Hàn Quốc bước vào thời đại mới của nghĩa vụ quân sự

Từ ngày 30/6, Hàn Quốc sẽ tiếp nhận và thẩm định hồ sơ của những người muốn phục vụ công ích thay vì thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc.

Cụ thể, những công dân Hàn Quốc từ chối nhập ngũ với lý do tôn giáo, tín ngưỡng riêng sẽ được Cơ quan Quản lý Nhập ngũ và Thực hiện Nghĩa vụ Quân sự (MMA) thẩm định hồ sơ, theo Korea Times.

Thay vì thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc, những người này có thể phục vụ công ích tại các trại giam trong vòng 36 tháng. Việc thiết lập hình thức nghĩa quân sự thay thế được coi là bước ngoặt lớn của chế độ quốc phòng của Hàn Quốc.

Nghĩa vụ quân sự bắt buộc

Trước mối đe doạ quân sự thường trực từ phía Triều Tiên, chính phủ Hàn Quốc luôn chú trọng và ưu tiên việc củng cố an ninh quốc phòng.

Để luôn sẵn sàng cho các tình huống bất ngờ, Hàn Quốc yêu cầu mọi nam thanh niên trên 18 tuổi, là công dân của nước này, đều phải nhập ngũ trong vòng 24 tháng.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, các quân nhân sẽ được đưa vào danh sách dự bị song vẫn phải tập huấn định kỳ trong vòng 6 năm.

Tại một số quốc gia khác trên thế giới, người dân có thể được miễn, giảm nghĩa vụ quân sự nếu có lý do chính đáng. Ở Hàn Quốc, những trường hợp được miễn, giảm nghĩa vụ quân sự chủ yếu là người có vấn đề sức khoẻ như người tàn tật, người mắc bệnh tâm thần, bệnh truyền nhiễm,…

Trong suốt nhiều thập kỷ sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), nam thanh niên Hàn Quốc chỉ có hai lựa chọn: hoàn thành nghĩa vụ quân sự hoặc bị bỏ tù. Một phán quyết của Toà án Hiến pháp hồi tháng 6/2018 đã làm nên thay đổi lớn trong chế độ khắt khe này.

Cụ thể, toà cho rằng việc bắt buộc người có tín ngưỡng, tôn giáo riêng phải tham gia nghĩa vụ quân sự là vi hiến. Dựa vào phán quyết này, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua dự luật cho phép một vài cá nhân thực hiện 36 tháng lao động công ích thay cho nghĩa vụ quân sự.

Quy trình thẩm định hồ sơ

Tuần trước, Cơ quan Quản lý Nhập ngũ và Thực hiện Nghĩa vụ Quân sự (MMA) đã thành lập Uỷ ban Thẩm định hồ sơ, bao gồm chuyên gia, học giả của nhiều lĩnh vực như các giáo sư, nhà hoạt động nhân quyền, …

Từ ngày 30/6, MMA cũng bắt đầu tiếp nhận hồ sơ của những người muốn thực hiện nghĩa vụ quân sự thay thế. Cơ quan này cho biết những cá nhân có nguyện vọng cần nộp hồ sơ trước khi nhập ngũ ít nhất 5 ngày.

Để cho phép người nộp đơn thực hiện nghĩa vụ quân sự thay thế, Uỷ ban Thẩm định sẽ xem xét kỹ tôn giáo và tín ngưỡng của họ. Cũng theo MMA, các cá nhân không đồng ý với kết quả thẩm định có thể “khởi kiện hành chính”.

“29 thành viên đang xem xét để đưa ra bộ tiêu chí đánh giá vào giữa tháng 7”, Tổng thư ký Yu Kyun Hye của Uỷ ban Thẩm định cho biết. “Chúng tôi sẽ xác thực tôn giáo và tín ngưỡng riêng của người nộp hồ sợ dựa trên cách sống của họ”.

Trong một buổi lễ chỉ định thành viên cho Uỷ ban Thẩm định hôm 23/6 tại Seoul, Bộ trưởng Quốc phòng Jeong Kyeong Doo tuyên bố MMA đang mở ra lựa chọn cho những cá nhân không muốn thực hiện nghĩa vụ quân sự với lý do tôn giáo, tín ngưỡng riêng.

Ý kiến trái chiều

Một số thành viên trong Uỷ ban Thẩm định cho rằng chế độ nghĩa vụ quân sự thay thế cần được sửa đổi và điều chỉnh cho phù hợp.

“Phục vụ công ích trong vòng 36 tháng giống như một sự trừng phạt thay thế”, Lim Tae Hoon, thành viên trong Uỷ ban Thẩm định kiêm người đứng đầu Trung tâm Nhân quyền Quân sự Hàn Quốc, cho biết.

Theo ông Lim, thời hạn 36 tháng là quá dài so với khuyến nghị của Liên Hợp Quốc, trong đó đề xuất thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự thay thế chỉ nên bằng 1,5 lần thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc.

“Dù vậy, dự luật mới là bước khởi đầu rất có ý nghĩa. Hàn Quốc đang gia nhập hàng ngũ các quốc gia có chính sách tiên tiến, đề cao quyền con người. Tôi tin rằng khoảng thời gian 36 tháng sẽ giảm dần”, ông Lim chia sẻ.

Dự kiến tiêu chuẩn thẩm định sẽ được xây dựng vào khoảng giữa tháng 7 dựa trên các quy định pháp luật hiện hành có liên quan và dựa trên án lệ của Toà án Hiến pháp và Toà án tối cao. MMA cũng sẽ tham khảo các tiền lệ tại Đức và Mỹ.

Danh sách nhóm người đầu tiên thực hiện nghĩa vụ quân sự thay thế sẽ được đưa ra vào tháng 10. Thay vì tham gia huấn luyện trong môi trường quân đội, các cá nhân này sẽ phụ trách bếp ăn, đảm bảo vệ sinh và bảo trì trang thiết bị trong các trại giam trong vòng 36 tháng.

“Vì chương trình nghĩa vụ quân sự thay thế luôn được dư luận quan tâm nên chúng tôi sẽ đảm bảo tính độc lập trong quyết định của Uỷ ban Thẩm định, đảm bảo hệ thống sàng lọc nghiêm ngặt và công bằng”, ông Mo Jong Hwa, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Nhập ngũ và Thực hiện Nghĩa vụ Quân sự (MMA), cho biết.

Uyên Uyên – Zing

Leave a Reply