Giữa lúc Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, CNBC Make It đã có cuộc trao đổi với 5 cố vấn tài chính về chủ đề “Dùng tiền thế nào thời dịch bệnh”.
Covid-19 chính thức được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố là đại dịch, khiến cho nền kinh tế Mỹ rơi vào bất ổn. Các chỉ số chứng khoán của phố Wall lao dốc mạnh, chạm mức thấp kỷ lục kể từ vụ sụp đổ thị trường năm 1987, các ngành nghề bị ảnh hưởng đang bắt đầu sa thải công nhân.
CNBC Make It đã có cuộc trao đổi với 5 cố vấn tài chính về chủ đề “Làm gì với tiền trong thời dịch bệnh”. Điều tiên quyết là đừng hoảng hốt, các chuyên gia cho biết. Sau đó, hãy ưu tiên 3 điều này.
Đóng băng các khoản đầu tư
Theo kinh nghiệm của hầu hết chuyên gia, người dân không nên đầu tư trong thời gian bất ổn này. Hãy dành thời gian để đánh giá lại các mục tiêu của bản thân, và đảm bảo rằng các khoản đầu tư phù hợp với mục tiêu đã đặt ra, Ryan Marshall, chuyên gia hoạch định tài chính ở New Jersey cho biết.
Nếu bạn đang đầu tư cho mục tiêu ngắn hạn như mua nhà, giá cả giảm sâu khiến bạn cảm thấy hài lòng và nghĩ rằng “đây là thời điểm tốt để mua”. Hãy xem xét lại điều đó, Marshall cho rằng, đầu tư theo một chiến lược ổn định quan trọng hơn việc cố gắng để có được một thỏa thuận trong khi mọi thứ đang hỗn loạn.
Gần như không thể xác định được đáy của bất kỳ sự điều chỉnh thị trường nào. Trong những thời điểm không chắc chắn, tốt hơn hết nên tạm dừng đầu tư, thay vào đó hãy giữ tiền ở một nơi an toàn hơn, có thể là gửi tiết kiệm. Nhưng các nhà đầu tư phải vượt qua giai đoạn này, Christine Benz, giám đốc tài chính cá nhân Công ty nghiên cứu đầu tư Morningstar nhận định.
Thực tế, bạn phải sẵn sàng cho những điều không chắc chắn và rủi ro có thể xảy ra nếu muốn tìm hiểu tỷ lệ lạm phát, Benz nói. Theo thời gian, các khoản đầu tư có rủi ro cao, như cổ phiếu, mang lại lợi tức cao hơn so với những khoản đầu tư rủi ro thấp và được đảm bảo.
Gia tăng tài khoản tiết kiệm khẩn cấp
Shaun Melby, chuyên gia hoạch định tài chính ở Columbia cho biết, ưu tiên hàng đầu là bạn cần đảm bảo có một tài khoản tiết kiệm khẩn cấp kha khá. Điều này đặc biệt quan trọng khi ở Mỹ và một số quốc gia khác không có chế độ nghỉ ốm. Nếu bạn bỏ lỡ công việc, hoặc mất việc vì Covid-19, bạn sẽ cần tiền để duy trì cuộc sống, ít nhất trong khoảng 3 đến 6 tháng.
Nếu bạn chưa có tài khoản tiết kiệm, hoặc tài khoản tiết kiệm quá ít, thì đây là lúc bạn nên hoạch định chi tiêu của bản thân để gia tăng quỹ khẩn cấp.
Melby đưa ra gợi ý tiết kiệm: Lập danh sách tất cả các khoản chi không cần thiết, xếp hạng chúng theo thứ tự quan trọng, sau đó cắt bỏ các mục được xếp hạng gần cuối danh sách trong vài tuần hoặc vài tháng.
Hỗ trợ người thân và cộng đồng
Nếu có thể, hãy dùng tiền để giúp đỡ gia đình, bạn bè, gia đình và cộng đồng, Michelle Fait, chuyên gia hoạch định tài chính ở Seattle đưa ra lời khuyên.
Cô cho rằng, nên nghĩ đến việc giúp đỡ những người xung quanh, người có nguy cơ mất việc hoặc không có lương do ảnh hưởng của dịch bệnh. Bạn cũng có thể quyên tiền cho các tổ chức từ thiện để góp phần giúp đỡ mọi người khắc phục và chống lại virus.
Mọi người cũng nên khuyến cáo gia đình, bạn bè không nên đến những nơi có nguy cơ nhiễm bệnh cao, thưc hiện các phương pháp phòng dịch và giữ liên lạc để nắm được tình hình của họ liên tục, Fait nói.
Mỹ Anh – Zing