Biden tuyên bố “nước Mỹ đã trở lại” trên trường quốc tế và hứa hẹn chính sách đối ngoại khác biệt so với người tiền nhiệm.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 4/2 tới phát biểu tại Bộ Ngoại giao, cơ quan chính phủ đầu tiên ông đến thăm sau khi nhậm chức, nhằm đưa ra tầm nhìn mới về chính sách đối ngoại của Mỹ.
Trong bài phát biểu về đối ngoại đầu tiên, Biden cho rằng Mỹ đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong vai trò lãnh đạo của mình, đến từ tham vọng cạnh tranh ngày càng tăng của Trung Quốc và cũng như sức ép từ Nga.
“Chúng ta phải đáp ứng thời điểm mới này, với các thách thức toàn cầu ngày càng tăng từ đại dịch, khủng hoảng khí hậu đến phổ biến vũ khí hạt nhân”, Biden nói.
“Đầu tư vào chính sách ngoại giao không phải là điều chúng ta làm chỉ vì đó là điều đúng đắn cần làm cho thế giới. Chúng ta làm điều đó để được sống trong hòa bình, an ninh và thịnh vượng. Chúng ta làm điều đó vì nó nằm trong lợi ích cá nhân của riêng chúng ta”, ông tuyên bố.
Phát biểu trên của Biden được coi là một nỗ lực nhằm xóa bỏ những hoài nghi của cộng đồng quốc tế về vai trò của Mỹ dưới thời chính quyền Donald Trump và thuyết phục người Mỹ về giá trị của một cách tiếp cận quốc tế mạnh mẽ.
Trump từng khiến các lãnh đạo châu Âu và châu Á tức giận bằng chính sách thuế quan, phá vỡ các liên minh toàn cầu và đe doạ rút binh sĩ Mỹ khỏi các quốc gia đồng minh. Sau khi đám đông ủng hộ Trump tấn công Đồi Capitol hôm 6/1 để phản đối chiến thắng của Biden, các đồng minh cũng như đối thủ nước ngoài đều bày tỏ nghi ngờ về nền dân chủ Mỹ.
Việc Biden lựa chọn Bộ Ngoại giao làm địa điểm cho bài diễn văn ngoại giao lớn đầu tiên của ông là một biểu tượng quan trọng về giá trị mà ông đặt vào các nhà ngoại giao.
“Các liên minh của Mỹ là tài sản lớn nhất của chúng ta. Và dẫn đầu bằng ngoại giao đồng nghĩa với việc một lần nữa sánh vai với các đồng minh và đối tác quan trọng của chúng ta”, Biden nói.
Biden trong những ngày đầu tiên của mình đã cố gắng sửa chữa những gì mà ông gọi là thiệt hại cho vị thế của Mỹ trên toàn thế giới, đảo ngược các chính sách của Trump. Ông đang nỗ lực để khôi phục thỏa thuận Iran và gia hạn tư cách thành viên của Mỹ trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và Tổ chức Y tế Thế giới.
Ông cũng đưa ra thông điệp thách thức Tổng thống Nga Vladimir Putin. “Tôi đã nói rõ với Tổng thống Putin, theo một cách rất khác so với người tiền nhiệm của mình, rằng những ngày Mỹ đồng tình trước việc Nga có những hành động gây hấn, can thiệp vào bầu cử, tấn công mạng, đầu độc công dân của mình, đã qua”, Biden nói.
Tuy nhiên, Trung Quốc, quốc gia đang không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự và ảnh hưởng của mình trên thế giới, có lẽ là thách thức quốc tế lớn nhất của Biden khi ông bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình. Ông gọi Bắc Kinh là “đối thủ nặng ký nhất của chúng ta”.
Trump ban đầu tìm kiếm một mối quan hệ nồng ấm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng những khác biệt về vấn đề thương mại, Hong Kong và những gì quân đội Mỹ gọi là hành vi gây bất ổn và hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông đã dẫn đến rạn nứt.
“Chúng ta sẽ đối đầu với hành vi lạm dụng kinh tế của Trung Quốc, chống lại hành động hung hăng, cưỡng ép của họ để đẩy lùi cuộc tấn công của Trung Quốc vào nhân quyền, sở hữu trí tuệ và quản trị toàn cầu. Nhưng chúng ta cũng sẵn sàng làm việc với Bắc Kinh khi việc đó có lợi cho Mỹ”, Biden nói.
“Chúng ta là một quốc gia luôn làm những điều lớn lao. Chính sách ngoại giao của Mỹ đã làm cho điều đó thành hiện thực và chính quyền của chúng tôi đã sẵn sàng đứng đầu và dẫn đầu một lần nữa”, Tổng thống Mỹ khẳng định.
Anh Ngọc (Theo Reuters) – VnExpress