Đại sứ quán tiếp tục đóng cửa – rào cản người nhập cư vào Mỹ

Trong khi đại dịch khiến các quốc gia đóng cửa biên giới, những người muốn nhập cảnh vào Mỹ đối mặt với rào cản mới: không được cấp visa vì đại sứ quán, lãnh sự quán đóng cửa.

Khi Natasha Bhat vội vã tới Ấn Độ khi bố chồng cô qua đời vào cuối tháng 2, cô nghĩ ​​rằng việc trở về nhà ở Fremont, California, Mỹ, vài tuần sau là vấn đề đơn giản: cô chỉ nộp đơn để lãnh sự Mỹ tại Kolkata đóng dấu vào visa H-1B của cô.

Cô Bhat, người làm trong lĩnh vực nhân sự tại một công ty khởi nghiệp, chỉ mang túi đồ nhỏ đi cùng chồng và đứa con trai 4 tuổi đến Ấn Độ.

Chồng cô Bhat, một người được cấp visa H- 1B, được đóng dấu visa vào ngày 13/3 để trở về Mỹ. Tuy nhiên, cuộc hẹn của cô Bhat ngày 14/3 đã bị hủy bỏ khi lãnh sự quán đóng cửa do đại dịch Covid-19. Gia đình cô Bhat xa nhau kể từ đó.

Từ cuối tháng 1, để đối phó với đại dịch, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hạn chế đi lại và cấm người nước ngoài từ một số quốc gia như Trung Quốc, Brazil và nhiều nước ở Châu Âu nhập cảnh.

Người thân của công dân Mỹ đang tìm cơ hội nhập cư cũng rơi vào cảnh tương tự. Tuần này, Tổng thống Trump đã cấm hàng trăm nghìn người đang chờ cấp thị thực lao động nhập cư đến cuối năm nay, theo Wall Street Journal.

Trên thực tế, gần như mọi người nước ngoài muốn đến Mỹ đều đối mặt với một rào cản đơn giản nhưng không thể vượt qua: hầu hết đại sứ quán và lãnh sự quán Mỹ đã đóng cửa.

Dù rất khó ước tính con số chính xác, hàng trăm nghìn người trên toàn thế giới có thể bị mắc kẹt từ tháng 3 vì họ không thể đóng dấu thị thực hoặc tham dự các cuộc phỏng vấn cần thiết để được cấp thị thực Mỹ, theo số visa trung bình Bộ Ngoại giao Mỹ cấp hàng tháng vào năm ngoái.

Không ai được cấp visa

“Ngay cả trước khi lệnh nhập cấm cảnh mới nhất này được ban hành, không ai có thể vào Mỹ. Không ai được cấp visa”, bà Anastasia Tonello, một luật sư di trú và là cựu chủ tịch của Hiệp hội Luật sư Di trú Mỹ, nói.

“Do các biện pháp phòng ngừa và nguồn lực bị hạn chế liên quan đến đại dịch Covid- 19, việc xử lý visa thường xuyên tại Đại sứ quán và Lãnh sự quán Mỹ trên toàn thế giới vẫn bị ngưng lại, mặc dù Bộ Ngoại giao đang liên tục đánh giá các điều kiện cần thiết để tiếp tục việc này”, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao cho biết.

Việc Mỹ tạm dừng xử lý thị thực từ giữa tháng 3 cũng khiến các cặp đôi không thể đoàn tụ, người lao động ở cách xa nơi làm việc hoặc gia đình và sinh viên quốc tế đang ngày càng lo lắng khi học kỳ mùa thu đến gần.

“Tôi sợ hãi vì tôi đã trải qua quá trình này được một năm rồi và bây giờ tôi cảm thấy như mình đã trải qua một năm vô ích”, ông Mohamed Galal, giáo viên tiếng Anh ở Cairo, Ai Cập, nói. Vào tháng 5, ông Galah đã được nhận vào chương trình thạc sĩ về việc dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai tại Đại học Maryland, hạt Baltimore.

Lớp học sẽ bắt đầu vào tháng 8, nhưng ông Galal – người cần visa du học để tham dự chương trình này – không thể lên lịch phỏng vấn với đại sứ quán Mỹ cho đến ít nhất là giữa tháng 9.

Sinh viên thường không được phép vào Mỹ nếu họ đến sau khi học kỳ bắt đầu, Carissa Cutrell, phát ngôn viên của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ, cơ quan quản lý chương trình thị thực du học, cho biết.

