Cao thủ tin học bắt tay lập đường dây cá độ siêu khủng

Từ ông trùm đến những trợ thủ đắc lực trong đường dây cá độ bóng đá cực lớn vừa bị triệt phá đều là những cao thủ IT.

Nhóm này từng đoạt giải nhì học sinh giỏi quốc gia, có cả thạc sỹ tin học, có người từng ngồi ghế trưởng phòng của một ngân hàng lớn…

Thống kê bước đầu, số tiền lừa đảo của đường dây cá độ này lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Bỏ việc ngân hàng đi lừa đảo

Trong đường dây cá độ bóng đá mà Công an tỉnh Thanh Hóa vừa bóc gỡ, Bùi Minh Cảnh (40 tuổi, tại xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) được xác định là “ông trùm”.

Những thành công trong cuộc sống của Cảnh từng là mơ ước của nhiều người, bởi anh ta học rất giỏi và khi ra trường, đã phấn đấu tới vị trí trưởng phòng của một ngân hàng lớn với thu nhập cao. Nhưng sau khi tham gia chơi cá độ bóng đá, Cảnh nảy sinh ý tưởng viết phần mềm cá độ bóng đá mà có thể chỉnh sửa kết quả để 100% người tham gia chơi, dù có giỏi cỡ nào thì vẫn bị thua.

Để triển khai ý tưởng lừa đảo này, Cảnh bắt tay với người bạn học phổ thông Nguyễn Thanh Hải (cùng quê Tư Nghĩa, Quảng Ngãi). Cũng như Cảnh, Hải học rất giỏi, đã tốt nghiệp thạc sỹ công nghệ thông tin. Sau đó, Cảnh tiếp tục lôi kéo đồng hương Trần Tiến Quốc Định (37 tuổi, từng đoạt giải Nhì học sinh giỏi Quốc gia). Cảnh còn thuyết phục một IT chính hiệu khác là Vũ Chí Thắng (35 tuổi, ở Chi Nê, Lạc Thủy, Hòa Bình) tham gia kế hoạch lừa đảo qua đường dây cá độ.

Mờ mắt trước lợi nhuận khổng lồ, nhóm trên đã bỏ việc ở những cơ quan đang cho nguồn thu nhập rất tốt để bắt tay viết phần mềm, lập ra website tương tự trang cá độ bóng đã quốc tế bong88.com và 7700077.com. Hải là người viết phần mềm phân thành 6 cấp tách biệt trong đó có cấp Admin và Promaster có chức năng sửa chữa kèo, sửa kết quả đặt kèo.

Đầu năm 2019, Cảnh thử nghiệm, cùng Hải làm Admin, thuê trang của các nhà mạng để chuẩn bị cho việc cá độ. Để việc tổ chức cá độ được dễ dàng, sau khi Hải viết được trang, Cảnh đã thử tạo các con bạc ảo, không cần người thật để đánh thử. Thấy phần mềm chạy yếu hơn nước ngoài nên yêu cầu Hải chỉnh sửa kỹ càng rồi tổ chức chiến dịch truyền thông về các trang cá độ trên bằng cách tung lên mạng xã hội để quảng cáo.

Cảnh phân cấp cho Định làm Promaster có chức năng sửa chữa kèo, sửa kết quả đặt kèo. Thắng cũng được Cảnh phân cấp làm Promaster, được tự tổ chức cho con bạc đánh bạc, mỗi con bạc tham gia Cảnh sẽ thu tiền cho thuê tổng trang 9.500 đồng/tuần/người đánh… Còn Định lôi kéo Ngô Minh Tuấn (36 tuổi, ở xã Tân Bình, huyện Châu Thành, Đồng Tháp) – một người có tiền án, tiền sự, chuyên cầm đồ, cho vay nặng lãi để Tuấn tổ chức cho họ cá độ.

Nhắm tới các “con mồi” giàu có

Sau khi thiết lập được đường dây lừa đảo tinh vi có chức năng sửa chữa kèo, sửa kết quả đặt kèo, nhóm này bắt đầu nhắm đến các nạn nhân giàu có, là nhân viên ngân hàng, nhân viên các công ty lớn, các cậu ấm cô chiêu của các gia đình khá giả.

Bán tài khoản cá độ bóng đá qua mạng Internet, khi có người hỏi mua, Cảnh hướng dẫn họ tìm kiếm khách chơi cá độ hoặc chung vốn để làm chủ cá độ. Đối với khách chơi đơn thuần thì họ thống nhất với nhau nhử cho ban đầu sẽ thắng sau đó sửa các kèo thắng trở thành thua hoặc sửa tăng số tiền đặt kèo bị thua để chiếm đoạt tiền của con bạc. Đối với người chung vốn thì họ thống nhất với nhau lập các con bạc ảo đánh, sửa kèo cho con bạc ảo thắng và người chung vốn phải trả số tiền theo tỷ lệ thống nhất chung vốn. Với cách làm trên, nhóm lừa đảo luôn nắm phần thắng.

Anh N.B.Q. (làm ở công ty phần mềm với mức lương hơn 200 triệu đồng/tháng) được Tuấn mời mọc tham gia cá độ. Từ cuối năm 2019 đến nay, anh này đã thua khoảng 16 tỷ đồng.

Có những đêm, anh Q. thua hơn 800 triệu đồng mà không hề biết rằng nếu nạn nhân cá độ thua thì Định để nguyên lệnh đặt cược. Còn nếu người chơi thắng thì nhóm lừa đảo sẽ sửa thành thua. Sau đó, anh Q. phải bán 1 ngôi nhà, 2 mảnh đất để trả nợ…

Một nạn nhân khác của đường dây là một cán bộ ngân hàng tên L. Sau khi anh này tham gia làm đại lý cấp 2, nhóm lừa đảo tạo ra các con bạc ảo để chơi cá độ với L. Phần mềm luôn cho các con bạc ảo thắng nên L. phải trả số tiền 950 triệu đồng như tỷ lệ ăn chia đã thỏa thuận.

Trung tá Trịnh Văn Sơn, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết để che giấu hành vi, nhóm tổ chức thường xuyên chuyển vị trí đặt sever máy chủ, xóa dữ liệu khiến việc thu thập chứng cứ gặp khó khăn. Các đầu mối chính gần như không biết nhau, họ ở từng cấp chỉ biết cấp liền kề của mình, không biết cấp dưới hoặc cấp cao hơn… Để phá được vụ án, đấu trí với các cao thủ IT là cả một hành trình nỗ lực và bền bỉ.

Đến nay, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bắt và khởi tố 12 người thực hiện hành vi lừa đảo tại TP Hà Nội, TP.HCM, TP Đã Nẵng, Quảng Ngãi, Đồng Tháp, Thanh Hóa…

Cảnh sát chứng minh bằng cách trên, nhóm người liên quan đã lừa được nhiều người tham gia đánh bạc với số tiền hàng chục tỷ đồng.

Zing

Leave a Reply