Dưới thời ông Trump, nợ liên bang tăng 7.800 tỷ USD và đạt mức cao kỷ lục lên tới gần 28.000 tỷ USD. Đây là mức cao nhất kể từ Thế chiến II và cao hơn cả GDP của Mỹ.
Theo The Washington Post, nợ công của nước Mỹ tăng 7.800 tỷ USD kể từ khi ông Trump trở thành tổng thống. Tính đến ngày 31/12/2020, nợ công đã đạt mức 27.750 tỷ USD, tương đương với 130% GDP năm 2020 của Mỹ.
Sự bùng nổ kỷ lục nợ công được dự báo là di sản lâu dài nhất của chính quyền Trump, khi điều này sẽ tạo gánh nặng lên nền kinh tế cũng như người dân Mỹ.
Nợ công tăng kỷ lục từ trước đại dịch Covid-19
Theo tính toán của Eugene Steuerle, người đồng sáng lập Trung tâm Chính sách Thuế Urban-Brookings, mức thâm hụt ngân sách hàng năm so với quy mô nền kinh tế dưới thời Trump đạt 5,2% GDP, tức chỉ sau thời Tổng thống George W. Bush và Tổng thống Abraham Lincoln.
Tuy nhiên, dưới thời ông Bush, chính quyền Mỹ không chỉ giảm thuế mà còn phát động hai cuộc chiến ở nước ngoài và khiến cho thâm hụt ngân sách quốc phòng tăng nhanh. Tổng thống Lincoln lại phải đối mặt với cuộc nội chiến, từ đó làm tăng thâm hụt ngân sách.
Một vấn đề mà các nhà kinh tế không phủ nhận là phải tăng chi tiêu ngân sách khi quốc gia đối mặt với đại dịch Covid-19 nhằm ngăn chặn thảm họa kinh tế xảy ra. Song, hệ thống tài chính liên bang dưới thời Tổng thống Trump đã xấu đi trước đại dịch, ngay cả khi nền kinh tế đang bùng nổ và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong lịch sử.
The Washington Post bình luận rằng việc cắt giảm thuế năm 2017 của ông Trump và việc thiếu các biện pháp hạn chế chi tiêu hiệu quả đã khiến cho mức thâm hụt và nợ công gia tăng.
Với việc không quản lý tốt đại dịch Covid-19, ông Trump càng đẩy nước Mỹ vào một cuộc khủng hoảng kinh tế, đồng nghĩa với việc nước Mỹ những không thể trả nợ mà còn phải vay nhiều hơn.
Nhằm đối phó với đại dịch, nước Mỹ đã phải chi hơn 3.000 tỷ USD cho các gói kích thích kinh tế. Điều đó khiến cho nền kinh tế số một thế giới rơi vào thế ngày càng khó hơn và khó có thể trụ vững nếu xảy ra thêm khủng hoảng tài chính.
Đến cuối năm 2020, nợ công Mỹ đã đạt 27.750 tỷ USD, tăng gần 20.000 tỷ USD so với khi ông Trump nhậm chức. Tính cả món nợ hàng nghìn tỷ USD từ các quỹ ủy thác của chính phủ, tổng số nợ của nước Mỹ tương đương với 130% GDP của năm 2020.
Thậm chí, sau khi Quốc hội Mỹ thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 900 tỷ USD mà phần lớn được trả bằng nợ, ông Trump đã yêu cầu quốc hội chi tiêu và vay nhiều hơn.
Những lời hứa không thành hiện thực
Ông Trump từng tuyên bố sẽ giảm nợ công của nước Mỹ nếu trở thành tổng thống. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2016, ông nói mình có thể trả món nợ công 19 nghìn tỷ khi đó trong 8 năm thông qua tái đàm phán các thỏa thuận thương mại và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Sau khi nhậm chức, ông Trump dự đoán tăng trưởng kinh tế từ cắt giảm thuế cùng số tiền thuế quan áp lên hàng hóa từ nhiều nước sẽ giúp loại bỏ thâm hụt ngân sách và giúp nước Mỹ bắt đầu trả nợ.
Vào ngày 27/7/2018, ông Trump xuất hiện trên đài Fox News và tuyên bố “Chúng ta có món nợ 21.000 tỷ USD. Khi việc cắt giảm thuế bắt đầu, chúng ta sẽ dễ dàng trả món nợ đó”.
Chín ngày sau, ông viết trên Twitter cá nhân: “Chúng ta sẽ có thể bắt đầu trả phần lớn món nợ 21.000 tỷ USD, phần lớn do chính quyền Obama tạo ra”.
