Hụt hơi vì nCoV biến ảo khôn lường

Nhà sinh học Jesse Bloom biết sớm muộn cũng xuất hiện một biến chủng nCoV nguy hiểm, có nguy cơ chống kháng thể, nhưng không ngờ lại nhanh đến vậy.

Trong phần lớn năm 2020, hầu hết mọi người, bao gồm cả các chuyên gia, không quá lo lắng về khả năng tiến hóa của nCoV. Virus khi đó đang biến đổi, nhưng không có điểm gì đặc biệt đáng lo ngại.

Tuy nhiên, đến cuối mùa thu, số lượng biến chủng nCoV tăng vọt. Những phiên bản mới khác biệt của virus bùng phát một cách đáng báo động tại Brazil, Nam Phi và Anh.

Chỉ trong vài tháng, các biến chủng đã trở thành mối quan tâm toàn cầu. Gần như bất cứ lúc nào đề cập đến quỹ đạo đại dịch, giới chuyên gia y tế cũng đều nhấn mạnh về chúng như một yếu tố có thể phá hủy những thành tựu chống dịch phải rất vất vả mới đạt được. Các biến thể này không chỉ mang một, mà là một loạt đột biến, dường như lây lan nhanh hơn hoặc có thể “đánh lừa” hệ miễn dịch.

Theo bình luận viên Carolyn Johnson của Washington Post, giới khoa học đã mất cảnh giác trước sự bùng phát đột ngột của các biến chủng nCoV, mở ra một chương mới của đại dịch. Chiến dịch tiêm chủng đại trà từng được kỳ vọng giúp thế giới thoát khỏi khủng hoảng giờ đây lại trở thành cuộc chạy đua với tốc độ “biến hóa” của virus.

Con đường dẫn đến miễn dịch cộng đồng, tức là khi virus không thể tái bùng phát, được cho là cũng trở nên dài hơi và phức tạp hơn. Các vaccine Covid-19 có nguy cơ không kiềm chế được nCoV hoàn toàn, mà đơn giản chỉ là đuổi theo một loại virus liên tục biến đổi.

Trên thực tế, trước cả khi các biến chủng nCoV bùng phát đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy giới khoa học dường như đánh giá thấp khả năng tiến hóa của virus. Ngay từ mùa xuân năm ngoái, một người đàn ông 45 tuổi mắc bệnh tự miễn nặng đã phải liên tục ra vào một bệnh viện ở thành phố Boston, Mỹ, suốt 5 tháng vì không thể “sạch virus”.

Bằng cách giải trình tự gene virus tại những thời điểm khác nhau, các bác sĩ phát hiện ra rằng nó đang biến đổi nhanh chóng. Thay vì chỉ có 1-2 thay đổi về gene, virus xuất hiện tới 21 đột biến và tập trung ở protein gai, giúp nó dễ dàng bám vào thụ thể ở tế bào vật chủ hơn. Sau khi người đàn ông sử dụng thuốc kháng thể, những đột biến mới xuất hiện có thể đã giúp virus vô hiệu hóa liệu pháp này.

Trong trường hợp một bệnh nhân Covid-19 70 tuổi tại Anh từng khỏi ung thư, hệ miễn dịch bị tổn hại nặng, những đợt điều trị bằng huyết tương giàu kháng thể đã dẫn đến tình trạng các biến chủng đua nhau xuất hiện bên trong cơ thể người này.

Sau khi tiến hành thí nghiệm với một biến chủng nCoV trong cơ thể bệnh nhân, các nhà khoa học nhận thấy một trong những thay đổi về gene đã làm giảm độ nhạy của virus với các kháng thể, nhưng cũng làm giảm khả năng lây lan của nó. Tuy nhiên, một đột biến khác cũng của chủng này dường như lại giúp bù đắp, khi làm tăng khả năng lây truyền virus. Loại đột biến này cũng được tìm thấy trong chủng virus khiến nước Anh lao đao cuối năm ngoái.

