Hai nước Nga khác nhau trong chính sách đối ngoại Mỹ

Trong khi ông Trump tỏ thái độ thân thiện với ông Putin, chính quyền Mỹ lại đưa ra những biện pháp trừng phạt cứng rắn với Nga. Sự không nhất quán này đã khiến Quốc hội Mỹ bối rối.

“Khi nói đến nước Nga, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump có vẻ như không thể quyết định được mình cần phải làm gì”, bài viết của AP mở đầu.

Ba năm qua, chính phủ Mỹ phải liên tục thay đổi giữa việc Tổng thống Trump muốn xây dựng tình bạn với Tổng thống Nga Vladimir Putin và mối quan ngại sâu sắc về những ý định của ông Putin. Trong khi ông Trump thể hiện thái độ thân thiện công khai với ông Putin, chính quyền của ông lại áp đặt các biện pháp trừng phạt gay gắt với Nga.

Hai đường lối đối ngoại mâu thuẫn nhau của ông Trump và những phụ tá an ninh quốc gia của ông đã gây bối rối cho Quốc hội, các đồng minh và cả kẻ thù của Mỹ, AP nhận xét.

Chính sách trái chiều

Chính quyền của Tổng thống Trump đã hành động chống lại Nga gay gắt nhất so với những đời tổng thống gần đây.

Hàng chục nhà ngoại giao Nga đã bị trục xuất. Các cơ quan ngoại giao đóng cửa. Mỹ rút khỏi các hiệp ước kiểm soát vũ khí với Nga. Mỹ cũng bán vũ khí cho Ukraine bất chấp các cáo buộc luận tội. Chính quyền Mỹ đang cố gắng ngăn Nga xây dựng một đường ống dẫn khí mà các nhà lập pháp từ cả hai đảng tin rằng nó sẽ làm tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn năng lượng của Nga.

Đồng thời, ông Trump cũng làm tăng thêm sự hoang mang bằng cách kêu gọi rút quân hoặc tái bố trí quân đội Mỹ ở Đức. Tổng thống Trump cũng giận dữ chế giễu các đồng minh NATO vì không đáp ứng các cam kết chi tiêu quốc phòng của liên minh.

Và giờ đây, ông Trump dường như lờ đi các tin tình báo cho thấy rằng Nga đang trả tiền hoặc muốn trả tiền cho các phần tử Taliban để tiêu diệt lực lượng Mỹ ở Afghanistan. Vụ việc nhanh chóng trở thành tâm điểm của chiến dịch tranh cử tổng thống 2020.

Nhà Trắng nói rằng tin tình báo này chưa được xác nhận hoặc thông báo cho Tổng thống Trump. Tuy nhiên, những người chỉ trích ông Trump vẫn hoài nghi và khăng khăng cho rằng tổng thống đáng lẽ phải biết chuyện này, theo AP.

Trên hết, ngay cả sau khi tin tình báo về việc Nga treo thưởng Taliban được công bố, ông Trump vẫn bày tỏ mong muốn mời ông Putin trở lại nhóm các quốc gia G-7 mặc cho sự phản đối của các thành viên khác.

Bên trong bộ máy của ông Trump, những người phụ trách ninh quốc gia dường như bị giằng xé giữa việc theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn với Nga và làm hài lòng tổng thống.

Những người trong chính quyền Mỹ thể hiện sự lo ngại về cách tiếp cận của tổng thống với Nga – trong đó có một cố vấn an ninh quốc gia, bộ trưởng Quốc phòng, bộ trưởng Ngoại giao, các quan chức cấp thấp đã lên tiếng trong quá trình luận tội – hầu như đã bị sa thải.

“Bóng ma” bầu cử 2016

Những nghi ngờ về mối quan hệ giữa ông Trump và Nga có từ chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016. Ông Trump kêu gọi Moscow xâm nhập vào email các đối thủ, ông tuyên bố thẳng thừng Nga và Mỹ nên là bạn và một loạt các liên hệ giữa cố vấn của ông và người Nga. Tất cả đã dẫn đến cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller.

Cuộc điều tra cuối cùng không tìm đủ chứng cứ để cáo buộc bất kỳ ai phụ trách chiến dịch bầu cử của tổng thống tham gia vào âm mưu bất chính với Nga.

Ông Mueller, cùng với cộng đồng tình báo Mỹ, phát hiện ra rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử để gieo rắc sự hỗn loạn và cũng giúp cho chiến dịch của ông Trump. Tuy nhiên, tổng thống đã nghi ngờ những phát hiện đó. Khi cùng xuất hiện trên sân khấu với Tổng thống Putin ở Helsinki năm 2018, Tổng thống Trump thậm chí đã tỏ ra hoài nghi các cơ quan tình báo Mỹ.

Ngay cả trước khi ông Trump làm tổng thống, đã có rất nhiều câu hỏi về mối quan hệ với Nga. Giờ đây, khi ông Trump gần kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên, những câu hỏi này xuất hiện trở lại theo cách dữ dội hơn mong đợi.

Cáo buộc Nga định trả tiền cho Taliban khiến cả những thành viên đảng Cộng hòa ủng hộ ông Trump cảm thấy báo động. Những người này coi Nga là kẻ thù can thiệp với mục đích bất chính ở Afghanistan, Trung Đông, Ukraine và Georgia. Theo họ, Nga là một cựu siêu cường suy yếu đang cố gắng lấy lại ảnh hưởng từ thời Liên Xô. Họ cho rằng Nga tung tin giả và can thiệp vào các cuộc bầu cử nhằm lật đổ nền dân chủ ở châu Âu và Mỹ.

Việc ông Trump cố gắng làm bạn với Tổng thống Putin còn khiến các đồng minh lâu đời của Mỹ ở châu Âu như Anh, Pháp và Đức bất an. Các quốc gia này đã bày tỏ lo ngại về cam kết của Mỹ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một liên minh được lập ra để chống lại sự đe dọa của Liên Xô và củng cố nền dân chủ ở khu vực.

Tuy nhiên, ông Trump vẫn bảo vệ quan điểm của mình về Nga. Ông coi Nga là một người bạn tiềm năng bị hiểu lầm. Tổng thống Trump cũng xem Nga một đồng minh có giá trị trong Thế chiến II, một quốc gia từng được dẫn dắt bởi một nhà lãnh đạo tầm quan trọng của lòng yêu nước, gia đình và tôn giáo.

Cách tiếp cận của Tổng thống Trump với Nga cũng là tâm điểm quá trình luận tội ông. Các quan chức Mỹ ra làm chứng đã nói rằng Tổng thống Trump yêu cầu Ukraine ủng hộ về mặt chính trị để đổi lấy sự hỗ trợ quân sự cần thiết, chống lại mối đe dọa từ Nga.

Thế nhưng, quá trình luận tội lại trở thành một cuộc chiến giữa hai đảng. Đảng Dân chủ nắm Hạ viện bỏ phiếu luận tội Tổng thống Trump còn đảng Cộng hòa nắm Thượng viện bỏ phiếu phản đối.

Các quan chức Nhà Trắng và những người ủng hộ ông Trump đã phớt lờ sự mâu thuẫn trong chính sách đối ngoại với Nga. Tuy nhiên, AP nhận định họ không thể ngăn được làn sóng chỉ trích và đòi hỏi lời giải thích ngày càng lớn dần từ phe đối lập.

Như Trần – Zing

Leave a Reply