Hàng chục trẻ nhiễm HIV từ kim tiêm tái sử dụng

Rác thải sinh hoạt vứt lẫn với rác thải y tế tại quảng trường trung tâm ở Ratodero, nơi trẻ em hay chơi đùa. Ảnh: NY Times

PAKISTAN – Hàng chục trẻ em nhiễm HIV bí ẩn, chính quyền điều tra phát hiện manh mối từ những kim tiêm dây truyền tái sử dụng trái phép.

Một ngày tháng 2/2019, Nazeer Shah bế con gái một tuổi Eman vào phòng khám. Tình trạng của cô bé khiến bác sĩ Imran Arbani hoảng hốt. Em hôn mê, toàn thân mềm nhũn gục đầu vào vai cha. Eman thở gấp và nông, khó đánh thức trừ khi tỉnh dậy vì những đợt ho dữ dội. Nước dãi chảy từ miệng cô bé, lưỡi em được bao phủ bởi một lớp tưa trắng – triệu chứng điển hình của người suy giảm miễn dịch. Eman chỉ nặng 5 kg.

Shah cho biết Eman vốn được sinh ra khỏe mạnh, vẫn bình thường vào 3 tháng trước. Sau đó, em bị tiêu chảy hàng ngày, sụt cân nhanh và thường xuyên lên cơn sốt. Mỗi ngày, tình trạng của em một tồi tệ. Shah đưa bác sĩ Arbani một túi nhựa chứa đầy siro và hơn 10 loại thuốc khác nhau, là những gì Eman đã uống trong vài tháng, song vô tác dụng.

Sau khi xét nghiệm và làm các thủ tục liên quan mà không có kết quả, bác sĩ Arbani cho rằng cô bé có thể nhiễm HIV.

“Bác sĩ, anh đang nói đùa đấy à, sao con bé có thể nhiễm HIV chứ, làm sao có thể?”, Shah thốt lên.

Ông chở con đến một phòng thí nghiệm địa phương để xét nghiệm HIV, đợi nửa giờ và nhận kết quả “Dương tính yếu”.

“Khi ấy tôi vẫn tự tin. Nghĩ rằng nhỡ đâu con tôi âm tính”, ông kể lại. Ông đưa kết quả cho bác sĩ Arbani và gửi mẫu thử khác đến phòng thí nghiệm ở Bệnh viện Đại học Aga Khan, một trong những trung tâm y tế lâm sàng hàng đầu đất nước. Vài ngày sau, ông cùng bác sĩ Arbani xem kết quả trên mạng. Thấy hai chữ “dương tính”, ông bật khóc.

Sau khi nói chuyện với một người bạn về tình hình của con gái, Shah nhận được câu trả lời gây sốc. “Con tôi cũng nhiễm HIV”, bạn của ông nói.

Hóa ra, Eman không phải đứa trẻ đầu tiên ở Ratodero, nơi có 300.000 người sinh sống, nhiễm HIV. Con trai của bạn Shah cũng được chẩn đoán dương tính. Trong cả hai trường hợp, cha mẹ chúng đều âm tính HIV.

Năm 2020, khoảng 2,8 triệu người dưới 20 tuổi trên thế giới sống chung với HIV, một nửa trong đó dưới 10 tuổi. Phần lớn lây nhiễm từ mẹ mình. Điều bất thường của hai ca mắc ở Ratodero là cha mẹ đều không nhiễm bệnh. Cả hai cũng chưa từng truyền máu hay phải lọc thận định kỳ – vốn là những nguyên nhân chính gây phơi nhiễm HIV.

Sau chẩn đoán của Eman, bác sĩ Arbani bắt đầu xét nghiệm HIV cho các bệnh nhân nhiều hơn. Chỉ trong vài tháng, anh đã xác định được 14 bệnh nhi nhiễm virus. Tất cả đều dưới 10 tuổi.

Anh chuyển bệnh nhân đến trung tâm điều trị HIV ở Larkana và Karachi, cho rằng giới chức sẽ tiến hành cuộc điều tra. Song nhiều tuần trôi qua, cơ quan y tế công cộng không có bất cứ động thái nào. Cuối cùng, vào tháng 4, anh nhận được một cuộc gọi liên quan đến vụ việc, nhưng không phải từ chính phủ. Một phóng viên tại thành phố Karachi, có tên Yousif Jokhio, cho biết cô được báo cáo về trường hợp bệnh nhi chết vì HIV ở Ratodero ngày hôm đó.

“Tôi đã sốc, làm thế nào một đứa trẻ 2 tháng tuổi dương tính HIV trong khi cha mẹ nó âm tính?”, Jokhio nói.

Arbani cảm thấy nhẹ nhõm khi cuối cùng cũng có người quan tâm đến điều kỳ lạ này. Hai ngày sau, tờ báo của Jokhio tiết lộ toàn bộ câu chuyện về trẻ em dương tính HIV ở Ratodero. Một giờ tiếp theo, đài truyền hình khác làm điều tương tự. Phóng viên Gulbahar Shaikh của đài cho biết anh đã bắt đầu điều tra sau khi thấy bài đăng Facebook của ông Nazeer Shah, cha bé Eman. Tin tức nhanh chóng lan khắp khu vực, ra cả nước.

Sự chú ý cực đoan của truyền thông tạo áp lực dữ dội, buộc quan chức y tế phải hành động. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố vụ việc ở Ratodero là tình trạng khẩn cấp. Khi báo giới kéo đến, chính phủ cũng điều động bác sĩ và các nhà dịch tễ học vào khu vực này.

