Covid-19 phơi bày đói nghèo của nước Nhật

Yuichiro rất vui khi nhận được gói thức ăn tại một trong nhiều khu cứu trợ cho những người bị Covid-19 đẩy vào cảnh đói nghèo ở Tokyo.

“Tôi không tìm được việc làm. Không tìm được bất kỳ việc gì”, Yuichiro, một công nhân xây dựng 46 tuổi thất nghiệp vì Covid-19, nói. Ông giờ sống dựa vào nhu yếu phẩm cứu trợ của một tổ chức từ thiện trên đường phố mùa đông lạnh giá ở thủ đô Nhật Bản.

“Có một thực tế không được truyền thông nhắc tới, đó là rất nhiều người phải ngủ ở ga tàu và trong thùng các-tông. Vài người sắp chết đói”, ông cho hay.

Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, không hứng chịu làn sóng Covid-19 quá dữ dội, với gần 330.000 ca nhiễm và khoảng 4.500 ca tử vong, và phần lớn thời gian không trải qua các đợt phong tỏa quyết liệt như những quốc gia khác.

Với tỷ lệ thất nghiệp dưới 3% và mạng lưới an sinh xã hội vững chắc, Nhật Bản thể hiện khả năng chống chọi tốt với thảm họa kinh tế do đại dịch gây ra. Nhưng các nhà vận động cho hay những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội Nhật vẫn bị ảnh hưởng nặng nề, còn số liệu thống kê không phản ánh chính xác tỷ lệ thất nghiệp cao cũng như những công việc thời vụ thu nhập thấp.

“Đại dịch cùng tình trạng thất nghiệp gia tăng và tiền lương sụt giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động nghèo, những người vốn đã phải giật gấu vá vai từ trước”, Ren Ohnishi, người đứng đầu Trung tâm Hỗ trợ Sinh kế Độc lập Moyai, một nhóm chống đói nghèo, nói.

Khoảng 40% người lao động đang làm những công việc “không thường xuyên” với đồng lương thấp và dễ bị cắt hợp đồng. Nhiều người cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận với phúc lợi xã hội.

Yuichiro cho hay phải đi hết văn phòng này tới văn phòng khác của chính phủ để xin trợ cấp, nhưng cuối cùng lại được thông báo rằng hỗ trợ chỉ dành cho trẻ em.

“Nhưng có rất nhiều người lớn không có gì để ăn”, ông nói.

Hơn 10 triệu người Nhật Bản sống với mức thu nhập dưới 19.000 USD một năm, trong khi cứ 6 người thì một người sống trong tình trạng “tương đối nghèo” với mức thu nhập thấp hơn một nửa so với mức trung bình cả nước.

Các nhà kinh tế cho hay nửa triệu người Nhật Bản đã mất việc làm trong 6 tháng qua, còn các nhà vận động cho rằng làn sóng ảnh hưởng đang lan rộng.

“Tôi biết chắc chắn rằng tầng lớp trung lưu đang sụp đổ”, Kenji Seino, người đứng đầu nhóm cứu trợ phi lợi nhuận Tenohasi nói.

Khoảng 250 người xếp hàng dài tại quận Ikeburo để nhận thức ăn, quần áo, túi ngủ và trợ giúp y tế từ đội tình nguyện của Tenohasi. Nhóm cũng đưa ra tư vấn miễn phí về tìm việc làm và các chương trình hỗ trợ của chính phủ.

“Nhiều người đang phải vật lộn mưu sinh trước khi Covid-19 bùng phát. Họ vốn đã căng như dây đàn và giờ sợi dây đã đứt”, anh nói.

Các chuyên gia cảnh báo vết thương kinh tế có thể góp phần làm tăng tỷ lệ tự tử đang gia tăng từ cuối năm ngoái ở Nhật. Theo Taro Saito, chuyên gia Viện Nghiên cứu NLI, tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản tăng 1% nghĩa là có thêm khoảng 3.000 vụ tự tử mỗi năm.

Đặc biệt là phụ nữ, nhưng người đang đối mặt khó khăn kinh tế do đa số làm việc theo hợp đồng ngắn hạn trong lĩnh vực bán lẻ, nhà hàng và khách sạn, những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Các chuyên gia cho hay phụ nữ thường ngại ngần tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc ngại gia nhập cùng đàn ông đứng xếp hàng chờ thực phẩm cứu trợ. Tuy nhiên, họ nhận thấy số lượng phụ nữ và mẹ mang theo con nhỏ tại các sự kiện hỗ trợ cộng đồng đang ngày càng nhiều.

Seino cho biết chưa tới 20% những người được ông giúp đỡ là phụ nữ, nhưng ông tin rằng “vẫn còn rất nhiều người” chưa xuất hiện.

“Một số phụ nữ cảm thấy con cái không thể ngẩng cao đầu bước đi nếu họ xin trợ cấp”, ông nói.

Trong khi số liệu thống kê cho thấy lượng đơn xin nhà nước trợ cấp ngày càng tăng, Ohnishi cho hay sự xấu hổ và kỳ thị khi phải xin trợ cấp khiến nhiều người miễn cưỡng tìm giúp đỡ.

“Bản thân hệ thống có quy tắc là ưu tiên trợ giúp người có gia đình trước. Vì vậy, gia đình sẽ nhận được thông báo như ‘con trai bà đang nộp đơn xin phúc lợi xã hội'”, Ohnishi nói.

“Đây là hệ thống đặc thù văn hóa Nhật Bản. Mọi người đều có quyền hợp pháp sử dụng nó. Nhưng xã hội lại không nhất thiết chấp nhận điều này”.

Các nhà vận động thừa nhận quy mô nghèo đói ở Nhật Bản thấp hơn nhiều nước khác, nhưng điều này nghĩa là những người đang chật vật tìm cách no bụng và tìm một chỗ ngủ ấm áp có rất ít trợ giúp.

Một người đàn ông nhận hỗ trợ tại Ikebukuro cho hay thu nhập hàng tháng từ việc làm công nhân xây dựng của ông đã giảm xuống chưa đầy 200 USD một tháng và chỉ còn đủ tiền trả một lần thuê nhà nữa.

“Tôi không muốn ngủ ngoài đường, trời quá lạnh”, ông nói. “Tôi không biết mình sẽ phải làm gì bây giờ”.

Hồng Hạnh (Theo AFP) – VnExpress

Leave a Reply