Cách Mỹ lấp lỗ hổng sau vụ cháy tàu đổ bộ

Mỹ có thể huy động lực lượng từ nơi khác để lấp chỗ trống của USS Bonhomme Richard trong lúc tìm phương án thay thế chiến hạm tỷ đô.

“Còn quá sớm để kết luận có thể sửa chữa USS Bonhomme Richard với chi phí hàng trăm triệu USD trong vài năm hay nó sẽ bị thay thế bởi một tàu mới có chi phí hơn 3 tỷ USD. Hải quân Mỹ chưa đánh giá được mức độ thiệt hại, nhiều tuyên bố lạc quan về tình trạng con tàu hiện chỉ là phỏng đoán, chưa có bằng chứng cụ thể”, Lawrence B. Brennan, đại tá từng phục vụ 33 năm trong hải quân Mỹ, chia sẻ với VnExpress hôm 17/7.

Hiện giới chuyên gia quân sự đang có nhiều phỏng đoán về tương lai của USS Bonhomme Richard, mẫu chiến hạm lớn thứ hai trong biên chế hải quân Mỹ, chỉ sau tàu sân bay hạt nhân. USS Bonhomme Richard đã cháy suốt 4 ngày khi neo đậu để bảo dưỡng tại quân cảng San Diego, bang California, Mỹ.

Chuẩn đô đốc Philip Sobeck, chỉ huy Nhóm tác chiến viễn chinh số 3 hải quân Mỹ, cho biết đám cháy đã được khống chế hôm 16/7, 4 khoang tác chiến bên dưới thân tàu không bị hư hại nặng như dự đoán và cấu trúc bên ngoài của chiến hạm vẫn ổn định. Sobeck tin rằng con tàu có thể được sửa chữa và trở lại hoạt động.

Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự cho rằng phương án sửa chữa để tàu tiếp tục hoạt động trong thời gian ngắn là quá tốn kém, không hiệu quả và Lầu Năm Góc nên loại biên USS Bonhomme Richard để đóng tàu mới thay thế. Dù vậy, giải pháp thay thế cũng sẽ tốn nhiều tiền của và thời gian trước khi Washington có thể lấp chỗ trống trong lực lượng tàu đổ bộ tiền phương.

Hải quân Mỹ đang vận hành 10 tàu đổ bộ cỡ lớn, trong đó gồm 8 chiếc lớp Wasp và hai tàu lớp America. Tuy nhiên, chỉ một nửa trong số này hiện diện trên biển, do các chiến hạm phải luân phiên bảo dưỡng và nâng cấp. Sự cố USS Bonhomme Richard có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến chiến lược của Mỹ, gây thiếu hụt lực lượng và buộc nước này kéo giãn các đợt triển khai để lấp chỗ trống.

Tuy nhiên, đại tá Brennan cho rằng Washington vẫn có nhiều phương án lấp chỗ trống của USS Bonhomme Richard trong vài năm tới. “Hải quân Mỹ có đủ chiến hạm và máy bay để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và trách nhiệm địa chính trị toàn cầu nói chung và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói riêng. Họ có thể điều chuyển lực lượng từ những hạm đội khác đến khu vực leo thang căng thẳng”, ông nói.

Các tàu chiến thuộc Hạm đội Đại Tây Dương, hiện mang tên Bộ chỉ huy Các lực lượng Hạm đội hải quân Mỹ (USFF), thường xuyên được triển khai đến Ấn Độ Dương, đặc biệt là vùng biển ngoài khơi Iran. “Tôi từng tham gia nhiệm vụ như vậy khi USS Nimitz hiện diện trên vịnh Oman để tiến hành chiến dịch giải cứu con tin Mỹ ở Iran năm 1980”, đại tá Brennan nói.

Tuy nhiên, cựu sĩ quan hải quân Mỹ cũng thừa nhận vụ cháy USS Bonhomme Richard cũng tác động đến năng lực tác chiến và ảnh hưởng địa chính trị của Washington tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nơi đang chứng kiến căng thẳng ngày càng tăng giữa Mỹ với Trung Quốc và Iran.

“Sự cố này sẽ để lại khoảng trống lớn trong lực lượng tàu đổ bộ tấn công mang tiêm kích F-35B, khi Mỹ hiện chỉ có USS America và 7 tàu đổ bộ lớp Wasp có thể vận hành chiến đấu cơ này ở các mức độ khác nhau. Hai chiếc khác thuộc lớp America gồm USS Tripoli và USS Bouganville mới được biên chế và chưa thể làm nhiệm vụ hoặc vẫn đang được chế tạo”, đại tá Brennan cho hay.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với các tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz đang già cỗi, trong đó chiếc đầu tiên là USS Nimitz đã 45 tuổi và có thể phải nghỉ hưu trong 5 năm tới. Siêu tàu sân bay lớp Ford được phát triển để dần thay thế lớp Nimitz, nhưng cũng gặp hàng loạt vấn đề khiến dự án liên tục trễ tiến độ.

Đề cập đến nỗ lực tăng hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đại tá Brennan cho rằng ngoài việc điều động tàu sân bay, tàu chiến tới khu vực, hải quân Mỹ cần chú ý tới vai trò quan trọng của những cảng biển và căn cứ tại nước ngoài nhằm duy trì khả năng chiến đấu cho hạm đội Mỹ.

Theo ông, việc Mỹ loại bỏ các quy chế ưu đãi với Hong Kong gần đây có thể khiến các chiến hạm Mỹ không còn được chào đón ở đặc khu. “Trong bối cảnh đó, hải quân Mỹ phải tìm đến những quốc gia sẵn sàng tiếp nhận lực lượng của họ, đặc biệt là những nước chia sẻ quan điểm về tự do hàng hải”, đại tá Brennan nêu quan điểm.

Vũ Anh – VnExpress

Leave a Reply