Cách trấn áp chết người được cảnh sát nhiều nước sử dụng dù nguy hiểm

Kỹ thuật trấn áp nghi phạm bằng cách khóa cổ, đè đối tượng úp mặt xuống đất, dù được cảnh báo là nguy hiểm, vẫn được áp dụng rộng rãi bởi cảnh sát nhiều quốc gia.

Ba ngày sau khi người đàn ông Mỹ da đen George Floyd tử vong vì động tác ghì đầu gối vào cổ ở thành phố Minneapolis, một người da đen khác rơi vào trạng thái hôn mê sau khi bị cảnh sát ở thủ đô Paris của Pháp sử dụng biện pháp trấn áp tương tự.

Kỹ thuật khống chế bằng cách sử dụng đầu gối gây áp lực vật lý lên gáy của đối tượng được sử dụng phổ biến trong lực lượng cảnh sát khắp thế giới. Từ lâu, biện pháp này đã nhận nhiều sự chỉ trích.

Kỹ thuật được sử dụng rộng rãi

Một trong các lý do khiến cái chết của Floyd thổi bùng sự giân dữ và chạm tới lương tâm của người dân nhiều quốc gia là bởi kỹ thuật trấn áp được cảnh sát Minneapolis sử dụng đã nhiều lần bị cáo buộc là nguyên nhân gây ra trạng thái ngạt thở, đôi khi dẫn tới tử vong, trong các nhà giam của cảnh sát bên ngoài nước Mỹ, và thường liên quan tới nghi phạm da màu.

“Chúng ta không thể nói tình huống tại Mỹ là điều gì đó xa lạ”, nghị sĩ Pháp Francois Ruffin nói. Ông Ruffin là người đã thúc đẩy lệnh cấm lực lượng cảnh sát sử dụng biện pháp khống chế ghì cổ, kỹ thuật đã gây ra nhiều trường hợp tử vong tại Pháp.

Vụ bắt giữ hôm 28/5 tại thủ đô Paris đối với một người da đen được miêu tả là bạo lực. Người này bị sĩ quan cảnh sát sử dụng đầu gối và cẳng chân gây áp lực lên gáy, phải ở trong tư thế xương hàm và lồng ngực bị ép xuống mặt đường.

Hình ảnh vụ bắt giữ tại Paris được quay phim bởi người đi đường, sau đó được chia sẻ rộng rãi trên mạng Internet. Cảnh sát Pháp cho biết người đàn ông da đen bị bắt giữ vì lái xe trong trạng thái không tỉnh táo vì sử dụng ma túy và đồ uống có cồn, không có bằng lái xe. Khi bị bắt, người này đã chống cự và nhục mạ cảnh sát.

Vụ việc của người đàn ông bị bắt tại Paris đã được chuyển sang cơ quan công tố.

Tại Hong Kong, nơi cách hành xử của cảnh sát là vấn đề nóng bỏng sau nhiều tháng diễn ra các cuộc biểu tình chống chính quyền, nhà chức trách chính quyền đặc khu cho biết đang điều tra cái chết của một người đàn ông tử vong hồi tháng 5 vì bị cảnh sát áp dụng biện pháp ghì cổ và mặt xuống đường.

Ở Anh, cảnh sát không bị cấm sử dụng biện pháp khóa cổ buộc đối tượng úp mặt xuống đường. Tuy nhiên, trong một thông báo, Học viện Cảnh sát Hoàng gia Anh cho biết các nghi phạm nên được đặt ở vị trí nằm nghiêng, ngồi, quỳ hoặc tư thế đứng “ngay khi có thể”.

Mặc dù vậy, hướng dẫn trên website của Sở Cảnh sát London không khuyến khích sử dụng biện pháp khóa cổ, cho biết “bất cứ hình thức gây áp lực lên cổ nào cũng có thể cực kỳ nguy hiểm”.

