Covid-19: Vì sao Đức có 10.000 ca nhiễm bệnh nhưng chỉ 20 người tử vong?

Theo INews, tính đến nay Đức có hơn 10.000 ca nhiễm Covid-19 nhưng chỉ 20 người tử vong. Vấn đề chìa khóa chính nằm ở cách tiếp cận dịch bệnh của Đức đó là luôn sẵn sàng xét nghiệm cho bệnh nhân một cách nhanh chóng.

Khi nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở Lục địa già đang phải vật lộn đối phó với sự bùng phát của dịch Covid-19, một quốc gia ở giữa lòng châu Âu dường như lại đi ngược lại với xu hướng. Dù ghi nhận hàng nghìn ca mắc bệnh Covid-19, số ca tử vong ở Đức lại thấp một cách lạ thường so với phần còn lại của thế giới.

Theo INews, tính đến ngày 19/3, theo Viện Richard Koch, Đức có 10.999 ca được xác nhận nhiễm Covid-19, tăng 2.801 ca so với 1 ngày trước đó. Tuy nhiên, tính đến nay chỉ có 20 ca tử vong vì Covid-19 ở Đức, khiến quốc gia này có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 chỉ 0,18% – thấp hơn nhiều so với Ý – nơi hiện có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới với mức 8,3%.  

“Xét nghiệm, xét nghiệm, xét nghiệm” – đây chính khuyến nghị hàng đầu của WHO trong việc xử lý dịch Covid-19 và được các chuyên gia mô tả là chìa khóa thành công ở các quốc gia như Hàn Quốc.

Đức cũng như Hàn Quốc đã nhanh chóng thực hiện các sáng kiến ​​để sẵn sàng thực hiện xét nghiệm sớm nguy cơ mắc Covid-19 cho hàng nghìn người mỗi ngày. Chính việc xét nghiệm tích cực đã giúp phát hiện sớm các ca nhiễm và giúp bệnh nhân được tiếp nhận điều trị sớm. 

Christian Drosten, một nhà virus học tại Bệnh viện Charité của Berlin, người cố vấn cho chính phủ Đức chia sẻ với Watson Daily hồi đầu tháng này rằng, xét nghiệm là một trong những lý do quan trọng giúp hạ thấp tỷ lệ tử vong vì Covid-19 của Đức. Việc xét nghiệm dễ dàng và nhanh chóng đã hình thành nền tảng cho cách tiếp cận của Đức trước dịch bệnh. Các xét nghiệm Covid-19 đã được quy định trong các luật định chăm sóc sức khỏe của Đức kể từ tháng 1, sớm hơn nhiều so với hầu hết các nước ở châu Âu.

Mặc dù Đức không xét nghiệm với tốc độ cực nhanh như Hàn Quốc, nhưng mọi người Đức đều có thể được kiểm tra nếu họ có các triệu chứng nhẹ hoặc đã tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Trong khi đó, ở Anh, Mỹ hoặc Pháp, nhiều người vẫn phải vật lộn tìm cách để được xét nghiệm do chưa đáp ứng các điều kiện để được xét nghiệm. 

Ngoài ra, theo báo cáo từ Viện Richard Koch, phần lớn các trường hợp nhiễm Covid-19 ở Đức có độ tuổi trung bình thấp hơn ở Ý, khiến nguy cơ tử vong ở người bệnh cũng thấp hơn.

Tại Đức, 6.557 ca nhiễm Covid-19 trong số 8.198 ca nhiễm được ghi nhận tại thời điểm Viện Richard Koch tiến hành đánh giá – là từ 15 đến 59 tuổi. Tuổi trung bình của bệnh nhân là 47.

Trong khi đó, ở Ý, nơi có dân số già thứ 2 trên thế giới, độ tuổi trung bình của bệnh nhân nhiễm Covid-19 được xác nhận là 63. Độ tuổi trung bình của các trường hợp tử vong vì Covid-19 ở Ý là 79,5 và 99% đã mắc các bệnh nền trước đó. 

Minh Nhật – Dân Việt

Leave a Reply