Malaysia ghi nhận kỷ lục hơn 9.000 ca nCoV một ngày

Malaysia ngày thứ năm liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm nCoV tăng kỷ lục, phần lớn đều là lây nhiễm cộng đồng.

Thế giới đã ghi nhận 170.592.014 ca nhiễm nCoV và 3.547.316 ca tử vong, tăng lần lượt 468.319 và 10.153, trong khi 152.727.869 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Malaysia hôm qua ghi nhận 9.020 ca nhiễm nCoV mới, mức tăng cao nhất kể từ khi đại dịch xuất hiện ở nước này, trong đó 9.015 trường hợp là lây nhiễm cộng đồng, nâng tổng số người mắc Covid-19 toàn quốc lên 558.534. Số ca tử vong do đại dịch hiện là 2.650, tăng 98 trường hợp so với một ngày trước đó.

Đây là ngày thứ năm liên tiếp Malaysia báo cáo số ca nhiễm cao kỷ lục, trong bối cảnh nước này chuẩn bị áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc đầu tiên trong hơn một năm vì đợt bùng phát Covid-19 đang lây lan nhanh chóng, đè nặng lên hệ thống y tế.

Văn phòng Thủ tướng Muhyiddin Yassin thông báo toàn bộ đất nước Malaysia sẽ phong tỏa trong hai tuần kể từ ngày 1/6, đóng cửa hoàn toàn tất cả lĩnh vực kinh tế và xã hội, chỉ những cơ sở kinh doanh được coi là thiết yếu mới được phép hoạt động.

Malaysia đã tránh được đợt bùng phát nghiêm trọng vào năm ngoái bằng cách thực hiện các biện pháp hạn chế cứng rắn, bao gồm phong tỏa. Tuy nhiên ca nhiễm bắt đầu tăng mạnh vào đầu năm nay, khiến chính phủ dần thắt chặt các hạn chế và áp đặt tình trạng khẩn cấp.

Giới chức cam kết đẩy mạnh triển khai tiêm chủng, chương trình vốn bị chỉ trích là chậm chạp và hỗn loạn, đồng thời cung cấp hỗ trợ tài chính cho những người bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa. Số người được tiêm đầy đủ hai liều vaccine Covid-19 ở Malaysia đã vượt mốc một triệu hôm 28/5, trong khi tổng số người được tiêm vaccine ở nước này hiện là 2,8 triệu.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 34.034.230 ca nhiễm và 609.274 ca tử vong do nCoV, tăng 11.573 ca nhiễm và 319 ca tử vong so với một ngày trước đó.

10 bang của Mỹ đã đạt mục tiêu tiêm chủng ít nhất một mũi vaccine Covid-19 cho 70% dân số trước 4/7, theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC). Hơn 165 triệu người, tương đương 49,7% dân số Mỹ, đã được tiêm ít nhất một liều vaccine và gần 132 triệu người, khoảng 39,7% dân số, đã được tiêm đầy đủ. Trung bình 7 ngày qua, mỗi ngày Mỹ tiêm chủng được 1,7 triệu liều.

Chính phủ cho biết hồ sơ mới về trợ cấp thất nghiệp của Mỹ giảm tuần thứ tư liên tiếp, xuống mức thấp trong đại dịch nhờ vaccine Covid-19 giúp nền kinh tế phục hồi.

Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 27.893.472 ca nhiễm và 325.998 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 174.041 và 3.614 ca.

Ấn Độ đang thay đổi cách tiếp cận vaccine, thông báo đã loại bỏ thử nghiệm đối với vaccine nước ngoài “có uy tín” để nhập khẩu nhanh chóng. Chính phủ đang đàm phán với Pfizer để nhập khẩu “sớm nhất có thể” và cũng đã thảo luận với Johnson & Johnson, Moderna.

Nước này đã tiêm chủng cho người dân bằng vaccine AstraZeneca được sản xuất tại Viện Huyết thanh trong nước, Covaxin do công ty Bharat Biotech sản xuất, và bắt đầu tung ra Sputnik V của Nga. Tuy nhiên, nguồn cung còn thiếu nhiều so với hàng triệu liều mà quốc gia đông dân thứ hai thế giới cần.

Tháng trước, Ấn Độ cam kết thúc đẩy nhanh phê duyệt vaccine nước ngoài, nhưng kiên quyết duy trì thử nghiệm trong nước đối với các vaccine đó, khiến thảo luận với Pfizer bị đình trệ. “Điều khoản đã được sửa đổi để từ bỏ hoàn toàn yêu cầu thử nghiệm đối với vaccine được sản xuất ở các quốc gia khác”, chính phủ cho biết.

Brazil là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 16.471.600 ca nhiễm và 461.057 ca tử vong, tăng lần lượt 78.943 và 1.886.

Hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình ở ít nhất 16 thành phố để phản đối Tổng thống Jair Bolsonaro, kêu gọi ông từ chức hoặc luận tội ông do cách xử lý đại dịch Covid-19. Phần lớn các cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa, nhưng đụng độ đã xảy ra tại thành phố Recife, phía đông bắc Brazil, khi cảnh sát bắn đạn cao su và hơi cay về phía đám đông.

Sự ủng hộ cho Bolsonaro đã giảm mạnh trong đại dịch, khi ông thường xuyên tỏ ra coi thường Covid-19, từ chối đeo khẩu trang và gây ngờ vực về tầm quan trọng của vaccine.

Đài Loan báo cáo 327 ca nhiễm mới và thêm 166 kết quả tồn đọng, 21 ca tử vong, cho thấy đợt bùng phát đại dịch tồi tệ nhất của hòn đảo vẫn lan rộng liên tục, bất chấp các hạn chế.

Dân số Đài Loan phần lớn tuân thủ các hạn chế bắt buộc và được yêu cầu, ở nhà và tránh du lịch. Gần 1.500 người đang ở trong các cơ sở cách ly tập trung, được thành lập cho những người mắc Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ để giảm áp lực cho bệnh viện.

Cảnh báo cấp độ 3 đáng lẽ sẽ kết thúc từ ngày 30/5, nhưng đợt bùng phát chưa có dấu hiệu được kiểm soát khiến giới chức Đài Loan phải duy trì cảnh báo đến ngày 14/6.

Thành phố Đài Bắc và Đài Tân nâng cảnh báo Covid-19 lên cấp độ 3 cách đây hai tuần, toàn hòn đảo cũng áp dụng cảnh báo này từ ngày 19/5. Biện pháp này khiến tất cả trường học, phòng gym, hộp đêm, quán karaoke, bảo tàng, thư viện và những địa điểm đông người phải đóng cửa. Cảnh báo cấp 3 cũng cấm tụ tập quá 10 người ngoài trời và 5 người trong nhà, người dân phải đeo khẩu trang khi ra đường.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.809.926 ca nhiễm, tăng 6.565, trong đó 50.262 người chết, tăng 162.

Indonesia đã tiếp tục sử dụng lô vaccine Covid-19 của AstraZeneca. Cơ quan thực phẩm và dược phẩm (BPOM) của nước này trước đó đình chỉ sử dụng để điều tra sau khi một nam thanh niên tử vong đầu tháng này.

“Theo kết quả xét nghiệm, có thể kết luận rằng không có mối liên hệ nào giữa chất lượng lô vaccine Covid-19 số CTMAV547 với sự cố sau tiêm chủng được báo cáo”, BPOM cho hay.

Vũ Anh (Theo Reuters) – VnExpress

Leave a Reply