‘Công chúa Huawei’ không được tự do, có thể bị dẫn độ sang Mỹ

Thẩm phán Canada tuyên bố cáo buộc của Mỹ đối với bà Mạnh Vãn Châu thỏa mãn điều kiện “tội kép” để dẫn độ, trong khi các luật sư của bà nói họ sẽ chiến đấu với lập luận mới.

Giám đốc tài chính tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Châu đã không được trả tự do trong phiên tòa quan trọng hôm 27/5 tại Canada, nơi đang xem xét yêu cầu dẫn độ bà sang Mỹ, và diễn biến này có thể khiến Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ.

Thẩm phán Heather Holmes của Tòa án Tối cao British Columbia tuyên bố các cáo buộc về hành vi gian lận đối với bà Mạnh thỏa mãn điều kiện “double criminality” (tội kép) về dẫn độ. Điều này có nghĩa là Canada cũng xem các hành vi mà bà Mạnh bị tòa án Mỹ cáo buộc cũng là tội theo luật Canada.

“Về vấn đề pháp lý được đặt ra, tôi kết luận rằng, theo luật, yêu cầu về tội kép cho việc dẫn độ được thỏa mãn trong vụ này”, bà Holmes nói trong phán quyết, theo South China Morning Post.

Bộ Tư pháp Canada đã ca ngợi “sự độc lập của quá trình dẫn độ tại Canada” trong một tuyên bố sau phán quyết. Trong khi đó, các luật sư của bà Mạnh cho biết họ sẽ tiếp tục chiến đấu để bà Mạnh được trả tự do với các lập luận mới.

Bà Mạnh, con gái lớn của người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi đã trở thành mục tiêu nổi tiếng nhất trong nỗ lực lớn hơn của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc và công ty công nghệ lớn nhất của nước này, mà Washington coi là mối đe dọa an ninh quốc gia.

Mỹ muốn dẫn độ bà Mạnh đến New York để đối mặt với các cáo buộc về hành vi gian lận tài chính khi nói dối ngân hàng HSBC về quan hệ giữa Huawei với một công ty con bị cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Bà bị bắt tại Vancouver theo yêu cầu của giới chức Mỹ vào ngày 1/12/2018. Sau 10 ngày bị giam giữ, bà được bảo lãnh tại ngoại với số tiền 10 triệu CAD (7,5 triệu USD) và phải đeo thiết bị giám sát ở mắt cá chân.

Vụ bắt giữ đã gây ra căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ, Trung Quốc và Canada. Trung Quốc cáo buộc Canada tiếp tay cho việc mà họ nói là “đàn áp chính trị” đối với người thừa kế tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc, kêu gọi Canada “sửa chữa sai lầm”, lập tức trả tự do cho bà Mạnh.

Trong khi đó, Thủ tướng Justin Trudeau nói “Canada có hệ thống tư pháp độc lập, hoạt động mà không có sự can thiệp hay chi phối của các chính trị gia”, và Bắc Kinh “dường như không hiểu” điều này.

Với phán quyết trên, bà Mạnh sẽ phải tiếp tục hầu tòa dự kiến đến cuối năm nay, dù việc kháng án có thể khiến quá trình này kéo dài nhiều năm.

Đông Phong – Zing

Leave a Reply