Lo ngại virus ‘trốn thoát’ khỏi 3.000 phòng thí nghiệm sinh học

Giả thuyết virus thoát từ Viện Virus học Vũ Hán khiến giới chuyên gia lo ngại về mức độ an toàn sinh học của các phòng thí nghiệm toàn cầu.

18 tháng sau khi bùng phát ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, Covid-19 đã khiến hơn 171 triệu người nhiễm trên toàn cầu. Số người chết vì nCoV được báo cáo chính thức là hơn 3,5 triệu người, dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng con số thực tế có thể lên tới hơn 8 triệu người.

Tổng thống Joe Biden tuần trước yêu cầu cơ quan chức năng Mỹ điều tra nguồn gốc nCoV, gồm cả giả thuyết virus thoát từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, dù báo cáo đầu năm nay của nhóm điều tra WHO cho rằng khả năng này “rất khó” xảy ra.

“Tuy nhiên, chúng ta luôn biết một mầm bệnh chết người có nguy cơ làm điều đó”, John Simpson, biên tập viên của BBC, nhận định.

Khi giả thuyết virus nCoV thoát từ phòng thí nghiệm gần đây được đưa trở lại tâm điểm tranh luận, đại tá Hamish de Bretton-Gordon, chuyên gia nổi tiếng về chiến tranh sinh học, đã kêu gọi các lãnh đạo G7, nhóm quốc gia công nghiệp hóa hàng đầu, xem xét tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh sinh học phòng thí nghiệm, khi cảnh báo các cơ sở nghiên cứu được quản lý lỏng lẻo có thể trở thành “cửa ngõ cho những kẻ khủng bố”.

Đại tá Bretton-Gordon từng là chỉ huy Trung đoàn hạt nhân, phóng xạ, sinh học và hóa học chung của Anh. Ông đã chứng kiến hậu quả của chiến tranh hóa học và sinh học, đặc biệt ở Iraq và Syria.

“Tôi đã dành rất nhiều thời gian của cuộc đời ở những nơi mà các chính phủ muốn làm hại người khác. Tôi nghĩ các phòng thí nghiệm là cơ hội cho các nhóm khủng bố và những người khác. Chúng ta phải khiến họ khó đạt được mục tiêu nhất có thể”, Bretton-Gordon nói.

Simpson, biên tập viên của BBC, cho hay việc kiểm soát quốc tế đối với những trung tâm chế tạo và nghiên cứu virus nguy hiểm lỏng lẻo một cách đáng ngại.

Phòng thí nghiệm nghiên cứu về mầm bệnh thường được phân loại theo rủi ro về an toàn sinh học từ cấp 1 đến cấp 4, mức cao nhất. Thế giới có 50 phòng thí nghiệm thuộc cấp 4, trong đó có Porton Down, gần Salisbury, trung tâm nghiên cứu sinh học và hóa học tối mật của Anh.

Porton Down thường được mô tả là nơi có “tiêu chuẩn vàng” về an toàn sinh học và các phòng thí nghiệm cấp 4 như vậy thường được kiểm soát rất nghiêm ngặt. Tuy nhiên, các phòng thí nghiệm cấp 3 phổ biến hơn, với hơn 3.000 cơ sở trên toàn thế giới.

Phần lớn trong số này đều thực hiện các công việc nghiên cứu y khoa, nhưng cũng thường lưu giữ và xét nghiệm nhiều loại virus như Covid-19. Một số phòng thí nghiệm ở những nước như Iran, Syria và Triều Tiên, được xem là cơ sở đáng lo ngại.

Các nghiên cứu về vũ khí hóa học đang được kiểm soát tốt hơn những nghiên cứu về mối đe dọa sinh học. Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) được thành lập theo Công ước Vũ khí hóa học năm 1997 và có 193 thành viên. OPCW có quyền các cuộc điều tra thực địa để đảm bảo rằng không có nghiên cứu hay phát triển bất hợp pháp nào đang được tiến hành.

Thực tế ở Syria cho thấy OPCW chưa thể dập tắt hoàn toàn việc sản xuất và sử dụng vũ khí hóa học, nhưng tổ chức này vẫn đang hoạt động tích vực và hiệu quả.

Kiểm soát nghiên cứu và chế tạo vũ khí sinh học không được kiểm soát nghiêm ngặt như vậy. Công ước Vũ khí Sinh học (BWC), nhằm cấm hoàn toàn vũ khí sinh học, có hiệu lực từ năm 1975. Nhưng tổ chức này có ít thành viên hơn OPCW và chưa bao giờ có thể thống nhất về cơ chế xác minh cụ thể để đảm bảo các thành viên tuân thủ đầy đủ điều khoản.

Đại tá Bretton-Gordon hy vọng những rủi ro từ từ các cơ sở nghiên cứu sinh học toàn cầu sẽ trở thành vấn đề trong chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh của các lãnh đạo G7 vào tháng 6. Ông cũng đã vận động các bộ trưởng trong nội các Anh thúc đẩy các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn. Tướng David Petraeus, cựu lãnh đạo CIA, là một trong những người ủng hộ ông.

“Tôi nghĩ hầu như bất kỳ tổng thống Mỹ nào cũng muốn ủng hộ đề xuất này. Các lãnh đạo thế giới nên thúc đẩy nó. Một số người có thể phản đối ý tưởng này vì lý do riêng của họ, như Triều Tiên. Nhưng tôi nghĩ đại đa số sẽ muốn nó”, tướng Petraeus nói.

Trong gia đoạn 2007-2008, tướng Petraeus từng là chỉ huy lực lượng đa quốc gia do Mỹ lãnh đạo ở Iraq, quốc gia dưới thời Saddam Hussein bị cáo buộc phát triển vũ khí sinh học và hóa học, dù không tìm thấy bằng chứng nào sau cuộc tấn công của Mỹ năm 2003, theo John Simpson. Thời gian phụ trách CIA đã khiến Petraeus thêm lo sợ rằng vũ khí sinh học dưới sự kiểm soát của một chính phủ không tốt có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng.

Trong nhiều thập kỷ, các quốc gia đã tăng cường kiểm soát vũ khí hạt nhân và sau đó là vũ khí hóa học, cũng như nghiên cứu sản xuất chúng. Những vũ khí này đã khiến nhiều người thiệt mạng, như hàng nghìn người Kurd ở Iraq chết vì vũ khí hóa học năm 1988 hay vô số người Syria trong suốt những năm nội chiến.

“Nhưng với 8 triệu người có thể đã chết vì Covid-19, khả năng virus thoát từ một trong số 3.000 phòng thí nghiệm không được kiểm soát nghiêm ngặt có thể khiến mối đe dọa sinh học trở nên nguy hiểm hơn”, Simpson cảnh báo.

Thanh Tâm (Theo BBC) – VnExpress

Leave a Reply