Bạo loạn quốc hội Mỹ – sự kiện siêu lây nhiễm nCoV

Đám đông không đeo khẩu trang đi lại, hò hét tại các hành lang và văn phòng tòa quốc hội có thể đã biến cuộc bạo loạn thành một sự kiện siêu lây nhiễm nCoV.

nCoV dễ phát tán ở không gian kín trong nhà, đặc biệt là ở những nơi đông người. Virus lây lan qua đường giọt bắn và các hạt nhỏ có thể tồn tại trong không khí từ vài phút đến hàng giờ. Các chuyên gia cho rằng dù chỉ một vài kẻ bạo loạn nhiễm nCoV, với tốc độ lây lan và quy mô đám đông như vậy, virus vẫn có cơ hội lý tưởng để tìm nạn nhân mới.

“Cuộc bạo loạn có tất cả yếu tố mà chúng tôi cảnh báo mọi người”, Anne Rimoin, nhà dịch tễ học tại Đại học California, Los Angeles, cho biết. “Những người tham gia đã la hét và hô hào, tất cả điều đó tạo cơ hội cho virus lây lan”.

Tổng thống Trump đã hạ thấp mức độ nguy hiểm của đại dịch kể từ khi nó bắt đầu. Nhiều người ủng hộ ông xông vào Đồi Capitol đã không đeo khẩu trang hay giữ khoảng cách với nhau. Nhiều cuộc tụ tập tương tự như vậy đã trở thành các sự kiện siêu lây nhiễm.

Nhưng chuỗi lây nhiễm của nCoV luôn khó theo dõi. Công tác truy vết tiếp xúc rất ít hiệu quả ở Mỹ và nhiều người trong đám đông tại Đồi Capitol đến từ nhiều nơi chứ không chỉ ở thủ đô Washington.

Các cuộc biểu tình Mạng người da màu cũng quan trọng hồi mùa hè đã làm dấy lên những lo ngại tương tự. Nhưng hầu hết các cuộc biểu tình sắc tộc như vậy được tổ chức ngoài trời và nhiều người tham dự đã đeo khẩu trang. Nghiên cứu sau đó cho thấy đây không phải là sự kiện siêu lây nhiễm.

Những người tham dự cuộc mít tinh của Trump trước khi đổ về Đồi Capitol hôm 6/1 cũng đứng ngoài trời gần nhau trong nhiều giờ, nhưng “tôi đỡ lo lắng hơn về các hoạt động diễn ra ngoài trời”, tiến sĩ Rimoin nói. “Rủi ro tăng lên theo cấp số nhân khi ở trong nhà”.

Bà và các chuyên gia khác cho rằng hàng trăm kẻ bạo loạn la hét trong các phòng và hành lang đông đúc trong thời gian dài có thể lây nhiễm cho hàng chục người cùng lúc.

Ba nhóm riêng biệt gồm cảnh sát quốc hội, những người bạo loạn và các nghị sĩ “đã ở trong nhà, không giữ khoảng cách với nhau trong một thời gian dài”, tiến sĩ Joshua Barocas, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Đại học Boston, nói. Ông nhận định đây có thể là sự kiện siêu lây nhiễm, “đặc biệt là trong bối cảnh xuất hiện biến chủng nCoV có khả năng lây lan mạnh hơn”.

Chủng nCoV mới từ Anh đã được phát hiện ở một số bang, nhưng cũng có thể đã âm thầm lan rộng khắp nước Mỹ, khiến các sự kiện như bạo loạn ở Đồi Capitol càng trở nên rủi ro hơn, ông nói.

Các nhà khoa học đặc biệt lo ngại về nguy cơ các nghị sĩ nhiễm nCoV trong quá trình chuyển giao quyền lực vốn đã khó khăn. Tiến sĩ Tom Inglesby, Giám đốc Trung tâm An ninh Y tế tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg cho biết: “Tôi không chỉ lo lắng nó là sự kiện siêu lây nhiễm mà những người bị lây còn có thể là các dân biểu”.