Ý kiến trái ngược từ cảnh sát các quốc gia

Không chỉ bị lên án bởi cảnh sát và giới chuyên gia tại Mỹ, những người gây ra cái chết cho Floyd cũng bị chỉ trích từ các sĩ quan cảnh sát ngoài nước Mỹ, những người tuyên bố không bao giờ sử dụng những biện pháp như cựu sĩ quan Derek Chauvin của sở cảnh sát Minneapolis đã sử dụng.

Tại Israel, người phát ngôn cảnh sát Micky Rosenfeld cho biết “không có chiến thuật hay giao thức an ninh nào cho phép (sĩ quan cảnh sát) gây áp lực lên cổ hay khí quản” của đối tượng bị trấn áp.

Trong khi đó, cảnh sát Đức được phép gây tác động trong thời gian ngắn lên một bên đầu của đối tượng. Tuy nhiên, tác động vào vùng cổ của đối tượng bị trấn áp không được cho phép, người phát ngôn Công đoàn cảnh sát Đức cho biết.

Tại Bỉ, giảng viên trường đào tạo cảnh sát tên Stany Durieux cho biết ông khiển trách các học viên và trừ điểm họ “mỗi khi nhìn thấy đầu gối tác động vào cột sống”.

“Việc gây tác động tuyệt đối lên nghi phạm là bị cấm bởi có nguy cơ gây ra gãy xương sườn và nghẹt ống thở”, ông Durieux nói.

Ngay tại Mỹ, hướng dẫn các biện pháp trấn áp đối tượng tình nghi cũng khác biệt giữa các thành phố.

Quyển sách Hướng dẫn tuần tra dày hàng trăm trang của Sở cảnh sát New York ghi rõ bằng chữ in hoa đậm quy định sĩ quan cảnh sát “không được phép” kẹp cổ nghi phạm và cần “tránh hành động gây sức ép lên ngực như ngồi, quỳ gối hay đứng lên ngực hoặc lưng của đối tượng, có thể làm suy giảm khả năng thở của người này”.

Tuy nhiên, kỹ thuật kẹp cổ bằng cánh tay có tên “sleeper hold” được cho phép sử dụng tại Sở cảnh sát thành phố San Diego trước khi cái chết của Floyd xảy ra, buộc cơ quan này thay đổi phương pháp trấn áp các nghi phạm. Cảnh sát trường David Nisleit cho biết sẽ ra lệnh chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng kỹ thuật “sleeper hold” trong tuần này.

Biện pháp an toàn cho cảnh sát?

ỞPháp, hiến binh được khuyến khích không gây tác động lên ngực và các bộ phận sống còn của nghi phạm. Kỹ thuật gây tác động vật lý lên cổ cũng đã được ngừng huấn luyện tại các cơ sở đào tạo, giám đốc đơn vị đào tạo hiến binh Laurent De La Follye nói.

Tuy nhiên, hướng dẫn cho cảnh sát quốc gia và các lực lượng thực thi pháp luật khác tại Pháp nhiều không gian hành động hơn. Hướng dẫn ban hành năm 2015 cho phép lực lượng thực thi pháp luật gây tác động lên ngực của đối tượng “trong thời gian ngắn nhất có thể”.

Christophe Rouget, sĩ quan thuộc công đoàn cảnh sát Pháp, cho biết trong trường hợp không sử dụng súng lục hay súng điện, biện pháp khóa cổ buộc đối tượng úp mặt xuống đất là lựa chọn an toàn nhất, ngăn nghi phạm tấn công sĩ quan làm nhiệm vụ.

“Chúng ta không có nhiều lựa chọn. Những kỹ thuật này được sử dụng bởi cảnh sát khắp nơi trên thế giới bởi chúng mang lại ít hiểm nguy nhất. Điều duy nhất đáng nói là làm sao áp dụng hiệu quả. Ở Mỹ, chúng ta thấy kỹ thuật đó không được sử dụng phù hợp, tác động lực ở sai vị trí trong thời gian quá lâu”, ông De La Follye nói.

Duy Anh – Zing

Leave a Reply