao dịch, như Nền tảng Cung cầu Nông sản Bắc Kinh. Nó tập trung vào 4 loại sản phẩm phù hợp với tình hình thành phố là rau, thịt trứng, nấm và dâu tây. Trong chưa đầy 10 ngày kể từ khi thiết lập, hơn 600 bài đăng rao bán, tìm mua đã được đăng tải và 45% trong số đó tiến hành giao dịch.
Chính quyền Trung Quốc cũng khuyến khích các doanh nghiệp thương mại điện tử tích cực tham gia bán nông sản, tận dụng kinh nghiệm và nguồn lực của họ. Nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử đã khởi xướng các dự án hỗ trợ nông dân, huy động nhiều nguồn lực khác nhau trong thu mua, hậu cần, vận hành và tiếp thị để tối đa hóa lợi ích cho cả nông dân và người tiêu dùng. Cụ thể, để giúp nhiều nông dân đăng ký bán hàng trực tuyến hơn, các nền tảng đã đơn giản hóa thủ tục và điều kiện, hướng dẫn nông dân cặn kẽ cách sử dụng.
Để thúc đẩy doanh số, các nền tảng thiết lập những cổng bán hàng đặc biệt với đồ họa và khẩu hiệu được thiết kế đẹp mắt như “hãy quan tâm đến nông dân”, đồng thời cung cấp các phiếu mua hàng và chiết khấu cho các giao dịch nông sản.
Họ cũng sử dụng công cụ tiếp thị là các buổi phát trực tiếp và video ngắn như TikTok, trong đó, những người nổi tiếng trên mạng giới thiệu đặc điểm tốt của nông sản. Hình thức tiếp thị này mang lại hiệu quả cao do tính chất tương tác và danh tiếng của người quảng bá.
Một buổi phát trực tiếp về trà của Vũ Hán đã giúp họ bán được lượng hàng trị giá 0,89 triệu NDT (130.000 USD) trong khi phát trực tiếp và một triệu NDT (140.000 USD) sau đó. Một số nông dân cũng tự mình phát trực tiếp và đăng video ngắn. Họ không chỉ bán thành công sản phẩm mà còn thu hút nhiều người hâm mộ. Hồi tháng 4/2020, trên nền tảng Taobao có 50.000 người phát trực tiếp để bán nông sản, bao gồm người nổi tiếng, doanh nghiệp, nông dân và quan chức chính phủ.
Alibaba đã thành lập quỹ trị giá một tỷ NDT (141 triệu USD) để hỗ trợ nông dân và bán 118.000 tấn nông sản ùn ứ trong chưa đầy 40 ngày. JD đưa ra 25 chính sách hỗ trợ nông dân và bán được 500 tấn nông sản trong 5 ngày. Pinduoduo hỗ trợ nông dân từ 400 thành phố, huyện thị, bao gồm hơn 230 huyện nghèo.
Để đảm bảo quá trình vận chuyển hàng hóa thuận lợi, Trung Quốc thiết lập “luồng xanh“, cho phép phương tiện chở nông sản đi qua trạm kiểm kịch hoặc trạm thu phí bằng giấy thông hành do chính quyền cấp tỉnh cấp. Giấy thông hành cho phép họ không bị yêu cầu đỗ xe, trả phí hoặc bị kiểm tra mất nhiều thời gian. Các nhân viên tại trạm kiểm soát cũng hỗ trợ khử trùng phương tiện. Khi xe đến đích, giới chức đo thân nhiệt tài xế, ghi lại lịch trình, khử trùng phương tiện một lần nữa trước khi cho phép nó tiến vào cơ sở.
Tháng 1/2020, Cục Thuế Nhà nước Trung Quốc thông báo bất kỳ khoản thu nhập nào từ việc vận chuyển mặt hàng trọng yếu trong khủng hoảng, bao gồm nông sản, đều được miễn thuế giá trị gia tăng. Chính quyền cũng hỗ trợ tài chính để cải thiện các cơ sở lưu trữ và bảo quản lạnh cho các trang trại gia đình và hợp tác xã.
Các doanh nghiệp thương mại điện tử cũng đưa ra những đổi mới trong hậu cần như cung cấp dịch vụ giao hàng không tiếp xúc bằng cách lắp đặt kệ hàng, thiết lập điểm dịch vụ tại khu dân cư, giao hàng đến một số địa điểm được chỉ định hay dùng robot.
Để tránh tình trạng thiếu nhân sự giao hàng, mô hình “chia sẻ lao động” được tạo ra, huy động nhân viên “nhàn rỗi” trong lĩnh vực khác như ăn uống và bán lẻ tạm thời làm việc cho công ty thương mại điện tử.
“Cửa hàng hỗn hợp” và “điểm nhận hàng chung” được triển khai ở một số thành phố. Ở Hàng Châu, khi người dân đổ xăng tại trạm xăng của Sinopec, họ có thể mua rau và thịt tươi từ Freshippo bằng cách đặt hàng thông qua ứng dụng di động khi đang ngồi trên xe, gói hàng sẽ nhanh chóng được đặt vào cốp.
Mô hình “mua theo nhóm” cũng được lập ra để đơn giản hóa việc giao hàng, tiết kiệm sức lao động và giảm thiểu tiếp xúc. Cư dân mỗi khu dân cư đặt hàng thông qua một cuộc trò chuyện nhóm, cuộc trò chuyện này sẽ được tổng hợp hàng ngày và gửi đến các cửa hàng. Ngày hôm sau, thực phẩm sẽ được chuyển đến các khu dân cư.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá có một số bài học rút ra từ cách xử lý của Trung Quốc là cần hợp tác, phối hợp nhiều bên liên quan ở các cấp độ khác nhau, đa dạng kênh phân phối và đổi mới là mấu chốt để đối phó thách thức. Khủng hoảng không chỉ là rủi ro mà còn là cơ hội để mở ra những triển vọng mới, FAO nhấn mạnh.
Phương Vũ (Theo FAO) – VnExpress