Nhiều thành viên Dân chủ muốn lập tức phế truất Trump, nhưng không ít lãnh đạo cốt cán của Cộng hòa muốn chờ đợi nhiệm kỳ của ông kết thúc.
Sau cuộc bạo loạn gây chấn động ở tòa quốc hội hôm 6/1, nhiều quan chức Mỹ đồng loạt đề xuất các phương án để loại bỏ quyền lực của Tổng thống Donald Trump trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào ngày 20/1 tới.
Chuck Schumer, người sắp trở thành lãnh đạo phe đa số Thượng viện, hôm 7/1 kêu gọi các quan chức “lập tức kích hoạt” Tu chính án thứ 25, cho rằng Trump “không thể” đảm trách chức vụ nên cần tước quyền tổng thống. Nếu phương án này không khả thi, ông nói “quốc hội nên triệu tập lại để xem xét bãi nhiệm Tổng thống”.
Ngay sau đó, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, người có quyền khởi động tiến trình xem xét bãi nhiệm, dường như đồng tình khi nói rằng nếu Tu chính án thứ 25 không được kích hoạt, “quốc hội có thể chuẩn bị để xem xét bãi nhiệm”. Đây không phải lời cam kết bởi hiện Hạ viện không có kế hoạch triệu tập cho tới sau lễ nhậm chức của Joe Biden. Nhưng kế hoạch có thể thay đổi.
Để hai kịch bản trên trở thành hiện thực, cả hai hành động chống lại Trump cần giành được sự ủng hộ của các thành viên Cộng hòa chủ chốt. Trong kịch bản thứ nhất, Phó tổng thống Mike Pence và đa số nội các của Trump phải đạt được đồng thuận. Với kịch bản thứ hai, ít nhất 18 thượng nghị sĩ Cộng hòa phải bỏ phiếu đồng ý cách chức Trump.
Tuy nhiên, Andrew Prokop, biên tập viên của Vox, nhận định cả hai kịch bản đều khó trở thành hiện thực.
Để kích hoạt Điều 4 Tu chính án thứ 25, theo đó phế truất Trump và trao quyền tổng thống cho Phó tổng thống, Pence và đa số bộ trưởng trong nội các của Trump phải đồng thuận ra tuyên bố chung về việc Trump không thể đảm trách quyền hạn và trách nhiệm.
Về lý thuyết, Tu chính án thứ 25 có nhiều ưu điểm, như chỉ cần chữ ký của một số người nhất định và có hiệu lực ngay lập tức khi tuyên bố trên được gửi tới lãnh đạo lưỡng viện. Trump vẫn giữ chức danh tổng thống, nhưng ông không còn thẩm quyền pháp lý để đưa ra bất kỳ quyết định nào.
Trump có thể phản đối quyết định này bằng cách gửi một tuyên bố bằng văn bản tới quốc hội, khẳng định ông hoàn toàn có thể đảm trách vai trò tổng thống. Nếu Pence cùng nhóm thành viên nội các tiếp tục ra tuyên bố về việc tước quyền Trump, quốc hội sẽ có 21 ngày để biểu quyết vấn đề này.
Giới quan sát nhận định đây là phương án hợp pháp và nhanh chóng để tước quyền lực của Trump trong những ngày cuối nhiệm kỳ. Tuy nhiên, Điều 4 Tu chính án thứ 25 chưa từng được kích hoạt, nên việc thực thi có thể khá khó khăn và lộn xộn. Thậm chí, nó có thể khiến nhiều người, đặc biệt là người ủng hộ Trump, xem đây như cuộc “đảo chính”.
Một khó khăn khác để lựa chọn kịch bản này là nội các Mỹ đang có nhiều biến động nhân sự sau cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol hôm 6/1.
