Giới khoa học bối rối khi Ấn Độ từng có nguy cơ trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới, nhưng ca nhiễm đột ngột giảm từ tháng 9/2020.
Gần 100.000 ca Covid-19 được ghi nhận hàng ngày ở Ấn Độ vào thời kỳ cao điểm, nhưng con số này bất ngờ giảm xuống khoảng 11.000 ca mỗi ngày từ tháng 9 năm ngoái. Số liệu chính thức tháng 11/2020 cho thấy 90% số giường trong phòng chăm sóc tích cực có máy thở ở New Delhi đã được sử dụng, nhưng tỷ lệ này đến hôm 11/2 chỉ là 16%.
Vaccine không phải lý do dẫn đến tình hình trên vì chương trình tiêm chủng ở Ấn Độ mới bắt đầu hồi tháng 1, dù điều này được kỳ vọng sẽ làm ca nhiễm giảm hơn nữa. Chính phủ Ấn Độ cho rằng việc bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng có thể đã giúp ích, đặc biệt do các khoản phạt nặng đối với hành vi vi phạm ở một số thành phố.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng điều đó không thể chỉ do khẩu trang vì ca nhiễm giảm có vẻ đồng đều trên toàn quốc, trong khi việc đeo khẩu trang không được thực hiện đồng nhất ở các khu vực khác nhau.
“Nếu chúng ta không biết lý do, vô tình những điều đó có thể dẫn đến bùng phát dịch bệnh”, tiến sĩ Shahid Jameel, chuyên nghiên cứu virus tại Đại học Ashoka, Ấn Độ, cho hay.
Vineeta Bal, chuyên gia nghiên cứu hệ thống miễn dịch tại Viện Miễn dịch học Quốc gia Ấn Độ, cho biết một số khu vực có thể đã đạt khả năng miễn dịch cộng đồng, dù dân số cả nước vẫn dễ bị tổn thương, đặc biệt khi đối mặt các biến thể nCoV mới.
Một cuộc xét nghiệm kháng thể trên toàn quốc của cơ quan y tế quốc gia cho thấy 1/5 người Ấn Độ đã nhiễm nCoV trước khi chương trình tiêm chủng bắt đầu, tỷ lệ thấp hơn nhiều so với ước tính 70% cần thiết cho khả năng miễn dịch cộng đồng. Dù vậy, cuộc khảo sát cũng cho thấy nhiều người bị nhiễm ở các thành phố hơn là các ngôi làng và virus đang di chuyển chậm hơn qua các vùng nông thôn này.
“Các khu vực nông thôn có mật độ dân cư ít hơn, mọi người làm việc trong không gian mở nhiều hơn và nhà cửa thông thoáng hơn nhiều”, tiến sĩ K Srinath Reddy, chủ tịch Quỹ Y tế Công cộng của Ấn Độ cho biết. Do đó, nếu một số thành phố đang hướng tới việc đạt miễn dịch cộng đồng, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa bằng khẩu trang và giãn cách xã hội, việc lây lan chậm hơn ở vùng nông thôn có thể là lời giải thích cho việc ca nhiễm giảm đột ngột.
Ấn Độ là quốc gia đông dân thứ hai thế giới, với hơn 1,3 tỷ người. Nước này hiện ghi nhận gần 11 triệu ca nhiễm và gần 156.000 ca tử vong, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Huyền Lê (Theo Sky) – VnExpress