Đội quân ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc hứng chỉ trích ngay trong nước

Các học giả và cố vấn chính sách ngoại giao hàng đầu ở Trung Quốc gần đây nhận định rằng việc đội quân ngoại giao “chiến lang” tích cực bảo vệ hình ảnh Trung Quốc ở nước ngoài chỉ gây phản tác dụng.

Theo SCMP, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh hay các đại sứ Trung Quốc ở nước ngoài gần đây đều không ngần ngại phát ngôn quyết liệt trước làn sóng kêu gọi điều tra nguồn gốc dịch Covid-19.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan toàn cầu, Trung Quốc chuyển sang sang chính sách ngoại giao quyết liệt mang tên “chiến lang” – đặt theo tên loạt phim hành động nổi tiếng Trung Quốc.

Một bài xã luận trên tờ Thời báo Hoàn Cầu gần đây viết rằng người dân “không còn hài lòng với giọng điệu ngoại giao mềm mỏng”, trong khi phương Tây “cảm thấy bị thách thức trước chiến lược ngoại giao ‘chiến lang’ của Trung Quốc”.

Các chuyên gia hàng đầu ở Trung Quốc cho rằng những hành động quyết liệt có phần thái quá của các nhà ngoại giao chỉ càng khiến thế giới trở nên xa rời Trung Quốc.

“Mục tiêu là khẳng định mô hình chính trị Trung Quốc ưu việt, lan truyền hình ảnh Trung Quốc là quốc gia đi đầu trong cuộc chiến chống dịch toàn cầu”, Shi Yinhong, giáo sư về quan hện quốc tế tại Đại học Renmin ở Trung Quốc, nói.

“Vấn đề là các nỗ lực này không giải quyết được những vấn đề phức tạp xuất hiện trong đại dịch. Các nhà ngoại giao đã quá nôn nóng, nói quá nhiều, tông giọng quá cao, tạo nên khoảng cách giữa thực tế và kì vọng”, ông Shi nhận định.

Ông Shi là chuyên gia có tầm ảnh hưởng ở Trung Quốc, là cố vấn trong bộ máy chính phủ Trung Quốc kể từ năm 2011. Ông Shi cho rằng Trung Quốc “nên thay đổi càng sớm càng tốt, kiểm soát lời nói của các nhà ngoại giao”.

“Các quan chức ngoại giao và các kênh truyền thông không chính thức đang làm quá lên khi nhắc đến Mỹ, điều này không hề có lợi”, ông Shi nhận định, nói rằng Bắc Kinh nên yêu cầu các quan chức và truyền thông hạ giọng xuống mức ôn hòa hơn.

Ông Shi cũng nhắc đến việc chấm dứt đồn đoán về nguồn gốc Covid-19 vì điều này chỉ càng thổi bùng tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc.

Nhà ngoại giao “chiến lang” nổi bật nhất hiện nay là Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên trẻ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ông Triệu là người nêu thuyết âm mưu quân đội Mỹ mang virus Corona đến Vũ Hán.

Các đại sứ Trung Quốc ở nước ngoài sau đó lần lượt theo bước ông Triệu. Tại Paris, đại sứ envoy Lu Shaye bị Bộ Ngoại giao Pháp triệu tập để phản đối về bình luận “Pháp để mặc cho người già ở viện dưỡng lão chết vì Covid-19”.

Hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã đăng bài viết gây tranh cãi, cho rằng “Mỹ nợ Trung Quốc một lời xin lỗi và lời cảm ơn”, vì nỗ lực chống dịch của Trung Quốc.

Zhu Feng, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh, nói các nhà ngoại giao “chiến lang” đang làm tổn hại quan hệ Mỹ-Trung và kêu gọi Trung Quốc thay đổi chính sách ngoại giao theo hướng kiềm chế hơn.

Chuyên gia Yan Xuetong, cố vấn Ủy ban an ninh quốc gia Trung Quốc, cho rằng, việc các nhà ngoại giao công khai chỉ trích cách chống dịch của phương Tây, từ đó coi Trung Quốc mới là nước chống dịch thành công, là điều rất nguy hiểm.

“Những tuyên bố như vậy chỉ càng thổi bùng lên xung đột địa chính trị”, ông Yan nói.

Ông Yan nổi tiếng là người có lập trường đối ngoại cứng cắn, nhưng cũng “không thể chấp nhận được các nhà ngoại giao ‘chiến lang’”. Ông Yan cho rằng các nhà ngoại giao cần phải xem các phát ngôn có hợp lý hay không và cảnh báo tránh để tình chủ nghĩa dân tộc lấn át trong việc xây dựng chính sách.

Theo Đăng Nguyễn – SCMP (Dân Việt)

Leave a Reply