Chiến lược Trump ‘tung hỏa mù’ bằng thuyết âm mưu

Tổng thống Donald Trump phát biểu tại trường trung học Mary D. Bradford ở Kenosha, Wisconsin, ngày 1/9. Ảnh: AP.

Tung ra thuyết âm mưu để công kích đối thủ hay chuyển hướng dư luận là chiến lược được Trump áp dụng thường xuyên khi cuộc bầu cử cận kề.

Ngày 31/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đang bị nhóm người “ẩn nấp trong bóng tối” điều khiển và rằng một nhóm phần tử vô chính phủ mặc đồ đen đã lên máy bay để tới Washington “phá hoại” Hội nghị Toàn quốc đảng Cộng hòa.

Ngày 1/9, ông chủ Nhà Trắng liên tục đăng bài trên Twitter, phủ nhận những tin đồn rằng một loạt các cơn đột quỵ nhẹ đã khiến ông phải tới Trung tâm Y tế Walter Reed vào tháng 11 năm ngoái. “Chưa bao giờ có chuyện gì như thế xảy ra với ứng viên là tôi đây, tin giả!”, ông viết.

Ngày 2/9, Trump dẫn lại trên Twitter bài viết từ một tờ báo bảo thủ đặt ra câu hỏi về tác động của việc bỏ phiếu qua thư tới cuộc bầu cử sắp tới, đồng thời đặt câu hỏi: “Bầu cử gian lận?”.

Theo giới quan sát, Trump lâu nay vẫn có xu hướng sử dụng các thuyết âm mưu và thông tin chưa được kiểm chứng để công kích những người chỉ trích ông hoặc chuyển hướng sự chú ý của dư luận khỏi những sự kiện không tốt về ông hay chính quyền của ông. Trump gần đây dường như vận dụng chiến lược này tích cực hơn bao giờ hết, nhằm khiến công chúng xao lãng về đại dịch Covid-19, nền kinh tế suy thoái và xung đột sắc tộc đang nổ ra tại nhiều thành phố của Mỹ.

“Thuyết âm mưu làm nên sức mạnh của ông ấy”, Jennifer Mercieca, phó giáo sư về truyền thông tại Đại học Texas A&M, nhận định về Tổng thống Trump. Theo bà, thuyết âm mưu là những câu chuyện chưa được kiểm chứng hay chứng minh, nhưng không có bằng chứng nào đủ mạnh để phản bác lại nó.

“Logic của thuyết âm mưu khiến nó không bao giờ được chứng minh hay bị phủ nhận hoàn toàn. Nếu bạn cố gắng tìm cách phản bác nó, những người truyền bá thuyết âm mưu sẽ bảo rằng ‘Sự thật nằm ở ngoài kia, chỉ là người ta đang cố che đậy chúng'”, bà nói.

“Một mặt, Trump đang cố gắng đánh lạc hướng chú ý khỏi Covid-19 bằng những thuyết âm mưu bên lề, mặt khác, ông cũng đang tìm cách thu hút các cơ quan truyền thông dồn sự chú ý vào mình thông qua các thuyết âm mưu”, chiến lược gia kỳ cựu đảng Dân chủ Jesse Ferguson bình luận.

Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình, Trump luôn duy trì các thuyết âm mưu. Trump từng nói rằng tình trạng gian lận bầu cử khiến ông thua bà Hillary Clinton về phiếu bầu phổ thông, nhưng chưa bao giờ đưa ra được chứng cứ chứng minh cho tuyên bố trên.

Cuộc điều tra xem xét bãi nhiệm Trump hồi cuối năm ngoái được kích hoạt bởi một cuộc điện thoại mà ở đó ông thuyết phục Ukraine điều tra những báo cáo vô căn cứ rằng Biden thúc đẩy việc loại bỏ công tố viên Ukraine Viktor Shokin nhằm bảo vệ con trai Hunter Biden. Thực tế, việc Shokin không có hành động quyết liệt chống tham nhũng đã khiến quốc tế kêu gọi Kiev bãi nhiệm ông. Cuối cùng, Shokin bị quốc hội Ukraine bãi nhiệm, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy cựu công tố viên này có liên quan tới Biden.