Bộ trưởng Giao thông Mỹ Elaine Chao và Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVosh đồng loạtthông báo quyết định từ chức hôm 7/1, trở thành hai thành viên nội các đầu tiên rời nhiệm sở để phản đối vụ bạo loạn. Ngoài ra, Nhà Trắng cũng thông báo sẽ rút đề cử Chad Wolfcho vị trí Bộ trưởng An ninh Nội địa. Wolf, hiện là quyền Bộ trưởng, trước đó lên tiếng kêu gọi Tổng thống Trump và các quan chức lên án vụ bạo lực tại Đồi Capitol. Một khi quyết định từ chức chính thức có hiệu lực, nó đồng nghĩa các bộ trưởng trên không còn có thể tham gia vào nỗ lực kích hoạt Tu chính án thứ 25.
Phó tổng thống Pence chưa lên tiếng công khai sau các lời kêu gọi ông kích hoạt Tu chính án thứ 25, song New York Times hôm 7/1 dẫn lời một cố vấn thân cận nói rằng ông phản đối phế truất Trump. Giới quan sát cũng nhận định các bộ trưởng trong nội các dường như cũng không nhiều khả năng lựa chọn bước đi này.
Tuy nhiên, đây vẫn được xem là phương án dự phòng khả thi cho trường hợp Trump tiếp tục leo thang căng thẳng và có những động thái gây bất ổn chính trường Mỹ.
Washington Post đưa tin một ngày sau cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol, nhiều thành viên Dân chủ trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã bắt đầu dự thảo các điều khoản xem xét bãi nhiệm mới, trong đó có một dự thảo cáo buộc Trump cố tình kích động bạo lực chống chính phủ.
Tới giữa ngày 7/1, cả Schumer và Pelosi đều công khai ủng hộ phương án này, song cả hai chỉ xem đây như kế hoạch dự phòng. Điều họ thực sự mong muốn là Phó tổng thống Pence và nội các sẽ kích hoạt Tu chính án 25 để tước quyền lực của Trump.
Tuy nhiên, kịch bản xem xét bãi nhiệm lần hai với Trump khó mang lại kết quả thực tế ngoài đưa vấn đề lên Thượng viện. Cho tới khi kết quả bầu cử ở Georgia được xác nhận vào cuối tháng này, Thượng viện vẫn dưới quyền kiểm soát của đảng Cộng hòa. Dù nhiều thượng nghị sĩ Cộng hòa đã phản đối nỗ lực “lật kèo” bầu cử của Trump, họ không có nhiều khả năng sẽ đi xa tới mức bỏ phiếu bãi nhiệm ông.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitt Rommey cũng bày tỏ không ủng hộ lựa chọn xem xét bãi nhiệm Tổng thống, khi nói rằng “tôi nghĩ chúng ta có thể phải nín thở chờ đợi” cho tới khi nhiệm kỳ Trump kết thúc. Ông thêm rằng “thời gian còn lại quá ngắn để làm điều đó”.
Giới phân tích thậm chí không loại trừ khả năng nếu Hạ viện tiến hành xem xét bãi nhiệm, các thành viên Cộng hòa sẽ trở lại phe Trump và bảo vệ ông cho tới khi nhiệm kỳ kết thúc. Dù không ít lãnh đạo Cộng hòa chỉ trích Tổng thống về các quyết sách thất thường, nền tảng ủng hộ của Trump trong đảng Cộng hòa không thể bốc hơi chỉ sau một đêm. Sau cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol, hơn một nửa thành viên Cộng hòa ở Hạ viện vẫn bỏ phiếu bác kết quả tại các bang mà Biden chiến thắng.
“Nhiều thành viên Cộng hòa nghĩ rằng đất nước này đã tồn tại gần hết 4 năm nhiệm kỳ của Trump và họ hy vọng sẽ vượt qua nốt 13 ngày còn lại”, Prokop viết.
Tuy nhiên, giới phân tích dự đoán nếu như Trump tiếp tục có những hành động “vô pháp” gây bất ổn nghiêm trọng cho chính trường Mỹ, cả Tu chính án thứ 25 và xem xét bãi nhiệm đều có thể được cân nhắc kích hoạt.
“Nếu điều gì khác xảy ra, tất cả lựa chọn sẽ được đặt lên bàn cân”, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham của bang Nam Carolina, nói.
Thanh Tâm (Theo Vox) – VnExpress