CỐ VẤN NHÀ TRẮNG ÂM THẦM THÚC ĐẨY ‘MIỄN DỊCH BẦY ĐÀN’ GÂY TRANH CÃI

Cố vấn y tế hàng đầu trong chính quyền Tổng thống Donald Trump kêu gọi Nhà Trắng ủng hộ chiến lược “miễn dịch bầy đàn” gây tranh cãi để chống đại dịch Covid-19.

Theo tiết lộ của các nguồn thạo tin với Washington Post, chiến lược “miễn dịch bầy đàn” bao gồm mở cửa cho virus corona lây nhiễm trong phần lớn dân số nhằm tạo khả năng miễn dịch. Chính phủ sẽ có biện pháp bảo vệ người cao tuổi trong các nhà dưỡng lão và những nhóm nhạy cảm với Covid-19.

Chính phủ Mỹ đã tiến hành một số chính sách này, đặc biệt trong lĩnh vực xét nghiệm, theo một số chuyên gia cùng các quan chức.

Nhân vật thúc đẩy chính sách là ông Scott Atlas, chuyên gia X-quang thần kinh của Viện Hoover, thuộc Đại học Stanford. Ông vừa được chỉ định làm cố vấn Nhà Trắng về ứng phó đại dịch vào tháng 8.

Atlas kêu gọi Mỹ áp dụng mô hình ứng phó của Thụy Điển, nới lỏng các lệnh hạn chế để nhóm dân số khỏe mạnh tạo được miễn dịch với virus thay vì giới hạn giao tiếp xã hội và kinh doanh để ngăn ngừa lây lan.

Tranh cãi nhưng hợp ý ông Trump

Không ít chuyên gia truyền nhiễm và quan chức y tế trên thế giới đã chỉ trích phương pháp của Thụy Điển là liều lĩnh. Quốc gia Bắc Âu nằm trong nhóm nước có tỷ lệ lây nhiễm và tử vong vì virus corona cao nhất thế giới. Trong khi đó, ảnh hưởng kinh tế sâu rộng từ đại dịch vẫn không được khắc phục.

Tuy nhiên, cách tiếp cận của Thụy Điển lại được các nhóm bảo thủ tại Mỹ ủng hộ. Họ chỉ trích biện pháp hạn chế và giãn cách xã hội đang hủy hoại nền kinh tế và xâm phạm tự do cá nhân.

Việc mô hình Thụy Điển được thảo luận tại Nhà Trắng làm dấy lên lo ngại từ giới chuyên gia cả trong và ngoài chính phủ. Các chuyên gia lưu ý chiến lược “miễn dịch bầy đàn” có thể trả giá bằng sinh mạng của hàng trăm nghìn, thậm chí là hàng triệu người Mỹ.

“Chính quyền (của ông Trump) phải đối diện một số rào cản rất lớn để chứng minh mình đúng. Trước tiên sẽ có rất nhiều người chết, dù cho bạn bảo vệ được những người trong các nhà dưỡng lão”, Paul Romer, nhà Nobel kinh tế học năm 2018, Đại học New York, nhận định.

“Sau khi dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, chúng ta sẽ nhìn thấy nó diễn ra hết lần này đến lần khác. Cuối cùng nó sẽ lan rộng khắp nơi”, ông nói.

Cố vấn mới của Nhà Trắng cũng không có kinh nghiệm trong bệnh truyền nhiễm hay dịch tễ học. Tuy nhiên, Atlas vẫn mở rộng được tầm ảnh hưởng nhờ vận động những chính sách phù hợp với ý muốn của ông Trump: bỏ qua đại dịch để nền kinh tế hoạt động trở lại.

Điều này khiến giới chuyên gia y tế trong nhóm chuyên trách ứng phó virus corona của Nhà Trắng, lẫn những đồng nghiệp khác trong chính phủ, lo ngại lời khuyên của họ bị để ngoài tai.

Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow và bác sĩ Scott Atlas ngồi cùng nhau trong buổi báo cáo ứng phó Covid-19 tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters.

Scott Atlas từ chối phỏng vấn với Washington Post. Người phát ngôn Nhà Trắng Judd Deere cũng không phản hồi các câu hỏi về vấn đề này. Thông cáo chính thức chỉ khẳng định ông Atlas là “bác sĩ nổi tiếng thế giới và là học giả về chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe cao cấp”. Nhà Trắng còn chỉ trích truyền thông đăng tải vấn đề này.