Giờ đây, khi Biden đã trở thành ứng viên đại diện đảng Dân chủ tranh cử tổng thống, Trump lại tiếp tục tung ra những câu chuyện chưa được xác thực về đối thủ, với tần suất dày đặc hơn.

“Tôi thậm chí không muốn đề cập đến Biden bởi ông ấy hiện không thể làm chủ bất cứ thứ gì”, Trump nói trong một cuộc phỏng vấn tối 31/8 với người dẫn chương trình Laura Ingraham từ kênh Fox News, lặp lại tuyên bố mà ông thường xuyên nêu ra, rằng Biden là con rối của phe cánh tả cực đoan. “Biden bị kiểm soát bởi những người mà các bạn chưa bao giờ nghe đến, những người đứng trong bóng tối”, Trump nói.

Lời khẳng định từ Trump có lẽ khiến Ingraham, người dẫn chương trình ủng hộ ông trong rất nhiều vấn đề, cảm thấy bối rối. “Điều đó có nghĩa là gì? Nó giống như một thuyết âm mưu. Bóng tối, vậy là sao?”, cô dồn dập đặt câu hỏi.

Trong cùng cuộc phỏng vấn, Trump tiếp tục tuyên bố mà không đưa ra bằng chứng rằng có “những kẻ côn đồ mặc đồng phục đen” đã lên máy bay tới Washington để phá hoại Hội nghị Toàn quốc đảng Cộng hòa. Khi Ingraham hỏi thêm chi tiết, ông đáp: “Tôi sẽ nói với bạn sau. Chúng tôi đang điều tra”.

Những tuần gần đây, Trump lan truyền những câu chuyện chưa được chứng minh rằng Biden đang dùng thuốc để tăng khả năng làm việc cũng như thuyết âm mưu rằng Kamala Harris, ứng viên phó tổng thống Mỹ đảng Dân chủ, không đủ điều kiện tranh cử bởi cha mẹ bà không phải công dân Mỹ khi bà sinh ra. Tu chính án 14 của Hiến pháp Mỹ nêu rõ rằng bất kỳ ai sinh ra trên đất Mỹ đều được công nhận là công dân Mỹ, đồng nghĩa Harris hoàn toàn đủ điều kiện chạy đua vào Nhà Trắng.

“Hôm nay tôi nghe được thông tin rằng bà ấy không đủ điều kiện”, Trump tháng trước nói tại Nhà Trắng. “Tôi không biết điều đó có đúng không. Tôi cho rằng đảng Dân chủ đã kiểm tra kỹ trước khi chọn bà ấy tranh cử phó tổng thống”.

Trump còn đưa ra những tuyên bố sai lệch hoặc phóng đại về việc bỏ phiếu qua thư, rằng “những lá phiếu được gửi qua thư là gian lận” và “rất nhiều cuộc bỏ phiếu gian lận đang diễn ra” ở Mỹ. Tuy nhiên, ông đều không cung cấp bằng chứng cho những cáo buộc này. Giới chuyên gia trong khi đó nhận định gian lận phiếu bầu là điều cực kỳ hiếm hoi ở Mỹ, dù không phải không có khả năng xảy ra.

Thêm vào đó, Trump cũng khuyến khích các thành viên của QAnon, nhóm chuyên phát tán thuyết âm mưu, với ý tưởng rằng thuốc tẩy và tia cực tím có thể giết chết nCoV, đồng thời đăng lại trên Twitter video một bác sĩ tuyên bố rằng thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine là “thuốc chữa” Covid-19 và khẩu trang hoàn toàn không cần thiết.

Bác sĩ này, Stella Immanuel, còn nói các vấn đề về phụ khoa có thể bắt nguồn từ việc quan hệ tình dục với phù thủy và ma quỷ trong giấc mơ. Giới chuyên gia đã khẳng định tất cả những thông tin trên đều không chính xác.

