EU ‘ngậm bồ hòn’ trước vaccine Covid-19 Nga, Trung

Hôm 4/2, Tổng thống Pháp Macron thừa nhận nỗ lực phát triển vaccine Covid-19 của Trung Quốc là “thành công ngoại giao rõ ràng” khiến họ “bẽ mặt một chút”.

Phát biểu của Tổng thống Emmanuel Macron đưa ra giữa bối cảnh chương trình tiêm chủng của Liên minh châu Âu (EU) đứng trước nguy cơ thất bại. Trong khi Israel đã tiêm phòng Covid-19 cho hơn một nửa dân số, Mỹ và Anh lần lượt đạt 9,4% và 14%, con số này ở EU mới là 2,8%.

Những người làm việc trong ngành dược phẩm nhận định việc đặt hàng chậm và mặc cả giá vaccine là nguyên nhân khiến EU gặp trở ngại. Giới chức châu Âu cho hay tình trạng phân phối vaccine bất công của hãng dược phẩm đa quốc gia AstraZeneca cũng là yếu tố khiến họ bị “tụt hậu”.

Ngoài ra, việc giao vaccine Pfizer-BioNTech được phát triển tại Đức tạm thời bị gián đoạn, còn những vaccine Covid-19 tiềm năng khác mà EU đã đặt hàng vẫn trong quá trình thử nghiệm.

Trong khi đó, hai nước đang dẫn đầu về tiêm chủng tại châu Âu lại nằm ngoài EU. Đó là Anh, quốc gia vừa rời Liên minh, hiện sử dụng vaccine của AstraZeneca và Pfizer, cùng Serbia, đất nước đang triển khai vaccine Sputnik V của Nga và vaccine Covid-19 do Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) phát triển.

Tại Serbia, hơn 7% người dân đã được tiêm liều vaccine đầu tiên, trong khi con số này ở Đức chỉ có 2,4%, mức tương đương các nước khác thuộc EU, theo số liệu của Bloomberg.

“Serbia đang tiêm chủng nhanh hơn”, Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 2/2, đề cập đến việc nước này dùng vaccine của Trung Quốc. “Chúng tôi luôn nói rằng bất cứ bên nào được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép đều rất đáng hoan nghênh”.

EMA cho biết họ đang cung cấp lời khuyên khoa học đối với quá trình đăng ký cấp phép Sputnik V và CoronaVac, vaccine Covid-19 do công ty Sinovac của Trung Quốc sản xuất, mặc dù cả hai hãng phát triển đều chưa nộp yêu cầu phê duyệt tại EU.

Các nhà phát triển Sputnik V cũng bắt đầu tìm đối tác sản xuất tại Đức, đồng thời bày tỏ hy vọng vaccine sẽ được EU “bật đèn xanh” vào tháng 3. Uy tín của Sputnik V còn được củng cố hồi tuần trước, khi tạp chí y khoa nổi tiếng Lancet công bố kết quả phân tích cho thấy vaccine Nga đạt hiệu quả tới 91,6% trên các ca nhiễm nCoV có triệu chứng.

Viễn cảnh Sputnik V được triển khai tại EU xuất hiện giữa lúc Berlin chịu áp lực phải cứng rắn hơn với Moskva, sau vụ nhà hoạt động đối lập Nga Alexei Navalny “nghi bị đầu độc”. Theo David Fidler, chuyên gia cấp cao về y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, tình huống hỗn loạn hiện nay khiến EU trở thành “gã hề”. “Tôi chắc chắn người Nga và Trung Quốc đang ăn mừng”, Fidler cho hay.

Nga dường như không che giấu nỗ lực sử dụng ngoại giao vaccine để gia tăng tầm ảnh hưởng quốc tế, thể hiện ngay qua cách đặt tên Sputnik V, tương tự tên vệ tinh Sputnik 1 được Liên Xô phóng lên vũ trụ vào năm 1957. “Việc Nga chọn chiến lược nhắm vào tính gắn bó của EU và tìm những khớp nối yếu nhất để gây ảnh hưởng rõ ràng đã thành công”, Peter Kreko, giám đốc nhóm cố vấn độc lập Political Capital tại Hungary, đánh giá.

Mặc dù tuyên bố không sử dụng vaccine làm đòn bẩy ngoại giao, trong những phát ngôn công khai, giới chức Trung Quốc vẫn đề cập đến vaccine Covid-19 như một cách để hợp tác và tiếp cận rộng rãi hơn. Theo giới quan sát, bất cứ đối tác vaccine nào của Bắc Kinh ở châu Âu cũng có khả năng khiến Washington lo ngại, trong bối cảnh hai nước vẫn ở thế đối đầu.

Sau khi Trung Quốc nhanh chóng phản hồi lời kêu gọi giúp đỡ về vaccine Covid-19 của Tổng tống Serbia Aleksandar Vucic, các nước châu Âu cũng ra tay hỗ trợ. Tuy nhiên, dường như đã quá muộn để thay đổi nhận thức của người Serbia rằng Trung Quốc đã “dang rộng vòng tay” giữa lúc EU quay lưng.

Giờ đây, các quốc gia nhỏ hơn có thể ngày càng coi hướng đi của Serbia là con đường thoát khỏi đại dịch duy nhất. Trên thực tế, EU cũng chưa hoàn thành cam kết cung cấp vaccine cho chương trình Covax của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), với mục tiêu phân phối vaccine cho những nước không đủ khả năng chi trả, bởi bản thân họ còn đang lao đao.

“Bây giờ, EU phải nghiêm túc xem xét các vaccine của Nga và Trung Quốc. Đó là hậu quả từ mức độ tồi tệ của đại dịch, nhưng cũng do những sai lầm trong chính sách”, chuyên gia Fidler nêu ý kiến.

Trong bài phát biểu trước Hội đồng Đại Tây Dương hôm 4/2, Macron cho biết về lâu dài, ông tin rằng chương trình Covax có thể “hiệu quả hơn” so với những nỗ lực khác trong việc hỗ trợ các nước đang phát triển. “Nếu tất cả đều tập trung nguồn tài chính và cam kết, chúng ta có thể cung cấp vaccine cho những nước đó, vượt xa số lượng mà Trung Quốc sẽ giao trong những tuần và tháng tới”, Tổng thống Pháp nói.

Tuy nhiên, lợi thế đang thuộc về Nga và Trung Quốc. Joanna Hosa, phó giám đốc chương trình châu Âu mở rộng tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, chỉ ra rằng mục tiêu chủ chốt của EU là đảm bảo người dân được tiêm chủng.

“Tôi nghĩ trong hoàn cảnh này, EU sẽ cố gắng nhắm mắt trước những mặt trái của việc để Nga phân phối vaccine”, Hosa nhận định.

Ánh Ngọc (Theo Washington Post) – VnExpress

Leave a Reply