Một người rơi vào tình huống như ông Galal có thể phải lùi ngày bắt đầu học một học kỳ hoặc một năm để duy trì trạng thái sinh viên hoặc yêu cầu đại học cấp giấy tờ với ngày nhập học được sửa đổi.

Những người ủng hộ nhập cư như bà Tonello nói rằng Bộ Ngoại giao Mỹ, nơi điều hành các đại sứ quán và lãnh sự quán, làm chưa đủ trong việc giải quyết các vấn đề thị thực khẩn cấp, đặc biệt đối với các sinh viên phải đối mặt với khủng hoảng thời gian.

Họ cho rằng đại sứ quán và lãnh sự quán có thể bỏ một số cuộc phỏng vấn hoặc thực hiện chúng qua cuộc gọi video.

Nhưng bà Michelle Thoren Bond, người điều hành bộ phận lãnh sự của Bộ Ngoại giao dưới thời cựu tổng thống Obama, nói rằng bà không tin các lãnh sự quán có thể làm nhiều thứ hơn vậy.

Phỏng vấn trực tiếp rất quan trọng vì đảm bảo an ninh, bà nói. Để phỏng vấn trực tiếp, lãnh sự quán sẽ cần phải để nhân viên an ninh và nhân viên dọn dẹp trở lại làm việc cùng với các nhân viên lãnh sự.

Nhiều đại sứ quán và lãnh sự quán chỉ cung cấp dịch vụ cho công dân Mỹ vì chỉ có một số lượng nhất định nhân viên có thể đi làm.

Chia cắt các gia đình

Cô Mariia Yastremska đã nộp đơn xin thị thực diện hôn thê vào tháng 10 để gặp hôn phu của mình, George Otte, một doanh nhân, ở Miami. Họ gặp nhau vào năm 2017 tại một quán bar nhạc jazz Latin ở Kyiv, Ukraine, nơi cô Yastremska sống.

Cô được hẹn phỏng vấn vào tháng 4, bước cuối cùng trong quy trình cấp thị thực. Nhưng khi đại sứ quán Mỹ ở Kyiv đóng cửa vào tháng 3, họ phải hoãn kế hoạch đám cưới.

Anh Otte vẫn được phép đến thăm Ukraine, nhưng vì cô Yastremska đã nộp đơn xin chuyển đến Mỹ, các quan chức nhập cư có thể sẽ từ chối nếu cô cố gắng đến Mỹ như khách du lịch.

Ông Jonathan Midel, người Mỹ, và bà Emma Berg, công dân Anh, phải ở trong tình trạng bất định tương tự.

Họ gặp nhau ở Mỹ, kết hôn khi họ đang sống ở Pháp và đã cố gắng sống ở New York trong hơn một năm.

Bà Berg nộp đơn xin thẻ xanh tại đại sứ quán Paris và họ tin rằng quá trình có thể mất vài tháng, nhưng đại dịch đã làm mọi thứ tạm dừng.

Giờ, họ thay phiên sống ở nhà mẹ bà Berg ở Manchester, Anh và căn hộ của ông Midel ở Manhattan, Mỹ, nơi bà Berg được phép đến thăm trong ba tháng.

Tình hình đặc biệt khó khăn đối với hàng nghìn người có thị thực Mỹ, công ăn việc làm ở Mỹ nhưng đang ở nước ngoài.

Chỉ riêng ở Ấn Độ, con số này là hơn một nghìn người. Gần như tất cả họ quay lại Ấn Độ để dự một đám cưới hoặc một đám tang. Họ đã tham gia một nhóm trên Facebook để thảo luận cách để gây chú ý đến hoàn cảnh của họ.

Cô Bhat, người chuyển đến Mỹ lần đầu vào năm 2012, có một bé trai quốc tịch Mỹ và một ngôi nhà với một khoản vay khổng lồ. Mỗi tối ở Pune, Ấn Độ, cô thức dậy để làm việc vì nơi này lệch 12 tiếng rưỡi so với California. Nếu bị sa thải, cô có thể mất visa được cấp cho công việc này.

Áp lực cũng ảnh hưởng đến con trai cô Bhat. Cậu bé phải rút khỏi trường giáo dục bằng phương pháp Montessori vì không thể tỉnh táo để học trực tuyến qua ứng dụng Zoom giữa đêm khuya. Mỗi ngày, cậu bé lại hỏi khi nào có thể gặp cha mình, người đang ở California.

“Nó đang phải trải qua tình cảnh này vì tôi”, cô Bhat nói. “Visa của tôi là thách thức mà nó phải đối mặt”.

Như Trần – Zing

Leave a Reply