Lao động Trung Quốc đòi quyền sống, chống tăng ca

Ngán ngẩm vì suốt ngày phải làm thêm giờ, hàng nghìn nhân viên công ty công nghệ Trung Quốc đã tham gia chiến dịch phản đối.

Một khảo sát trực tuyến thăm dò lượng thời gian làm việc thực tế của nhân viên công sở Trung Quốc hôm 14/10 trở thành chủ đề nóng trên GitHub, nền tảng thuộc sở hữu của Microsoft cho phép các nhà phát triển chia sẻ mã và giúp nhau xây dựng phần mềm. Tính đến 15/10, khảo sát thu hút hơn 5.000 người trả lời, bao gồm nhân viên các công ty công nghệ lớn như Tencent, Alibaba và ByteDance.

Github là nơi khởi xướng chiến dịch “996.ICU” năm 2019, chiến dịch phản đối “văn hóa làm việc” từ “9h sáng tới 9h tối, 6 ngày một tuần”, trong giới công sở Trung Quốc.

“Chiến dịch do các lập trình viên Trung Quốc khởi xướng nhằm giải quyết tình trạng làm thêm giờ rất phổ biến và không được kiểm soát tại nhiều công ty, bao gồm các công ty công nghệ” là mô tả của chiến dịch mới nhất có tên “Worker Lives Matter” (Mạng sống người lao động quan trọng) được các nhà phát triển ẩn danh Trung Quốc khởi xướng. “Người lao động chúng tôi cũng cần sống”.

Cơ sở dữ liệu tổng kết thông tin từ một cuộc khảo sát, bao gồm công việc của người lao động, thời gian bắt đầu làm việc và kết thúc, thời gian ăn trưa và ăn tối, số ngày làm việc trong tuần cũng như các vấn đề gây tranh cãi khác như số lượng nhân viên trên 35 tuổi, độ tuổi mà các công ty công nghệ Trung Quốc thường được cho là sẽ sa thải nhân viên.

Đa số nhân viên 10 công ty công nghệ lớn như Tencent, Alibaba, Huawei, ByteDance và Baidu được hỏi đều cho biết bắt đầu một ngày lúc 10h và kết thúc vào 21h, nghỉ ăn trưa và ăn tối khoảng ba tiếng. Đa số làm việc 5 ngày một tuần, một số ít làm việc 6 ngày một tuần. Công ty thương mại điện tử Pinduoduo được cho là có thời gian làm việc dài nhất, khi nhân viên cho hay làm việc 6 ngày một tuần tới 22h30 mỗi ngày.

Ngoài cơ sở dữ liệu, dự án cũng tạo ra ít nhất 10 nhóm chat trên QQ, ứng dụng nhắn tin phổ biến ở Trung Quốc. Một nhóm 2.000 thành viên đã thảo luận và phàn nàn về giờ làm việc.

Zheng, 25 tuổi, nhân viên ByteDance, công ty mẹ của TikTok, cho hay thường đến văn phòng trước 10h30 và rời đi lúc 21h, làm việc 5 ngày một tuần, đôi khi làm thêm tới 22h.

“Đối với tôi, 996 không chỉ gây mệt mỏi về thể chất mà còn cả tinh thần. Chúng tôi luôn vội vàng làm cho kịp tiến độ, ngay cả đi vệ sinh cũng phải nhanh nhanh chóng chóng”, Zheng nói. “Tôi rất ghen tị với một người bạn có thời gian nuôi chó và xem phim buổi đêm. Tôi cảm thấy cuộc sống của mình lúc nào cũng bị công việc bủa vây”.

Su, một nhân viên Huawei, người cũng tham gia chiến dịch, cho hay phải làm việc từ 9h30 tới 20h30 trong ba ngày, hai ngày còn lại làm tới 18h. Anh cho rằng làm thêm giờ bất lợi cho cả nhân viên và công ty. “Nhân viên không làm việc nghiêm túc khi áp dụng 996”, Su nói.

Huawei từ chối bình luận, còn ByteDance không trả lời yêu cầu bình luận.

Cuộc tranh luận làm thêm giờ bắt đầu từ tháng 3/2019 trên Github khi một lập trình viên lập chiến dịch cáo buộc các công ty thương mại điện tử Youzan và JD gây áp lực buộc nhân viên làm thêm giờ. Chiến dịch lập tức làm bùng nổ cuộc tranh luận về điều kiện làm việc trong các công ty công nghệ lớn, khi các CEO hàng đầu bị chỉ trích công khai trên mạng. Sự tức giận của công chúng lên tới đỉnh điểm vào tháng một, khi một nhân viên 23 tuổi của Pinduoduo đột tử trên đường về nhà lúc 1h30 sáng.

Hồi tháng 8, tòa án tối cao Trung Quốc công bố tài liệu làm rõ tiêu chuẩn pháp lý về giờ làm việc và tiền lương làm thêm giờ. Các công ty công nghệ như ByteDance, Meituan và bộ phận trò chơi của Tencent đã chuyển sang hạn chế làm việc ngoài giờ và cuối tuần.

Tuy nhiên, cả Zheng và Su đều bi quan về tương lai. Họ cho rằng sẽ không có thay đổi lớn xảy ra.

“Chiến dịch chỉ là nhu cầu mà tầng lớp nhân viên cấp thấp đưa ra. Tôi cho rằng sẽ chẳng cấp quản lý nào gia nhập cùng chúng tôi”, Zheng nói.

“Tất cả phụ thuộc vào việc chính phủ có thực sự cố gắng thực thi pháp luật hay không”, Su nhận định.

Hồng Hạnh (Theo Sixthtone) – VnExpress

Leave a Reply