Theo một số quan chức Nhà Trắng, Tổng thống Trump từng hỏi về “miễn dịch bầy đàn” nhưng chưa chính thức chấp nhận chiến dịch này. Dù vậy, nhà lãnh đạo từng có nhiều bình luận công khai ủng hộ cách tiếp cận tương tự.

“Chúng ta đã quyết liệt bảo vệ những người rủi ro cao, đặc biệt là người già, đồng thời cho phép người Mỹ ở nhóm rủi ro thấp hơn trở lại làm việc, đi học an toàn. Chúng ta muốn nhìn thấy những bang vĩ đại đó mở cửa”, Tổng thống Trump tuyên bố trong Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa đêm 27/8.

Nguy cơ hàng triệu người chết

Theo một quan chức cấp cao giấu tên, Scott Atlas tự xem mình là phiên bản đối nghịch của bác sĩ Anthony Fauci – quan chức y tế và chuyên gia hàng đầu nước Mỹ về bệnh truyền nhiễm.

Các khuyến cáo của ông Fauci về virus corona thường xuyên xung đột với phát biểu của Tổng thống Trump, đặc biệt về mức độ nguy hiểm của đại dịch. Trong thời gian qua, ông Atlas còn có một số quan điểm bất đồng về chiến lược chống dịch với Deborah Birx, điều phối viên ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng.

Dù trong thảo luận nội bộ hay bình luận công khai, ông Atlas đều lập luận trằng số ca nhiễm tăng sẽ giúp đất nước đạt “miễn dịch bầy đàn” nhanh hơn. Ông tin số ca tử vong sẽ không tăng cao nếu nhóm nhạy cảm được bảo vệ.

Quan điểm này bị các chuyên gia bệnh truyền nhiễm phản đối kịch liệt. Họ lưu ý Mỹ đã ghi nhận hơn 25.000 trường hợp tử vong vì Covid-19 dưới 65 tuổi. Bên cạnh đó, tại Mỹ, nhóm nhạy cảm với virus xuất hiện nhiều hơn ở mọi nhóm tuổi so với các nước khác. Đó là do dân Mỹ có tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch, phổi và béo phì cao.

Ngoài ra, Mỹ còn có hàng triệu người thuộc nhóm rủi ro cao nhưng không ở tại cơ sở chăm sóc. Không ít trường hợp còn ở chung nhà với trẻ em. Rủi ro càng lớn hơn khi chính quyền Tổng thống Trump đang vận động các bang cho trẻ đến trường trở lại, trong khi nguy cơ lây nhiễm chưa được làm rõ.

“Miễn dịch bầy đàn” là khi số người miễn dịch đủ lớn để đà lây lan của dịch bệnh chậm lại. Tình trạng này có thể đạt được thông qua tiêm ngừa vaccine hoặc phần đông dân số đã mắc Covid-19 và có kháng thể chống truyền nhiễm trong tương lai. Tuy nhiên, cần bao nhiêu phần trăm dân số nhiễm virus corona để đạt mục tiêu này? Câu hỏi đó vẫn chưa có giải đáp cụ thể.

Các ước tính thời gian qua có phạm vi rất lớn, từ 20-70% dân số. Theo Soumya Swaminathan, khoa học gia trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), với khả năng lây nhiễm cao của virus cororna, có khả năng phải 65-70% dân số nhiễm bệnh mới có thể xảy ra tình trạng “miễn dịch bầy đàn”.

Theo ước tính này, nước Mỹ với 328 triệu dân sẽ cần đến 2,13 triệu người chết mới đạt được ngưỡng 65% nhiễm bệnh và có “miễn dịch bầy đàn”. Con số này chỉ mới tính trên tỷ lệ tử vong 1% ca nhiễm, theo Washington Post.

Ngoài ra, thời gian miễn dịch và khả năng tái nhiễm ở người đã bình phục Covid-19 vẫn chưa được làm rõ. Các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu đối tượng nào có nguy cơ cao với chủng virus này. Một số chuyên gia y tế công cộng nhấn mạnh, nhìn một cách thực tế, việc cách ly người rủi ro tử vong cao với nhóm dân số trẻ có lây nhiễm virus là nhiệm vụ gần như bất khả thi.

