Làng đẻ thuê ở Trung Quốc

Một phụ nữ làm nghề đẻ thuê trong phóng sự năm 2017 của đài truyền hình tỉnh Sơn Đông. Ảnh chụp màn hình: Aboluowang.

“Con dâu tôi 46 tuổi với con gái tôi 40 tuổi đều đi đẻ thuê”, bà Trần, một phụ nữ nông thôn tỉnh Hồ Bắc, cho biết.

Làng Hạo Khẩu, thành phố Tiềm Giang, tỉnh Hồ Bắc, nổi tiếng Trung Quốc sau khi phóng sự năm 2017 của đài truyền hình tỉnh Sơn Đông về dịch vụ đẻ thuê phát sóng. Nghề đẻ thuê trong làng bắt đầu từ trước năm 2007. Cứ qua Tết là phụ nữ trong làng lại ngồi xe hơn ba tiếng tới Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, để đi đẻ thuê.

Hơn 10 năm trôi qua, phụ nữ trong làng có người đã đẻ thuê được một, hai con rồi không sinh được nữa, có người đã đẻ thuê ba, bốn con, vẫn tiếp tục đi làm. Tiền mỗi ca là 150.000 tới 250.000 tệ (23.000 – 39.000 USD), chưa kể bồi dưỡng, đẻ sinh đôi còn được nhiều tiền hơn.

Một người phụ nữ mặc đồ màu đỏ cho hay năm 2016 vừa đi đẻ thuê ở Thượng Hải, nay ở nhà nghỉ ngơi. Cô cho biết đẻ thuê “không phải việc hay ho, ngoài ra dạo này chính quyền siết chặt”, nên không muốn kể nhiều.

“Đi đẻ thuê khổ lắm. Ngày nào cũng phải tiêm, tiêm liên tục 75 mũi, tới nỗi sưng hết cả mông”, bà Trần, một phụ nữ cao tuổi trong làng cho biết. Bà từng đi nấu cơm cho một công ty chăm sóc phụ nữ đẻ thuê ở Vũ Hán.

“Con dâu tôi 46 tuổi bắt đầu nghề này. Con gái tôi 40 tuổi cũng đi, đẻ được hai đứa rồi, đều tới Vũ Hán cả”, bà nói. “Chẳng còn cách nào khác, chúng nó muốn kiếm tiền dù biết là nguy hiểm. Nhưng ở nông thôn làm ruộng thôi thì không ra tiền, chỉ có đi đẻ thuê mới kiếm tiền vừa nhanh vừa nhiều”.

Nhà cửa trong làng đều là nhà lầu mới xây. Người dân cho hay nhiều ngôi nhà xây lên nhờ tiền đi đẻ thuê. Bà Trần cho biết hồi còn đi làm, công ty quản lý những phụ nữ mang thai hộ rất nghiêm, không cho họ ra ngoài. Có lần, một người bị phạt rất nhiều tiền khi tới bệnh viện khám thai và bị phát hiện đi đẻ thuê.

Người dân trong thôn cho hay muốn tìm người đẻ thuê không dễ, phải có bạn bè thân thiết giới thiệu, hoặc thông qua môi giới.

“Mỗi năm thôn chúng tôi có khoảng 20 người đi đẻ thuê qua môi giới. Phí môi giới mỗi trường hợp mười mấy vạn tệ”, một người dân thôn Hạo Khẩu nói.

Khi gõ từ khóa “đẻ thuê” lên mạng, hàng loạt trang quảng cáo hiện ra. Trong vai một người có nhu cầu đẻ thuê kiếm tiền, phóng viên tìm tới một công ty dịch vụ đẻ thuê ở Thượng Hải.

Ông chủ giới thiệu công ty có đầy đủ dịch vụ, từ mang thai hộ tới tìm khách hàng, kích trứng, liên lạc với bệnh viện. Công ty đã hoạt động hơn 10 năm, có khoảng 20 người mang thai hộ chuyên nghiệp, rải khắp Thượng Hải, Nam Kinh, Quảng Châu, Vũ Hán. Công ty mở một phòng thí nghiệm chui, bề ngoài giống một căn biệt thự tư nhân, để che mắt chính quyền.

“Phòng thí nghiệm là quan trọng nhất bởi bên trong lưu trữ hàng nghìn phôi thai. Nếu bị phát hiện sẽ tổn thất lớn”, người này nói. “Người mang thai hộ đều được người đi trước giới thiệu, đa phần ở nông thôn. Họ thường tới theo nhóm mười mấy người. Sau khi kiểm tra sức khỏe, thường khoảng một nửa số người đạt yêu cầu”.

Pháp luật Trung Quốc cấm kinh doanh mang thai hộ nhưng nhiều người bất chấp luật pháp cũng như rủi ro sức khỏe để kiếm tiền. Một người dân thôn Hạo Khẩu cho hay từng có người phải cắt bỏ tử cung, không thể sinh đẻ nữa, thậm chí tử vong.

“Lần trước có một chị ngoài 30 tuổi mới đẻ thuê một đứa, năm sau đã mang thai đứa nữa, bị vỡ tử cung. Người chết rồi, gia đình được bồi thường mấy chục vạn tệ”, một người dân cho hay.

Cô Lý, 34 tuổi, lo cho cuộc sống gia đình khấm khá nhờ đẻ thuê. Nhìn bề ngoài, không ai nghĩ người phụ nữ đã kết hôn hơn 10 năm và đã có hai con này từng đi đẻ thuê mà chỉ nghĩ cô là dân văn phòng.

Cách đây không lâu, cô vừa mang thai hộ nhờ thụ tinh nhân tạo, sinh hạ một bé trai cho một gia đình ở Giang Tô. Khi được hỏi liệu có hối hận không sau khi trao con, cô cho biết không có suy nghĩ này.

“Đời này tôi không định nhận thằng bé. Tôi chỉ cần xem ảnh là được rồi. Ai cũng có cuộc sống riêng của mình”, cô nói, cho biết công việc của mình kết thúc sau khi sinh con và nhận tiền.

Hồng Hạnh (Theo Sina) – VnExpress

Leave a Reply