Sự thật không diễn ra như lời hứa của ông Trump. Khi ông nhậm chức vào tháng 1/2017, Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) dự đoán thâm hụt ngân sách liên bang dưới thời ông Trump sẽ rơi vào khoảng 2-3% GDP. Con số thực tế của năm 2018 lên đến 3,8%, còn năm 2019 là 4,6%.
Một lý do cho việc này là chính sách cắt giảm thuế của ông Trump, đặc biệt là việc giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 21%, đã lấy đi một phần lớn thu ngân sách liên bang. Năm 2018, CBO ước tính việc giảm thuế sẽ làm tăng thậm hụt khoảng 1.900 tỷ USD trong vòng 11 năm.
Chúng ta có món nợ 21 nghìn tỷ USD. Khi việc cắt giảm thuế bắt đầu, chúng ta sẽ dễ dàng trả món nợ đó.
Trong khi đó, việc tăng thuế nhập khẩu hàng hóa để giảm nợ công vẫn chưa thành công. Vào năm 2018, chính quyền Trump đã bắt đầu đánh thuế nhôm, thép và nhiều loại hàng hóa khác, châm ngòi cho cuộc thương chiến toàn cầu giữa Mỹ với Trung Quốc, Liên minh châu Âu và các nước khác.
Việc tăng thuế tạo ra thêm ngân sách liên bang, song chỉ ở mức không đáng kể. Trong năm tài khóa 2019, nước Mỹ đã thu được 71 tỷ USD tiền thuế, tăng 36 tỷ USD so với năm cuối cùng của chính quyền Obama.
Con số 36 tỷ USD chỉ tương đương 1/750 tổng nợ công, và chỉ có thể trả lãi nợ công trong hơn ba tuần. Song, ông Trump đã đơn phương quyết định dùng một phần lớn doanh thu thuế để trả cho các nông dân bị ảnh hưởng bởi thương chiến.
Ở phía ngược lại, các doanh nghiệp Mỹ trả ít thuế hơn do bị ảnh hưởng từ cuộc thương chiến, qua đó lật ngược hiệu quả tài chính của chính sách tăng thuế.
Áp lực cho tương lai
Khi so sánh với quy mô nền kinh tế, nợ công của Mỹ đã gần đạt đến mức kỷ lục thời Thế chiến II. Tuy nhiên, không như 75 năm trước, khoản tiền khổng lồ chi cho việc chăm sóc y tế và an sinh xã hội khiến việc trả nợ khó khăn hơn rất nhiều.
Số liệu từ Cục quản lý Hành chính và Ngân sách Mỹ (OMB) cho thấy chi phí chăm sóc y tế của Mỹ đã đạt hơn 1.200 tỷ USD, và chi phí cho an sinh xã hội là hơn 1.100 tỷ. Chi phí chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội và lãi suất, theo tính toán của ông Steuerle, sẽ bằng 122% tổng mức tăng doanh thu liên bang giai đoạn 2019-2030.
Chi phí cho an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe quá lớn sẽ làm giảm đầu tư cho nghiên cứu, phát triển, cơ sở hạ tầng và giáo dục đã giảm xuống. Theo dữ liệu của OMB, chi phí cho đầu tư đã giảm từ 30% vào năm 1970 xuống còn 12,5% vào năm 2019.
Một yếu tố khác khiến nợ liên bang ngày càng tăng và khó có thể trả hết là việc lãi vay ngày càng tăng khi các món nợ ngày càng lớn. Nợ lớn đồng nghĩa với lãi suất lớn, ngay cả trong giai đoạn mà Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã giảm lãi suất xuống mức cực thấp.
Chi phí lãi vay của nước Mỹ hiện ở quanh mức 523 tỷ USD trong năm tài khóa 2020, tức vượt qua cả chi tiêu giáo dục, đào tạo việc làm, nghiên cứu và dịch vụ xã hội cộng lại.
Quỹ Peter G. Peterson, một tổ chức chuyên nghiên cứu chính sách tài khóa, cho rằng chi phí lãi ròng hàng năm sẽ gấp đôi trong 10 năm tới, và đến năm 2030, lãi vay sẽ trở thành yếu tố chính khiến nền kinh tế thâm hụt.
“Mặc dù khoản nợ hiện vẫn có thể được kiểm soát và nước Mỹ không đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài khóa ngay lập tức, mối đe dọa về một cuộc khủng hoảng ngân sách ngày càng gia tăng”, giám đốc CBO Phillip Swagel cảnh báo.
Quốc Tuệ – Zing