Tổng thống Trump từng nghĩ đến “miễn dịch bầy đàn” nhưng cuối cùng bị thuyết phục từ bỏ bởi bác sĩ Fauci và các đồng nghiệp, theo một quan chức tiết lộ.

Việc bổ sung Scott Atlas vào nhóm cố vấn ứng phó đại dịch Covid-19 nhằm lấn át những quan điểm khoa học của chuyên gia bệnh truyền nhiễm Anthony Fauci. Ảnh: Reuters.

Dấu hiệu chiến dịch đang diễn ra

Cho đến nay, phần lớn trách nhiệm chống dịch được đặt trên vai các thống đốc và quan chức địa phương. Không ít người chọn bỏ ngoài tai những đề xuất từ Tổng thống Trump. Nếu nhà lãnh đạo quyết liệt thúc đẩy mô hình Thụy Điển, khó có thể dự đoán chính xác bao nhiêu bang tại Mỹ chấp nhận nghe theo.

Tuy nhiên, theo tiết lộ từ hai quan chức cấp cao cùng một cựu quan chức và một số chuyên gia y tế, chính quyền Tổng thống Trump đã có những bước đầu tiên hướng đất nước vào con đường “miễn dịch bầy đàn”.

Bộ Y tế và Nhân sinh Mỹ đầu tháng 8 dùng đến Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để tăng tốc chuyển xét nghiệm đến những nhà dưỡng lão.

Tổng thống Trump và các trợ lý hàng đầu tại Nhà Trắng, trong đó có ông Scott Atlas, liên tục thúc đẩy mở cửa trở lại trường học và dỡ bỏ các lệnh phong tỏa. Điều này tiếp diễn mặc cho một số ổ dịch bùng phát trong trường học thời gian qua.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) tuần trước đã cập nhật khuyến cáo xét nghiệm, khẳng định những ca bệnh không triệu chứng sẽ không cần xét nghiệm. Theo các nhóm y khoa, chuyên gia bệnh truyền nhiễm và quan chức y tế địa phương, điều này đồng nghĩa người không triệu chứng dù có tiếp xúc với người nhiễm virus corona vẫn không được xét nghiệm.

Sự thay đổi đã vấp phải phản đối kịch liệt. CDC trước đó ước tính đến 40% người mắc Covid-19 không xuất hiện triệu chứng. Theo giới chuyên gia, phần lớn đợt bùng phát mùa hè này do lây nhiễm không triệu chứng trong nhóm người trẻ và khỏe mạnh.

Nhà Trắng cân nhắc lại mô hình “miễn dịch bầy đàn” vào thời điểm số người mắc Covid-19 tại Mỹ đã lên đến 5,9 triệu, với hơn 179.000 người tử vong. Khảo sát cử tri cho thấy cách chính phủ ứng phó đại dịch là yếu điểm lớn nhất của ông Trump trước đối thủ Joe Biden trong cuộc đua đến Nhà Trắng. Mỹ đang dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm virus corona lẫn số ca tử vong, cao hơn mọi nước phát triển.

Những nước kiểm soát dịch bệnh thành công nhất đều áp dụng phong tỏa nghiêm ngặt trên quy mô lớn, đẩy nhanh xét nghiệm và truy vết lây nhiễm, đồng thời bắt buộc người dân đeo khẩu trang.

Ông Atlas họp với Tổng thống Trump gần như mỗi ngày, nhiều hơn bất kỳ quan chức y tế nào khác. Theo tiết lộ từ ba quan chức cấp cao trong chính phủ, vị cố vấn này có quan điểm giống với Tổng thống Trump và Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows về cách ứng phó đại dịch.

“Khi người trẻ, khỏe hơn nhiễm bệnh, họ không gặp vấn đề gì cả. Tôi không hiểu vì sao mọi người khó chấp nhận điều đó”, Atlas trả lời Fox News vào tháng 7.

Cố vấn của Nhà trắng còn chỉ trích các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội chống dịch cũng gây nên hệ lụy y tế. Ông lưu ý nhóm bệnh nhân thất nghiệp và sắp mất bảo hiểm sẽ ngại đến gặp bác sĩ.

