Chủng nấm sát thủ bí ẩn trên hàng loạt bệnh nhân Covid-19 tại Mỹ

Hàng chục bệnh nhân mắc Covid-19 tại Florida ở Mỹ bị nhiễm loại nấm bí ẩn, gây chết người có tên Candida auris.

Chính phủ Mỹ vừa công bố kết quả nghiên cứu cho thấy hàng chục người điều trị Covid-19 tại một bệnh viện ở Florida vào năm ngoái còn nhiễm thêm loại nấm bí ẩn. Nó thường được gọi với cái tên nấm sát thủ, Candida auris.

Candida auris là nấm men đa kháng thuốc, được xác định lần đầu tiên tại Nhật Bản vào năm 2009. Nó là mối quan tâm hàng đầu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) trong những năm gần đây vì sự lây lan ngày càng tăng trên toàn cầu.

Candida auris được cho là liên quan tới 40% ca tử vong khi nhập viện. Nó thường được phát hiện trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe, đặc biệt khi bệnh nhân được đặt máy thở, ống truyền chất dinh dưỡng, ống thông trong các mạch máu lớn.

Nấm sát thủ Candida auris gây nhiễm trùng máu, vết thương và tai. Nó cũng được tìm thấy trong mẫu nước tiểu, đường hô hấp. Tuy nhiên, các nhà khoa học không rõ loại nấm này có thực sự lây nhiễm vào phổi hoặc bàng quang hay không.

Candida auris đã được ghi nhận ở hơn 30 quốc gia, với khoảng 1.500 trường hợp nhiễm tại Mỹ tính đến 31/10/2020, theo số liệu của CDC. Cơ quan này cũng cảnh báo nấm sát thủ có thể lây trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe “khi tiếp xúc các bề mặt hoặc thiết bị, môi trường bị ô nhiễm, hoặc từ người này sang người khác”.

Theo thông báo của cơ quan y tế Florida, Mỹ mà France24 trích lại, đợt bùng phát gần nhất là vào tháng 7. Bốn trường hợp nhiễm nấm sát thủ là các bệnh nhân đang điều trị Covid-19.

Một tháng sau đó, bệnh viện sàng lọc bổ sung ở những bệnh nhân mắc Covid-19 và xác định thêm 35 người dương tính với Candida auris. Dữ liệu của chính phủ Mỹ dựa trên 20 trong tổng số 35 người này. Nghiên cứu của họ cho thấy 8 người đã tử vong. Tuy nhiên, các nhà khoa học không thể xác định nấm sát thủ có phải thủ phạm chính dẫn tới cái chết này hay không.

Sau khi điều tra, cơ quan y tế Florida và CDC xác định laptop, thiết bị y tế không phải lúc nào cũng được khử trùng giữa những lần sử dụng. Vật tư y tế như ống oxy, gạc, được cất giữ trong các thùng mở.

Các nhân viên y tế của bệnh viện mặc nhiều lớp thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE), có thể vì họ lo sợ virus. Những yếu tố này không được khuyến khích vì trên thực tế, nó làm tăng nguy cơ lây truyền vi khuẩn. Một số trường hợp khác tái sử dụng PPE cũng khiến nấm sát thủ dễ xâm nhập các cơ sở y tế.

Sau khi bệnh viện tăng cường sát khuẩn các thiết bị, vật dụng y tế, nơi này không còn phát hiện nấm Candida auris. Báo cáo của CDC cũng kết luận vụ việc trên là hồi chuông cảnh báo chúng ta cần tuân thủ hơn nữa các biện pháp kiểm soát nhiễm trùng, thiết bị bảo hộ y tế nhằm giảm nguy cơ bùng phát các mầm bệnh như Cadida auris.

Thiên Nhan – Zing

Leave a Reply