Các nghị sĩ và nhân viên hành pháp cũng có thể lây virus cho nhau khi họ ẩn nấp trong thời gian bạo loạn. Nghị sĩ Cộng hòa Jake LaTurner thông báo trên Twitter vào sáng sớm 7/1 rằng ông dương tính với nCoV. LaTurner đã ngồi trong phòng với các nghị sĩ khác gần như cả ngày.

Ít nhất 10 người trong số 400 nhà lập pháp và nhân viên tụ tập trong một phòng họp đã từ chối đeo khẩu trang ngay cả khi được đề nghị, hoặc đeo chúng không đúng cách khi kéo khẩu trang xuống cằm, nghị sĩ Dân chủ Susan Wild cho biết.

Phòng họp này nhanh chóng trở nên đông đúc khi các nghị sĩ kéo tới để trú ẩn, khiến mọi người không thể giữ khoảng cách với nhau. “Căng thẳng lên cao và mọi người la mắng lẫn nhau”, bà kể.

“Tôi thực sự tức giận khi nghĩ về những ngày nghỉ lễ vừa qua, có bao nhiêu người đã không ở bên người thân vì sợ lây lan virus”, Wild nói về các đồng nghiệp không đeo khẩu trang.

Nghị sĩ Dân chủ Debbie Dingell cho biết môi trường lúc đó khiến bà lo lắng đến mức có lúc bà ngồi trên sàn nhà, hy vọng có thể “né” được virus. Bà đã hỏi chuyên gia liệu các nghị sĩ có nên cách ly hay không. Dingell đã đeo hai chiếc khẩu trang, như bà vẫn thường làm.

“Tôi hiểu họ nghĩ rằng họ có quyền tự do cá nhân”, bà nói về các nhà lập pháp Cộng hòa từ chối đeo khẩu trang. “Tuy nhiên, quy tắc được đặt ra là để bảo vệ lợi ích chung”.

Joseph Allen, chuyên gia về chất lượng tòa nhà tại trường y tế công cộng Harvard T.H. Chan, cho biết rủi ro đối với các nghị sĩ phụ thuộc nhiều vào hệ thống thông gió trong căn phòng họ trú ẩn.

“Nếu đó là một cơ sở an toàn được thiết kế tốt thì nó sẽ có hệ thống thông gió và lọc không khí tốt”, tiến sĩ Allen nói. “Nhưng nếu họ chỉ chọn bừa một phòng để ẩn nấp và phòng không có các điều kiện tốt thì chưa biết được”.

“Bạn không thể giữ khoảng cách với nhau khi đang cố gắng thoát khỏi một tình huống rất căng thẳng”, Seema Lakdawala, chuyên gia về lây truyền virus đường hô hấp tại Đại học Pittsburgh, nhận xét. “Bạn phải cân nhắc giữa nguy cơ mất mạng so với nguy cơ nhiễm virus tại thời điểm đó”.

Vài giờ sau bạo loạn, các thành viên quốc hội tiếp tục cuộc họp kiểm phiếu đại cử tri để xác nhận chiến thắng của Biden. Barocas chỉ ra một số nhà lập pháp đã tháo khẩu trang trước khi phát biểu. Nói ở mức âm lượng lớn có thể khiến giọt bắn văng mạnh hơn.

Nhiều người Mỹ đã thở phào nhẹ nhõm khi những kẻ bạo loạn rời Đồi Capitol. Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại rằng khi trở về nhà, những người này có thể gây ra những chuỗi lây nhiễm nCoV khó có thể truy vết tiếp xúc. “Chúng ta có sẽ khó biết được mức độ của ‘sự kiện siêu lây nhiễm này'”, Barocas nói.

Khi đám đông tràn vào Đồi Capitol ngày 6/1, đại dịch đã đánh dấu một cột mốc nghiệt ngã: virus cướp đi sinh mạng gần 4.000 người trong một ngày – mức cao nhất kể khi dịch bùng phát tại Mỹ.

Tổng thống Trump đã “tạo ra một nền văn hóa mà nhiều người nghĩ Covid-19 là một trò lừa bịp và những biện pháp kiềm chế virus cơ bản nhiều lần bị phớt lờ ở mọi nơi”, Allen nói.

Phương Vũ (Theo NYTimes) – VnExpress

Leave a Reply