“Từ những trao đổi cá nhân với các đồng nghiệp ngành phẫu thuật não, khoảng 1/2 bệnh nhân của họ đã không đến điều trị những căn bệnh có thể gây nên xuất huyết não, liệt hoặc tử vong nếu bỏ qua điều trị”, Scott Atlas viết trên The Hill vào tháng 5.

Trong vài cuộc họp, ông Atlas nhận định những vùng đô thị lớn như New York, Chicago và New Orleans đã đạt được “miễn dịch bầy đàn”. Lập luận này bị bà Deborah Birx và bác sĩ Fauci phản pháo. Theo họ, thậm chí tại những thành phố có đỉnh dịch với tiềm năng đạt mức “miễn dịch bầy đàn”, việc mở cửa quá nhanh vẫn dẫn đến mức truyền nhiễm như bình thường.

Trong một cuộc họp vào tháng 8, ông Trump vẫn hỏi bà Birx liệu New York và New Jersey đã đạt “miễn dịch bầy đàn” chưa. Bà trả lời mình không có đủ dữ liệu để ủng hộ kết luận này, một quan chức Mỹ tiết lộ.

Các chuyên gia bị loại ra rìa

Tổng thống Trump từ đầu mùa hè đã yêu cầu nhân sự Nhà Trắng tìm thêm một bác sĩ mới cho đội ngũ cố vấn. Người này cần có quan điểm khác với Birx và Fauci. Hai chuyên gia y tế thường đưa ra những bình luận ngược với nhận định của Tổng thống Trump rằng dịch bệnh đang suy giảm. Điều này khiến nhà lãnh đạo ngày một khó chịu.

Các trợ lý Nhà Trắng bắt tay vào tìm kiếm một bác sĩ trong nhóm trường Ivy League hoặc các trường đại học danh giá, có khả năng ủng hộ quan điểm của Tổng thống Trump trên truyền hình.

Họ chú ý đến Atlas qua một vài lần xuất hiện trên Fox News. Ông Trump nhận thấy chuyên gia Stanford là một người cùng chí hướng, có thể hỗ trợ thúc đẩy mở cửa trở lại để ông tập trung nhiều hơn vào chiến dịch tái tranh cử.

Trong những cuộc họp báo gần đây về Covid-19, người thường xuất hiện cùng Tổng thống Trump đã là Scott Atlas chứ không còn những bác sĩ đầu ngành khác. Chuyên gia Stanford bổ sung phần nào uy tín y khoa cho những tuyên bố của Tổng thống Trump. Ông còn hỗ trợ khung luận điểm phát biểu cho chính phủ về ứng phó Covid-19 và các đồ họa củng cố lập luận của Tổng thống Trump rằng nguy cơ từ dịch bệnh đang giảm.

Scott Atlas còn hoài nghi “về mặt khoa học” tính thiết thực của khẩu trang, trong khi giới khoa học gần như nhất trí rằng khẩu trang hạn chế lây nhiễm hiệu quả. Ông cố tình chọn lựa một số vài nghiên cứu và phát hiện củng cố cho lập luận về “miễn dịch bầy đàn” và các giả thuyết khác của riêng mình, theo tiết lộ từ hai quan chức chính phủ Mỹ.

Bà Birx đã có vài lần xung đột quan điểm với Scott Atlas. Một cuộc tranh luận giữa hai người vào đầu tháng 8 “nóng” đến mức những nhân vật khác trong chính phủ cảm thấy khó xử, theo tiết lộ của một quan chức chấp cao.

Một trong những bất đồng lớn nhất giữa hai người là mở cửa trường học hay không. Trong khi bà Birx kêu gọi cẩn trọng, ông Atlas muốn trường học mở cửa càng nhanh càng tốt.

“Có đồng nghiệp như ông Scott Atlas thì thật là xui xẻo. Về cơ bản thì ông ấy được tuyển để lấn át ông Anthony Fauci và tiếng nói của lý lẽ. Chúng ta không những đang không ủng hộ khoa học, mà tổng thống của chúng ta còn bác bỏ luôn khoa học. Điều này được mở rộng bằng cách bổ sung thêm một nhân tố bóp méo thông tin không đáng tin”, Eric Topol, chuyên gia bệnh tim mạch tại San Diego, cảnh báo.

Thanh Danh – Zing

Leave a Reply