Nhiều đồng minh, cựu cố vấn của Trump cho rằng Tổng thống có khả năng “đánh hơi thông tin đáng ngờ” và chỉ nêu bật chúng để công chúng và truyền thông Mỹ tìm hiểu sâu hơn.

“Tôi đã học cách ngừng lo lắng về điều đó từ lâu”, Jason Miller, phát ngôn viên chính của chiến dịch tranh cử Trump năm 2016, nói. “Tổng thống có khứu giác chính trị khá nhạy bén. Khi ông ấy có cảm giác điều gì đó không ổn, thực tế thường cho thấy rốt cuộc ông ấy đã đúng”.

Dẫn chứng được Miller đưa ra là những sự kiện lớn từng được Trump dự đoán đúng như Brexit, hay điều được gọi là “thiên kiến chính trị” của cựu phó giám đốc FBI Andrew McCabe và những email của bà Clinton được tìm thấy trong laptop của Anthony Weiner ngay trước cuộc bầu cử năm 2016.

“Tôi không nghĩ ông ấy lo lắng nếu một hai thông tin trong giả thuyết của mình không đúng”, Miller nói tiếp. “Tổng thống thích nêu vấn đề và biết rằng giới truyền thông sẽ theo đuổi điều đó”.

Trong khi đó, chiến dịch tranh cử của Biden nhìn nhận những thuyết âm mưu mà Trump đưa ra là cách để ông đánh lạc hướng dư luận.

“Điều cuối cùng mà cử tri Mỹ muốn là sự bất ổn định đầy nguy hiểm và chất độc tồi tệ tiết ra từ vị tổng tư lệnh này”, Andrew Bates, phát ngôn viên của Biden, tuyên bố, nhắc tới Tổng thống Trump.

Trong lúc lan truyền những câu chuyện chưa xác thực về đối thủ Biden và những người khác, Trump cũng cố gắng dập tắt những tin đồn về sức khỏe của chính mình. Nhưng việc ông quá năng nổ lại khiến mọi người chú ý tới chúng hơn.

Tối 1/9, chính quyền Trump đã có một bước đi bất thường khi đưa ra thông báo phủ nhận việc ông bị đột quỵ, dù không tờ báo hay hãng tin lớn nào đi sâu khai thác những đồn đoán liên quan tới sức khỏe của ông. Những đồn đoán Trump bị đột quỵ chủ yếu lan truyền trên mạng xã hội.

Khi ông chủ Nhà Trắng tới Kenosha, Wisconsin, xem xét những thiệt hại từ các cuộc biểu tình chống cảnh sát ở đây, Nhà Trắng phát đi tuyên bố từ Sean Conley, bác sĩ chuyên theo dõi sức khỏe của Tổng thống, rằng Trump không bị đột quỵ, đột quỵ nhẹ hay bất kỳ bệnh tim mạch cấp tính nào. Trump đã sử dụng chính các tin đồn để phản công, cho rằng chính những người chỉ trích ông đã truyền bá thông tin vô căn cứ.

“Tổng thống vẫn khỏe và tôi không có bất kỳ lo lắng nào về khả năng của ông trong việc duy trì những lịch trình bận rộn sắp tới”, Conley cho hay.

Theo Mike DuHaime, chiến lược gia nổi tiếng của đảng Cộng hòa, những thuyết âm mưu và tin đồn trên Internet vẫn sẽ tồn tại bất kể ai là người chiến thắng cuộc bầu cử vào tháng 11. Điều này một phần là do sự phân cực ngày càng tăng trong nền chính trị Mỹ.

“Chúng sẽ không biến mất sau cuộc bầu cử”, DuHaime nhận xét. “Lãnh đạo của cả hai đảng, cùng lãnh đạo giới truyền thông và doanh nghiệp, nên cảm thấy lo lắng về cách mà rất nhiều người bị lôi kéo quá dễ dàng tin vào những thuyết âm mưu”.

Vũ Hoàng (Theo USA Today) – VnExpress

Leave a Reply