Đánh đổi Anh chấp nhận khi ‘cấm cửa’ Huawei

Anh có thể thiệt hại nhiều tỷ đô để thay thế các thiết bị Huawei, đồng thời tiến trình triển khai mạng 5G cũng bị đình trệ.

Chính phủ Anh công bố lệnh cấm với tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei ngày 14/7, chấm dứt mối quan hệ hợp tác kéo dài hai thập kỷ. Theo đó, các nhà khai thác mạng BT và Vodafone sẽ có thêm thời gian tới năm 2027 để loại bỏ những thiết bị Huawei đã lắp đặt ra khỏi hệ thống. Các hãng viễn thông khác cũng không được mua bất kỳ thiết bị 5G nào từ công ty Trung Quốc.

Thủ tướng Johnson ban đầu phản đối lệnh cấm Huawei, cho phép công ty Trung Quốc triển khai mạng tốc độ cao mới ở Anh hồi tháng một. Tuy nhiên, những lệnh trừng phạt của Mỹ hồi tháng 5 đã ngăn Huawei dùng con chip cùng các linh kiện điện tử quan trọng khác sử dụng công nghệ Mỹ, khiến London thay đổi chính sách. Không có chúng, Huawei không thể xây dựng các trạm 5G cùng hệ thống thiết bị liên quan.

Quyết định này là một thắng lợi lớn đối với Mỹ khi mà chính quyền Tổng thống Donald Trump gần đây liên tục thúc giục các đồng minh loại thiết bị Huawei khỏi mạng lưới 5G với lý do rằng tập đoàn công nghệ Trung Quốc là một mối đe dọa về an ninh. Tuy nhiên, nó cũng có nguy cơ nhận về phản ứng gay gắt từ Trung Quốc trong bối cảnh Anh đang tìm kiếm những cơ hội thương mại mới trên toàn thế giới hậu Brexit, đồng thời trì hoãn tiến trình triển khai mạng 5G trên toàn đất nước.

Giới chuyên gia nhận định động thái mới nhất của Anh thực sự là đòn giáng mạnh đối với tập đoàn. Huawei đã hoạt động tại Anh 20 năm và họ luôn coi châu Âu là một thị trường chủ chốt, đóng góp 24% doanh số của công ty trong năm ngoái.

Huawei hôm 13/7 công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm sớm hơn bình thường, báo cáo mức tăng trưởng doanh thu chậm hơn. Công ty đã nếm bước sụt giảm mạnh doanh số điện thoại thông minh sau khi Washington ngăn chúng tiếp cận kho ứng dụng phổ biến của Google. Kết quả là điện thoại di động Huawei trở nên kém hấp dẫn hơn ở những thị trường bên ngoài Trung Quốc.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đang đối mặt áp lực ngày càng tăng từ các nghị sĩ trong đảng của ông và từ cả chính quyền Trump, những người tin rằng chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng Huawei cho mục đích gián điệp hay thậm chí phá hoại.

Huawei khẳng định họ không bao giờ giúp chính phủ Trung Quốc thực hiện các hành vi gián điệp và rằng công ty “100% thuộc quyền sở hữu của các nhân viên”. Washington từng cảnh báo hợp tác quân sự và chia sẻ thông tin tình báo Anh – Mỹ có thể bị đe dọa nếu London tiếp tục những kế hoạch với Huawei.

Trước thời điểm Anh công bố cấm cửa Huawei, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhắc lại lời cảnh báo rằng quyết định này sẽ tạo ra hậu quả đối với mối quan hệ lớn hơn giữa hai nước.

Huawei đã tích cực vận động hành lang nhằm thuyết phục chính phủ Anh rằng họ là đối tác đáng tin cậy. Tháng trước, công ty phát động một chiến dịch quảng cáo nhấn mạnh vào lịch sử đầu tư cũng như khả năng tạo ra việc làm của Huawei ở Anh. Huawei hồi đầu tháng thông báo đã được chấp thuận xây dựng một viện nghiên cứu trị giá 1,25 tỷ USD ở Cambridge.

Huawei đã là một phần không thể thiếu trong cơ sở hạ tầng 4G của Anh và các nhà khai thác viễn thông sẽ không phải thay thế thiết bị trong hệ thống mạng này. Các đối thủ châu Âu của Huawei cho biết họ đã sẵn sàng lấp đầy chỗ trống mà tập đoàn công nghệ Trung Quốc bỏ lại.

Nokia tuyên bố họ “đủ khả năng và chuyên môn để thay thế tất cả thiết bị Huawei trong mạng viễn thông của Anh ở mọi quy mô và tốc độ”. Arun Bansal, chủ tịch Ericsson khu vực châu Âu và Mỹ Latinh, khẳng định họ “có đủ công nghệ, kinh nghiệm và chuỗi cung ứng” nhằm giúp Anh đạt được các mục tiêu 5G.

Dù vậy, Anh vẫn phải trả cái giá đắt vì cấm cửa Huawei. Chính phủ Anh cho hay việc thay thế thiết bị và công nghệ của Huawei sẽ khiến tiến trình triển khai mạng 5G bị trì hoãn từ hai đến ba năm, tổng chi phí lên tới 3,1 tỷ USD.

Điều này đồng nghĩa người tiêu dùng và doanh nghiệp Anh sẽ phải chờ lâu hơn và có thể phải trả nhiều tiền hơn cho những dịch vụ mà mạng 5G hỗ trợ, như xe tự lái hay các ứng dụng sản xuất và chăm sóc sức khỏe hiện đại khác.

“Hiển nhiên, chúng tôi thất vọng bởi như chính phủ đã nói, quyết định mới nhất sẽ trì hoãn việc triển khai mạng 5G ở Anh và làm phát sinh nhiều chi phí cho ngành công nghiệp”, một phát ngôn viên của Vodafone nhấn mạnh.

Giám đốc điều hành BT Philip Jansen cho biết công ty ông có thể đáp ứng các yêu cầu thay đổi mà không ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ triển khai mạng 5G. Chi phí thực hiện không vượt quá mức 627 triệu USD mà BT ước tính hồi tháng một để tuân thủ quy định chính phủ Anh đưa ra lúc bấy giờ nhằm hạn chế vai trò của Huawei.

Vũ Hoàng (Theo CNN) – VnExpress

Leave a Reply