Chuyên gia Mỹ nói về “tử huyệt” của Trung Quốc

Thế giới đang quay lưng lại với Trung Quốc. Vụ đụng độ ở biên giới với Ấn Độ, căng thẳng Biển Đông, những chỉ trích xoay quanh dịch Covid-19 và lệnh trừng phạt sau luật an ninh mới cho Hong Kong là minh chứng cho luận điểm này, Merrick Carey – cựu trợ lý cấp cao của Quốc hội Mỹ, hiện là giám đốc Học viện chính sách công Lexington – nhận định.

Trung Quốc đã có hơn 4 thập kỷ trỗi dậy và được cho là phát triển kinh tế với tốc độ nhanh hơn Mỹ. Nhưng thời thế giờ đây đã thay đổi. Dân số Trung Quốc đang già đi với tốc độ và quy mô chưa từng có trong lịch sử.

Trung Quốc dự kiến sẽ mất 400 triệu người trong độ tuổi lao động ở thế kỷ này. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc được cho là rất khó nhích lên do “chính sách một con” dù đã được bãi bỏ nhưng vẫn ăn sâu vào tư tưởng người dân.

Trung Quốc có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với Hàn Quốc và Nhật Bản. Samsung và Sony đều có kế hoạch điều chỉnh lại hoạt động ở Trung Quốc. Apple mặc dù luôn được xem là chậm chân, nhưng cũng có ý định rút 20% vốn đầu tư khỏi chuỗi cung ứng Trung Quốc.

Tập đoàn Huawei của Trung Quốc bị Mỹ và một số nước phương Tây “tẩy chay”. Trong khi đó, Ấn Độ vừa cấm 59 ứng dụng Trung Quốc hoạt động ở quốc gia Nam Á có hơn 1 tỷ dân.

Mặc dù liên tục bị gây áp lực về kinh tế nhưng xem ra Trung Quốc vẫn có thể trụ vững nhờ vào thị trường nội địa khổng lồ hơn 1 tỷ dân và thị trường tiêu thụ từ các quốc gia tham gia Vành đai Con đường.

Tuy nhiên, về mặt quân sự thì lại hoàn toàn khác. Vị trí địa lý có thể được coi là “tử huyệt” và khiến Trung Quốc dễ bị tổn thương. Trung Quốc đang bị bao vây bởi các quốc gia có mối quan hệ kém thân thiện.

Chính quyền Tổng thống Trump ngày càng gây nhiều áp lực đối với Trung Quốc (ảnh: Reuters)

Ngoài một đồng minh duy nhất là Triều Tiên, Trung Quốc nằm giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ không mấy thiện cảm, thậm chí công khai đối đầu, như Nhật Bản, Hàn Quốc, đảo Đài Loan, và mới đây là Ấn Độ.

Hầu hết các quốc gia, khu vực nói trên đều là đồng minh và được trang bị vũ khí công nghệ cao từ Mỹ.

Mới đây, Philippines – quốc gia Đông Nam Á từng được cho là thân Bắc Kinh – đã bất ngờ đảo ngược tiến trình hủy thỏa thuận quân sự với Mỹ. Những yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông cũng bị các nước ASEAN phản đối.

Xét về quan hệ Nga – Trung, đây thực chất chỉ là tình bạn tạm thời, dựa trên lợi ích, theo ông Merrick Carey.

Nga đang cần tiền từ Trung Quốc và ngược lại, Trung Quốc cần Nga để phát triển công nghiệp quốc phòng.

Nga giỏi sản xuất chiến đấu cơ, hệ thống phòng không. Trong khi đó, công nghiệp máy bay của Trung Quốc còn non nớt, thậm chí là không thể tự chế tạo máy bay tiếp nhiên liệu trên không.

Trung Quốc và Nga không phải là một liên minh làm việc tốt. Các trung tâm quyền lực của hai nước cách nhau một lục địa khổng lồ và trọng tâm chính sách của Nga là ở châu Âu chứ không phải châu Á.

Để đảm bảo về giao thương biển, Trung Quốc phải duy trì quyền lực từ lưu vực sông Dương Tử cho tới biển Hoàng Hải và biển Hoa Đông.

Tuy nhiên, đón đầu Trung Quốc ở khu vực này là 3 đối thủ tiềm tàng có mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ: Hàn Quốc, Nhật Bản và đảo Đài Loan.

Hàn Quốc và Nhật đều sở hữu các máy bay F-15 tàng hình và chiến đấu cơ F-35 của Mỹ. Trong khi Đài Loan được trang bị F-16 Viper chết chóc và hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot. Có 28.000 lính Mỹ đồn trú ở đất Hàn Quốc.

Trung Quốc không có tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tiêm kích J-15 của Trung Quốc liên tục gặp lỗi trong quá trình hoạt động.

Trung Quốc cần thị trường ở châu Âu, dầu từ Vịnh Ba Tư và tài nguyên ở châu Phi để phát triển kinh tế, nhưng những yếu tố này đều có thể bị Mỹ kiềm tỏa.

“Đối mặt với hệ thống chiến đấu cơ tiên tiến từ các đồng minh của Mỹ hay tàu ngầm, tàu sân bay Mỹ, Trung Quốc có thể gặp phải một trận chiến mà họ sẽ không thắng”, ông Merrick Carey bày tỏ quan điểm riêng.

Theo Vương Nam – NI (Dân Việt)

Leave a Reply