Họ phát hiện nhiều trẻ nhiễm HIV đã đến khám một bác sĩ tên Muzaffar Ghanghro. Anh bị buộc xét nghiệm HIV và nhận kết quả dương tính, có khả năng nhiễm virus từ hai lần truyền máu trong một vụ tai nạn xe hơi. Giới chức kết luận người này “bằng cách nào đó đã cố tình lây bệnh cho trẻ em”. Ghanghro bị bắt giữ, được coi là nguyên nhân duy nhất gây nên đợt bùng phát.

Lúc này, bác sĩ Arbani tiếp tục tìm kiếm các trường hợp nhiễm HIV để chuyển đến cơ sở điều trị mới. Anh tin rằng một số trẻ trước đó đã nhận kết quả âm tính giả. Kinh nghiệm lâm sàng mách bảo anh: chúng có quá nhiều triệu chứng liên quan đến HIV như sụt cân, ho dai dẳng và tiêu chảy. Anh cũng cho rằng các phòng xét nghiệm công không chính xác bằng cơ sở tư nhân. Anh gửi người bệnh của mình đến trung tâm xét nghiệm Đại học Aga Khan, như cách từng làm với Eman hồi tháng 2.

Một lần nữa, phỏng đoán của anh đã đúng. Hàng chục trường hợp có kết quả sai lệch. Trẻ bị nhiễm HIV trong khi nhận chẩn đoán âm tính, cha mẹ chúng không hề hay biết điều này. Với một số người, việc trì hoãn điều trị ảnh hưởng nhiều đến tiên lượng.

Bộ Y tế Pakistan, với sự hỗ trợ từ Đại học Aga Khan, các cơ quan Liên hợp quốc, WHO, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), đến Ratodero để điều tra ổ dịch kỹ lưỡng hơn. Họ nhận ra rằng bác sĩ Muzaffar Ghanghro không phải nguyên nhân duy nhất khiến nhiều trẻ nhiễm virus.

Chuyên gia phát hiện vô số hoạt động y tế kém an toàn trong khu vực. Theo cuộc khảo sát với hàng trăm phụ huynh, hầu hết các trẻ dương tính đã được tiêm một loại thuốc trong năm trước. Hơn nữa, những em nhiễm HIV có số lần tiêm gần gấp ba so với trẻ không mắc bệnh. Kim tiêm và kim truyền tĩnh mạch được tái sử dụng trái phép.

Theo nghiên cứu quốc tế, Pakistan có số lượt tiêm chủng không an toàn cao nhất thế giới. Sự thật nghiệt ngã này là một phần không thể tránh khỏi của hệ thống y tế yếu kém. Song nguyên nhân rất phức tạp, liên quan lẫn nhau, bị chi phối bởi yếu tố kinh tế, xã hội, tín ngưỡng lâu đời và sự thiếu đầu tư, giám sát của chính phủ.

Các tiêu chuẩn về ngăn ngừa và thực hiện biện pháp an toàn phòng dịch không được thực hiện đầy đủ trong giáo dục y khoa bậc đại học. Theo một cuộc khảo sát, hơn 80% sinh viên y khoa cho biết họ muốn được đào tạo bài bản hơn. Các nhân viên y tế có lúc bỏ qua bước rửa tay, đôi khi sử dụng lại ống tiêm dùng một lần và không vứt bỏ rác thải y tế đúng cách.

Khâu giám sát giáo dục y khoa tại nước này cũng không nghiêm ngặt. Trường y tư nhân mọc lên như nấm. Các cơ sở này đặt tiêu chuẩn tuyển sinh và tốt nghiệp kiểu “thượng vàng hạ cám”. Theo Mishal Khan, giáo sư Đại học London, Pakistan có ít nhất 70 trường cao đẳng y tế đã đăng ký, khoảng 50 trường chưa đăng ký hoặc đang hoạt động chui.

Theo thông lệ, nước này không yêu cầu nhân viên y tế tiếp tục học hỏi, cập nhật các tiêu chuẩn mới nhất về kiểm soát nhiễm trùng theo từng năm. Tại những khu vực nghèo hơn như Ratodero, các cơ sở khám chữa bệnh tái sử dụng vật tư y tế để cắt giảm chi phí.

Số ca nhiễm HIV giảm nhiều ở những nơi khác, song lại tăng ở Pakistan. Nguyên nhân chủ yếu do chính phủ chi tiêu thiếu nhất quán và cân bằng trong lĩnh vực y tế. Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ hơn 3% tổng sản phẩm quốc nội của đất nước dành cho y khoa, mức phân bổ thuộc hàng thấp nhất toàn cầu. Tuổi thọ trung bình của người Pakistan là 67, thấp hơn 10 tuổi so với Mỹ. Pakistan cũng là một trong hai nước chưa loại trừ được bại liệt.

Khi đại dịch sắp kết thúc, bài toán về HIV ở Pakistan vẫn cần được giải quyết, nhằm đóng góp vào tiến bộ về y tế toàn cầu thời kỳ hậu Covid-19. Đại dịch đã tạo áp lực, nếu không muốn nói là phá hủy hệ thống chăm sóc sức khỏe lạc hậu của nhiều quốc gia, khiến các nước nghèo bị tổn thương – thực tế mà Ratodero nếm trải từ lâu.

Thục Linh (Theo NY Times) – VnExpress

Leave a Reply