“Chúng tôi đã đánh giá thấp khả năng tiến hóa của virus ngay từ đầu đại dịch”, Kevin McCarthy, nhà vi sinh vật học tại Trung tâm Nghiên cứu Vaccine thuộc Đại học Pittsburgh, Mỹ, thừa nhận. Những bệnh nhân trên vốn đã cung cấp manh mối về khả năng tiến hóa của virus trước cả khi thế giới chú ý đến các biến chủng.

Với hơn 117 triệu người đã nhiễm nCoV trên toàn cầu, virus được cung cấp cơ hội tối đa để thay đổi cách “ngụy trang”. “Tôi nghĩ đang có một bước tiến hóa từ nguồn virus đột biến ẩn nào đó trong cộng đồng rơi vào điểm mù của chúng ta. Chúng ta không thể nhìn thấy cho đến khi virus lây lan đủ xa”, Jonathan Li, chuyên gia tại bệnh viện Brigham and Women ở Boston, nêu ý kiến.

Một số thí nghiệm về nCoV thậm chí từng mô phỏng chính xác phương thức ra đời của các biến chủng tại Nam Phi và Brazil trước khi chúng thực sự xuất hiện. Tuy nhiên, Jesse Bloom, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle, Mỹ, cho rằng mọi người đều ngỡ ngàng khi các thí nghiệm đó trở thành hiện thực nhanh chóng đến vậy.

Tác động trước mắt đối với những người bình thường được đánh giá không quá nghiêm trọng. Điều cần ưu tiên là phải hạn chế sự lây nhiễm để virus ít có cơ hội biến đổi hơn và công tác tiêm chủng đạt hiệu quả. Tuy nhiên, các nhà khoa học dường như còn rất nhiều việc phải làm để chuẩn bị cho những viễn cảnh tương lai có thể xảy ra.

“Chúng ta phải đối mặt với thực tế, mà tôi khá tin, rằng SARS-CoV-2 sẽ ngày càng giống bệnh cúm, lúc nào cũng bám theo chúng ta bởi virus đang biến đổi. Vaccine cũng luôn cần được cập nhật”, Bloom dự đoán.

Hiện nay, giới nghiên cứu đang tăng cường giám sát bộ gene để theo dõi những biến đổi của virus. Bloom cùng nhiều người khác đang vạch ra các lộ trình biến đổi của virus để khi chúng phát sinh, giới khoa học có thể nhanh chóng đánh giá liệu đột biến này có tiềm ẩn mối đe dọa hay không.

Tuy nhiên, điều này không hẳn đồng nghĩa với việc đại dịch sẽ không bao giờ chấm dứt. Triển vọng đang ngày càng tươi sáng nhờ các vaccine Covid-19, khi chúng sẽ luôn được cập nhật. “Sẽ có những biến chủng mới, cùng những phương thức mới có thể giúp chúng lọt qua hệ miễn dịch, nhưng có lẽ sẽ không lọt quá nhiều”, Sarah Cobey, chuyên gia nghiên cứu sự tiến hóa của virus tại Đại học Chicago, Mỹ, cho hay.

Trong phòng thí nghiệm, giới khoa học đang thử nghiệm xem liệu những biến chủng hiện nay có còn nhạy với các kháng thể được sinh ra nhờ lây nhiễm tự nhiên và vaccine hay không. Các hãng sản xuất cũng đang chuẩn bị những phiên bản vaccine mới, đồng thời thử nghiệm những mũi tiêm nhắc lại để đề phòng.

Theo bình luận viên Johnson, sự xuất hiện âm thầm và nhanh chóng của các biến chủng nCoV khiến giới khoa học không thể dự đoán đường đi tiếp theo của virus, làm gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh.

“Đừng nghĩ rằng chúng ta thông minh hơn sự tiến hóa”, Paul Duprex, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vaccine thuộc Đại học Pittsburgh, cho biết.

Ánh Ngọc (Theo Washington Post) – VnExpress

Leave a Reply