Cảnh sát quốc hội Mỹ mặc thường phục cầm súng ngắn dán băng phản quan sọc trắng đỏ răn đe người biểu tình quá khích, ngày 6/1. Ảnh: AP.
Cảnh sát mặc thường phục tại quốc hội Mỹ dán băng phản quang lên súng để phân biệt “bạn-thù” trong tình huống bạo loạn đông người.
Khi người ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump tràn vào tòa nhà quốc hội tại Đồi Capitol trưa 6/1, nhóm cảnh sát quốc hội mặc thường phục phải dàn hàng sau cửa phòng họp và rút súng ngắn Glock để răn đe những kẻ quá khích. Những khẩu súng này gây chú ý vì có một dải băng phản quang sọc trắng đỏ ngay đầu nòng.
Tomer Israeli, cựu giám đốc an ninh của Cơ quan Mật vụ Israel (Shin Bet), nhận định việc cảnh sát quốc hội Mỹ dán băng phản quang trên súng ngắn “không phải điều bất thường”. “Dải băng này dùng để phân biệt bạn – thù trong tình huống đông người tụ tập, giúp các sĩ quan đưa ra quyết định đúng đắn về việc tấn công mục tiêu hay không trong tích tắc”, Israeli nói.
Các lực lượng an ninh cũng có những dấu hiệu đặc biệt trên súng để nhanh chóng nhận diện đồng đội và tránh bắn nhầm trong các tình hống hỗn loạn, đặc biệt khi có một hoặc nhiều tay súng sử dụng vũ khí giống của họ.
Không rõ súng ngắn của các sĩ quan cảnh sát quốc hội Mỹ sử dụng ngày 6/1 là loại nào. Cảnh sát quốc hội Mỹ từ năm 2019 được trang bị súng ngắn Glock 22, sử dụng đạn .40 Smith & Wesson. Một sĩ quan từng để quên khẩu Glock 22 của mình tại nhà vệ sinh ở Đồi Capitol, hành động bất cẩn kiểu này được cho diễn ra vài lần trong những năm gần đây.
“Cũng có khả năng băng phản quang là phương pháp nhằm nhanh chóng xác định những khẩu súng thất lạc là của lực lượng cảnh sát quốc hội, không phải vũ khí dùng cho một vụ phạm tội tiềm tàng”, biên tập viên Joseph Trevithick và Tyler Rogoway của Drive nhận định.
Ảnh hiện trường tại phòng họp của Quốc hội Mỹ cho thấy ít nhất hai khẩu Glock được dán băng phản quang sọc trắng đỏ, song một số khẩu súng khác thì không. Chưa rõ trong số nhân viên an ninh canh gác cửa phòng họp này có thành viên lực lượng mật vụ hay không. Mật vụ Mỹ, những người chịu trách nhiệm bảo vệ Phó tổng thống Mike Pence, có thể tham gia chặn cửa ngăn người biểu tình tràn vào trong phòng họp.
Các sĩ quan và đặc vụ thuộc Sở cảnh sát thủ đô Washington, Cục Điều tra Liên bang (FBI), Cục Rượu, Thuốc lá, Vũ khí và Chất nổ, Cảnh sát Tư pháp Mỹ và Cảnh sát Công viên Mỹ sau đó được triển khai tới nhà quốc hội để chi viện cho lực lượng bên trong. Vệ binh Quốc gia Đặc khu Columbia và Virginia cũng được điều động để ứng phó biểu tình, một số bang cũng nhanh chóng cử vệ binh quốc gia tới thủ đô.
Số lượng lớn nhân viên an ninh có vũ trang thuộc nhiều lực lượng khác nhau tại Đồi Capitol có thể tăng khả năng bắn nhầm vào đồng đội. Một số người biểu tình ngày 6/1 cũng mặc quần áo ngụy trang và đeo trang bị kiểu quân đội. Tuy nhiên, không có sự cố bắn nhầm nào xảy ra.
Lực lượng cảnh sát quốc hội Mỹ chỉ nổ một phát súng duy nhất nhắm vào Ashli Babbitt, nữ cựu binh không quân Mỹ, người tìm cách phá cửa đột nhập vào khu vực an ninh nghiêm ngặt hơn của tòa nhà. Babbitt trúng đạn và tử vong trên đường đi cấp cứu.
“Mọi chuyện rõ ràng có thể diễn biến theo chiều hướng bạo lực nghiêm trọng hơn. Nếu mọi thứ vượt quá tầm kiểm soát, giá trị của dải băng phản quang nhận dạng trên khẩu Glock của các sĩ quan mặc thường phục có thể trở nên rõ ràng hơn nhiều”, biên tập viên Trevithick và Rogoway nhận định.
Nguyễn Tiến (Theo Drive) – VnExpress