Hai tàu sân bay Mỹ tới thách thức cuộc tập trận ở Biển Đông của TQ

Hải quân Mỹ xác nhận cử hai tàu sân bay USS Ronald Regan và USS Nimitz cùng 4 tàu chiến tham gia tập trận ở Biển Đông, cùng thời điểm Trung Quốc tập trận gần Hoàng Sa.

Từ ngày 4/7, tàu sân bay USS Ronald Regan và USS Nimitz tiến hành một trong những cuộc tập trận lớn nhất của Hải quân Mỹ trong những năm gần đây, trùng với thời gian Trung Quốc cũng tổ chức tập trận tại Biển Đông, theo Wall Street Journal.

“Mục đích là nhằm phát đi tín hiệu rõ ràng tới các đối tác và đồng minh, rằng chúng tôi cam kết đối với an ninh và ổn định khu vực”, Chuẩn đô đốc George M. Wikoff, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan, tuyên bố.

Cuộc tập trận lớn bậc nhất của Mỹ ở Biển Đông

Cuộc tập trận tiến hành với sự tham gia của USS Ronald Regan và USS Nimitz cùng 4 tàu chiến khác sẽ bao gồm các chuyến bay với cường độ cao nhằm đánh giá khả năng tác chiến của các máy bay trên 2 tàu sân bay này.

“Chúng tôi sẽ triển khai hoạt động ở cường độ cao hơn, mô phỏng năng lực tác chiến ở mức độ cao hơn chúng tôi thường thực hiện trong các cuộc tập trận khác. Các chuyến bay sẽ diễn ra liên tục, hàng trăm chuyến mỗi ngày”, ông Wikoff cho biết.

Chuẩn đô đốc Wikoff không tiết lộ khu vực cụ thể nơi hai tàu sân bay của Mỹ tiến hành tập trận. Ông Wikoff nói cuộc tập trận không nhằm đáp trả trực tiếp cuộc tập trận của Trung Quốc, tuy nhiên việc Bắc Kinh ngày càng hung hăng tại Biển Đông là lý do cho sự hiện diện của Hải quân Mỹ tại khu vực.

Máy bay chiến đấu F-16 của Đài Loan bay sát máy bay ném bom H-6 (trên_ của Trung Quốc trong không phận của Đài Loan hồi tháng 2. Ảnh: AFP.

Khi được hỏi về lo ngại khi tổ chức cuộc tập trận tại khu vực trùng với thời gian cuộc tập trận của Trung Quốc, Chuẩn đô đốc Wikoff cho biết “mong đợi tất cả quốc gia hành xử và phản ứng chuyên nghiệp trên biển”.

Trung Quốc đang tiến hành cuộc tập trận 5 ngày, bắt đầu từ ngày 1/7 gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 2/7 đã chỉ trích cuộc tập trận của Trung Quốc là “đi ngược lại với những nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng và duy trì sự ổn định” tại khu vực.

Bình luận về cuộc tập trận của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói trong họp báo thường kỳ hôm 2/7: “Việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại tinh thần tuyên bố DOC, làm phức tạp tình hình, không có lợi cho quy trình đàm phán COC hiện nay giữa ASEAN và Trung Quốc, và việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông”.

Tâm điểm đối đầu Mỹ – Trung

Trong vài năm qua, Biển Đông trở thành tâm điểm mở rộng sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc ra xa đường biên giới truyền thống.

Trung Quốc đã tôn tạo ở quy mô lớn các điểm đóng quân trên Biển Đông mà nước này chiếm giữ trái phép, đồng thời triển khai tới đây nhiều triển khai tên lửa và nhiều khí tài quân sự tới các điểm này, với mục đích quấy rối hoạt động của Mỹ và các nước khác tại khu vực.

Động thái quân sự mới nhất của Trung Quốc tại Biển Đông diễn ra hôm 1/7 khi Bắc Kinh tiến hành cuộc tập trận tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết cuộc tập trận kéo dài tới ngày 5/7.

Vài tháng gần đây, Trung Quốc gia tăng sức ép quân sự lên các quốc gia và khu vực tại châu Á. Bắc Kinh tăng cường các chuyến bay gần Đài Loan, sử dụng tàu chiến quấy rối hoạt động thăm dò của Malaysia tại phía nam Biển Đông, xâm nhập vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, cũng như xung đột mới đây nhất tại biên giới tranh chấp với Ấn Độ.

Giới chức Mỹ cho rằng Trung Quốc đang tận dụng lợi thế, khi Mỹ vật lộn đối phó với đại dịch, để đẩy mạnh hoạt động của nước này ở Biển Đông, một trong các tuyến thương mại toàn cầu bận rộn nhất thế giới.

Trong những năm gần đây, Mỹ gia tăng các hoạt động nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. Thông thường, hoạt động này được tiến hành dưới hình thức tàu chiến Mỹ tuần tra áp sát các điểm nơi Trung Quốc đóng quân trái phép, cũng như các vùng biển khác ở Biển Đông.

Tháng 5 vừa qua, Hải quân Mỹ cử 3 tàu chiến tới Biển Đông để hỗ trợ hoạt động thăm dò dầu khí của tàu thăm dò West Capella thuộc sở hữu của Malaysia, sau khi tàu Malaysia bị quấy rối bởi nhiều tàu hải cảnh và tàu chiến của Trung Quốc.

Các đồng minh và đối tác cũng tham gia một số cuộc tập trận hải quân của Mỹ tại Biển Đông trong thời gian qua.

Cụ thể, Australia đã cử tàu chiến tham gia cuộc tập trận bắn đạn thật hồi tháng 4, trong khi Hải quân Nhật Bản tham gia cuộc tập trận tuần tra trong tháng 6.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN 76) và tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Milius trong một cuộc tập trận với lực lượng phòng vệ Nhật. Ảnh: US Navy.

Oriana Skylar Mastro, chuyên gia nghiên cứu về tranh chấp hàng hải tại Viện nghiên cứu American Enterprise, đánh giá việc Washington đẩy mạnh phối hợp hoạt động quân sự với các đồng minh và đối tác ở Biển Đông là bước đi thể hiện cam kết chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.

Tàu chiến và máy bay Trung Quốc đã nhiều lần ngăn cản hoạt động của Hải quân Mỹ trên Biển Đông, bằng cách áp sát ở khoảng cách nguy hiểm, hoặc bật chế độ tấn công của radar điều khiển vũ khí hướng vào tàu chiến Mỹ, cũng như đe dọa sử dụng vũ lực qua sóng radio, các quan chức hải quân Mỹ cáo buộc.

Mỹ và Trung Quốc ký một thỏa thuận nằm 2014 nhằm giảm nguy cơ va chạm giữa hải quân hai nước thông qua tăng cường thông tin liên lạc. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định quan hệ ngoại giao xấu đi giữa hai nước làm gia tăng nguy cơ đối đầu trực diện trên biển.

Bà Mastro nhận định giới lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ bị khiêu khích dẫn tới sử dụng biện pháp quân sự, gia tăng nguy cơ đối đầu, “đặc biệt nếu tình hình chính trị Hong Kong xấu đi, viễn cảnh tái thống nhất Đài Loan bằng phương pháp hòa bình trở nên không khả thi, hoặc bị chỉ trích trong nội bộ về cách xử lý đại dịch Covid-19”.

Duy Anh – Zing

Leave a Reply