Ca tử vong vì Covid-19 Malaysia cao kỷ lục

Malaysia ghi nhận 126 người chết trong một ngày, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, nâng tổng ca tử vong do nCoV lên gần 3.000.

Thế giới đã ghi nhận 172.382.953 ca nhiễm nCoV và 3.700.884 ca tử vong, tăng lần lượt 465.678 và 10.104, trong khi 153.505.795 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Malaysia ngày 2/6 báo cáo 126 trường hợp tử vong – số người chết trong một ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Giới chức báo cáo thêm 7.703 ca nhiễm, nâng tổng số ca lên 587.165 người, trong đó 2.993 người chết.

Malaysia phong tỏa toàn quốc từ ngày 1/6 đến 14/6, đóng cửa hoàn toàn tất cả lĩnh vực kinh tế, xã hội, chỉ những cơ sở kinh doanh được coi là thiết yếu mới được phép hoạt động.

Nếu phong tỏa giai đoạn một thành công khiến ca mới hàng ngày giảm xuống, chính phủ sẽ thực hiện phong tỏa giai đoạn hai kéo dài 4 tuần, cho phép mở cửa trở lại một số lĩnh vực kinh tế không đòi hỏi tụ họp số lượng lớn. Quyết định chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn tiếp theo sẽ tùy thuộc vào đánh giá rủi ro của Bộ Y tế, dựa trên số ca hàng ngày và khả năng điều trị bệnh nhân Covid-19 của các bệnh viện.

Tây Ban Nha báo cáo 3.687.762 ca nhiễm và 80.049 ca tử vong do nCoV, tăng 4.984 ca nhiễm và 66 ca tử vong so với một ngày trước đó. Bộ trưởng Y tế Carolina Darias ngày 3/6 thông báo các khu vực có tỷ lệ lây nhiễm trong 14 ngày dưới 50 ca trên 100.000 được mở vũ trường và câu lạc bộ cho đến 3h sáng, mặc dù một số hạn chế sẽ tiếp tục.

Tỷ lệ lây nhiễm trên toàn quốc Tây Ban Nha đã giảm xuống 118,5 ca trên 100.000 người vào ngày 2/6 giảm gần một nửa so với hồi cuối tháng 4, nhưng chỉ các đảo Balearic, Valencia và vùng Ceuta ở Bắc Phi đáp ứng được yêu cầu dưới 50 ca.

Pháp, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận 5.685.915 ca nhiễm và 109.758 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 8.743 và 96 ca. Tổng thống Emmanuel Macron thông báo Pháp sẽ bắt đầu tiêm vaccine cho người 12-18 tuổi từ ngày 15/6.

Macron nhấn mạnh rằng 50% người Pháp trưởng thành đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, gọi đây là “bước ngoặt thực sự” trong quá trình tiêm chủng của đất nước. Tuy nhiên, Macron kêu gọi mọi người vẫn “cần cẩn thận và cảnh giác” và cho biết một số khu vực vẫn sẽ yêu cầu đeo khẩu trang ngoài trời.

Nhà hàng và quán cà phê ở Pháp đã được phục vụ khách ở không gian ngoài trời, các hàng quán chỉ có không gian trong nhà sẽ được mở cửa trở lại từ 9/6.

Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 28.440.988 ca nhiễm và 338.013 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 134.105 và 2.899 ca.

Phát ngôn viên Viện Huyết thanh Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, cho biết công ty này dự kiến xuất xưởng 90 triệu liều vaccine AstraZeneca trong tháng 6, tăng tới 40% so với mức 65 triệu liều/tháng hiện nay. Công ty Bharat Biotech cũng tăng gần 2,5 lần sản lượng vaccine nội địa Covaxin, từ 10 triệu liều trong tháng 4 lên khoảng 23 triệu liều vào tháng 6.

Thông tin được đưa ra trong bối cảnh quốc gia đông dân thứ hai thế giới vẫn chật vật đối phó đợt bùng phát Covid-19 thứ hai, khiến hàng chục nghìn người chết chỉ trong một tháng. Giới chức chính phủ và chuyên gia y tế cho rằng cách duy nhất để ngăn làn sóng dịch bệnh thứ ba là tiêm chủng cho phần lớn dân số 1,3 tỷ người của Ấn Độ.

Philippines vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 1.240.716 ca nhiễm và 21.158 ca tử vong, tăng lần lượt 5.257 và 146 ca.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã gia hạn các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 ở thủ đô và các tỉnh lân cận tới giữa tháng 6. Theo quy định của chính phủ, các địa điểm tổ chức sự kiện tôn giáo chỉ được hoạt động ở mức 30%, các nhà hàng ở mức 20%, trong khi việc đi lại không thiết yếu tiếp tục bị cấm.

Ông Duterte cũng gia hạn lệnh cấm nhập cảnh từ các nước Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh, Nepal, Oman và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất đến ngày 15/6, để ngăn nguy cơ lây lan biến thể B.1.617.2 lần đầu phát hiện ở Ấn Độ.

Tổng thống Duterte ngày 2/6 thúc giục người dân tiêm vaccine trong bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình, nhấn mạnh đây là cách hiệu quả nhất để đánh bại Covid-19.

Philippines dự kiến nhận gần 10 triệu liều vaccine vào tháng 6, cho phép nước này tiêm 1,5 triệu mũi hàng tuần. Trong 7 ngày tính đến ngày 30/5, trung bình 144.402 liều được tiêm mỗi ngày.

Phương Vũ (Theo AFP/Reuters) – VnExpress

Leave a Reply