Biden hiện không chỉ ứng phó với Covid-19 mà cùng lúc, ông còn phải tìm cách quản lý kỳ vọng quá cao của người Mỹ về viễn cảnh thoát đại dịch.
Ở nhiệm vụ thứ hai, việc vun đắp quá nhiều lạc quan cũng mang lại rủi ro không kém gì việc không tạo ra được nhiều kỳ vọng cho công chúng, giới chuyên gia đánh giá.
Mỗi khi nước Mỹ đạt những bước tiến mới trong chiến dịch tiêm chủng, Tổng thống Joe Biden lại bày tỏ thái độ lạc quan, nhưng không quên cảnh báo về những thách thức còn ở phía trước.
Thông báo quan trọng của ông hôm 2/3 về việc Mỹ sẽ có đủ vaccine cho toàn bộ người Mỹ trưởng thành vào cuối tháng 5, sớm hai tháng so với dự tính trước đó, đi kèm với lời nhắc nhở rằng có thể phải mất một năm trước khi đất nước trở lại bình thường và không có gì đảm bảo mọi người dân đều sẽ được tiêm trong hơn hai tháng nữa.
Chính quyền Biden đang thúc đẩy chương trình vaccine gấp rút hơn bao giờ hết. Đến tháng 4, các quan chức chính quyền dự kiến nguồn cung vaccine sẽ vượt quá nhu cầu. Nhiệm vụ đặt ra lúc này là tăng cường thuyết phục những người dân còn do dự đi tiêm chủng.
Chiến lược tổng thể của Biden đến nay vẫn là hạn chế hứa hẹn và không tung hô quá mức, đi kèm với lời nhắc nhở thường xuyên rằng người Mỹ cần cảnh giác khi ngày càng có nhiều biến chủng nCoV xuất hiện hơn.
Trong những ngày đầu nhậm chức, Biden hứa sẽ có đủ vaccine cho người trưởng thành Mỹ vào cuối mùa hè. Ông sau đó đẩy nhanh thời gian dự kiến đến cuối tháng 7 thông qua việc mua vaccine từ Pfizer và Moderna. Việc vaccine một liều của Johnson & Johnson được phê chuẩn hồi tuần trước, kết hợp với một thỏa thuận sản xuất vaccine với hãng dược phẩm khổng lồ Merck khiến ông tự tin đặt tháng 5 làm cột mốc mới.
Dù luôn coi tiêm chủng là mấu chốt giúp đưa cuộc sống trở lại bình thường, Biden vẫn không chịu công bố một thời gian biểu cụ thể cho mục tiêu này.
“Tôi đã được khuyên không nên đưa ra một câu trả lời rõ ràng bởi chúng ta không biết chắc chắn điều gì cả”, ông chủ Nhà Trắng ngày 2/3 nói sau khi thông báo việc Mỹ sắp có đủ vaccine Covid-19. Ông sau đó đưa ra một mục tiêu tương đối “nhẹ nhàng” là vào “thời điểm này năm sau” hoặc gần hơn.
“Nhưng một lần nữa, tôi phải nhắc lại, mọi chuyện phụ thuộc rất lớn vào việc người dân cần tiếp tục hiểu rằng chúng ta vẫn có thể chịu những mất mát nặng nề”, Biden lưu ý.
Khác với người tiền nhiệm Donald Trump, Biden luôn đặt những kỳ vọng khiêm tốn và tìm cách hoàn thành chúng. Giới quan sát đánh giá Biden sẽ dễ dàng vượt qua mục tiêu ông đề ra ban đầu là tiêm vaccine Covid-19 cho 100 triệu người dân Mỹ trong 100 ngày đầu nhậm chức.
Nhưng ngay cả khi đã đẩy nhanh được tốc độ sản xuất vaccine, Tổng thống Mỹ vẫn liên tục từ chối đưa ra dự đoán về việc khi nào cuộc sống sẽ trở lại bình thường.
Theo các cố vấn, thái độ do dự của Biden, xuất phát từ sự không chắc chắn trước khả năng người được tiêm chủng vẫn có thể lây nhiễm cũng như mối lo lắng về các biến chủng nCoV, có thể ảnh hưởng đáng kể tới hiệu quả của chương trình tiêm chủng quốc gia.
Biden luôn đề cao tôn chỉ “tuân theo khoa học” trong các quyết định của mình về đại dịch, nhưng một số chuyên gia y tế công cộng lai lo ngại ông đang “tuân thủ quá mức”.
Theo họ, khi vaccine trở nên phổ biến và không còn khan hiếm, thông điệp đưa ra cần chuyển sang việc làm thế nào để mở cửa một cách an toàn, ít chú trọng hơn vào các cảnh báo thảm khốc và tập trung hơn vào khả năng nhanh chóng đưa cuộc sống trở lại bình thường của vaccine.
Cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) Tom Frieden cho rằng chính quyền “nhất thiết phải đưa ra thông điệp vừa lạc quan vừa thận trọng”, đề cao những tiến bộ về vaccine và việc số ca nhiễm đã giảm mạnh so với hồi tháng một, nhưng cũng không quên lưu ý tới sự xuất hiện của các biến chủng mới và tỷ lệ lây nhiễm chưa biến chuyển.
“Một mặt, bạn muốn người dân có lý do để hy vọng rằng đại dịch sắp kết thúc, nhưng mặt khác, bạn cũng cần họ không lơ là cảnh giác”, Frieden nói. “Trong hầu hết trường hợp, bạn thiết lập chính sách dựa trên những bằng chứng tốt nhất hiện có, ở đó mọi thứ đều không chắc chắn. Nhưng trong trường hợp này, bạn nên áp dụng chiến lược ‘an toàn hơn là xin lỗi'”.
Tỷ lệ tử vong của nCoV có thể đang giảm dần vì một số nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất đã được tiêm chủng, nhưng dù vậy, Covid-19 vẫn là một “sát thủ tiềm tàng”.
Frieden cho rằng vài tuần tới sẽ rất quan trọng. “Chúng ta sẽ biết dịch bệnh đang diễn biến theo chiều hướng nào. Liệu chúng ta sẽ đối mặt với sóng lây nhiễm thứ tư? Hay chúng ta đang chững lại ở mức độ lây nhiễm cao? Hoặc xu hướng giảm ca nhiễm sẽ tiếp tục?”, ông đặt câu hỏi.
“Quản lý kỳ vọng là bước đầu tiên giúp đối phó với khủng hoảng một cách hiệu quả”, Alex Conant, cố vấn cấp cao cho chiến dịch tranh cử tổng thống của thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio hồi năm 2016, cho hay. “Nếu bạn vượt quá kỳ vọng, bạn là người hùng. Nếu bạn không thể đáp ứng kỳ vọng, bạn là kẻ thất bại”.
Thông báo đầy lạc quan hôm 3/2 về nguồn cung vaccine khiến hy vọng trong công chúng Mỹ tăng cao, song nó cũng gây thêm áp lực với chính quyền Biden trong việc hiện thực hóa mục tiêu. Nếu không thành công, đây sẽ được coi là một nỗi thất vọng cay đắng và thất bại chính trị rõ ràng với Biden.
“Trọng trách đang nằm trong tay Tổng thống”, Conant nói. “Nếu người dân Mỹ không được tiếp cận vaccine, họ sẽ đổ lỗi cho người điều hành”.
Vũ Hoàng (Theo AP) – VnExpress