Cuộc tấn công của 130.000 con khỉ

ẤN ĐỘ – Bầy khỉ hoang đang đe dọa thành phố lịch sử Shimla, nơi chúng thường xuyên tấn công khách du lịch và các trang trại.

Trong suốt đợt phong tỏa toàn quốc vì Covid-19, phần lớn lũ khỉ rời bỏ những thành phố về miền nông thôn để kiếm ăn. Sau khi các lệnh hạn chế được nới lỏng, chúng trở lại tấn công người dân, cướp giật đồ trong tạp hóa, và có tới 50 đàn khỉ đói tụ tập khắp những ngọn đồi dưới chân dãy Himalaya.

Shimla, thành phố với khoảng 160.000 cư dân, vốn được mệnh danh là thiên đường du lịch cho những ai muốn trốn mùa hè nóng nực của Ấn Độ. Và lượng thức ăn thừa khổng lồ mà khách du lịch vứt đi trở thành thỏi nam châm với những con khỉ đói.

Nand Lal, 46 tuổi, chỉ ra những vết thương khi đụng độ với lũ khỉ vào đầu tháng 10, nói: “Tôi đang đi qua một đám khỉ thì con đầu đàn đột nhiên tấn công, ba con khác nhảy bổ vào. May mắn tôi vớ được một cây gậy để xua đuổi chúng. Mặt mũi, đầu tôi chi chít vết bầm tím. Lưng thì chảy máu vì một vết cắn”.

Lal phải tiêm rất nhiều mũi phòng dại sau đó. Vài ngày sau, ông vẫn nghe thấy tiếng ri rít của những con khỉ cắn mình hôm trước và hơn một chục con khác theo dõi ông.

“Mọi người sợ hãi, và chẳng biết phải làm gì”, Kuldeep Chand Sood, một thẩm phán về hưu, bày tỏ khi chỉ vào một vết cắn trên chân mình. Ông bị một con khỉ to lớn tấn công khi đang ngồi đọc sách ngoài ban công nhà mình ở quận Sanjauli.

Vô số nhà của cư dân Sanjauli giờ lắp thêm chuồng cọp ngoài ban công và hàn song sắt cho cửa sổ để ngăn chặn những kẻ đột nhập hoang dã – lũ khỉ thậm chí còn lấy trộm đồ ăn từ tủ lạnh.

Rajesh Sharma, nhân viên chính phủ về động vật hoang dã, nhận định những thùng rác chất đống đồ ăn sẽ thu hút các con vật. Do đó, cải thiện công tác thu gom rác sẽ khiến lũ khỉ khó kiếm ăn hơn.

“Nhưng thói quen của chúng không đổi. Giờ chúng lại cố giật bất kỳ túi gì trong tay của con người. Nếu không thấy thức ăn, chúng sẽ cắn người”, Sharma lý giải.

Ngay cả những khách du lịch tại đền Jakhoo, nơi có tượng thần khỉ Hanuman lớn nhất Ấn Độ, cũng bị giật kính hay những thứ lấp lánh. Khi không nhắm vào con người, khoảng hơn 130.000 con khỉ tại bang Sanjauli lại lấy trộm hoặc phá hủy hàng triệu USD trái cây, hoa màu từ các trang trại.

Trong khi các tín đồ Hindu giáo coi khỉ là loài vật linh thiêng, chính quyền Ấn Độ phải tuyên bố chúng có thể bị giết chết nếu đe dọa tài sản của con người. Dù các chiến dịch tiêu diệt chính thức vẫn chưa được phát động, nông dân địa phương đã đầu độc trái phép hàng trăm con khỉ.

Tại Shimla và những thành phố khác của bang Sanjauli, chính quyền phải triệt sản trên diện rộng để ngăn chặn khỉ hoang sinh sôi. Khoảng 157.000 con khỉ đã bị triệt sản trên khắp bang Himachal Pradesh trong những năm gần đây – giải pháp được một chuyên gia đánh giá là “duy nhất” để kiểm soát tình hình.

“Nếu giết khỉ như cách một số người đầu độc chúng, chúng ta có thể đe dọa tới chính con người và những loài động vật hoang dã khác”, Pooja Kanwar, một chuyên gia tại trung tâm triệt sản khỉ Shimla, cho hay.

Nhưng những người chuyên bắt khỉ cho biết loài vật này ngày càng khôn ngoan, không dễ bị bẫy ăn chuối hay bánh mì họ để trong cũi. “Nếu một con khỉ bị bắt, nó sẽ cảnh báo đồng loại”, Sharma cho hay.

An An (Theo AFP) – VnExpress

Leave a Reply