Mặt trái của ‘hộ chiếu vaccine’

‘Hộ chiếu vaccine’ được kỳ vọng là công cụ đưa cuộc sống trở lại bình thường hậu Covid-19, song câu hỏi đặt ra là những người không tiêm chủng sẽ ra sao?

Tối 22/2, bên trên một trung tâm thương mại ở phía bắc thành phố Tel Aviv, Israel, đám đông 300 người, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách, cùng vỗ tay rộn ràng. Đây là lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát, nghệ sĩ Israel Aviv Geffen bước lên sân khấu biểu diễn mà có khán giá cổ vũ phía dưới.

“Một phép màu đã diễn ra tối nay”, Geffen nói với đám đông.

Tuy nhiên, không phải ai muốn cũng được tận hưởng trải nghiệm này. Chỉ những người có “hộ chiếu xanh” chứng minh rằng họ đã được tiêm vaccine Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh sau khi nhiễm virus mới có thể đến xem buổi biểu diễn.

Buổi hòa nhạc mang đến một cái nhìn thoáng qua về tương lai mà nhiều người đang mong mỏi sau quãng thời gian dài bị hạn chế bởi Covid-19. Chính phủ các nước cho biết việc tiêm chủng và sở hữu những giấy chứng nhận phù hợp sẽ giúp tạo thuận lợi cho việc di chuyển, giải trí và các hoạt động tụ tập đông người khác hậu đại dịch.

Song nó cũng làm hiện lên viễn cảnh một thế giới bị phân chia bởi khoảng cách giàu nghèo và khả năng tiếp cận vaccine, tạo ra các vấn đề về đạo đức và hậu cần đáng lo ngại.

Các nước khác đang đang theo dõi Israel thực hiện chương trình tiêm chủng Covid-19 nhanh nhất thế giới của mình và xử lý những vấn đề đạo đức liên quan đến việc sử dụng những mũi tiêm vaccine như “vé thông hành”.

Tại Israel, những tấm “vé thông hành” như vậy hiện hữu dưới dạng hộ chiếu vaccine hoặc huy hiệu màu xanh hiển thị trên một ứng dụng di động. Israel gần đây đã đạt được thỏa thuận với Hy Lạp và Cyprus để công nhận huy hiệu xanh của nhau. Từ đây, triển vọng về nhiều thỏa thuận du lịch khác được mở ra.

Bất kỳ ai không muốn hoặc không thể có được những mũi tiêm vaccine sẽ “bị bỏ lại phía sau”, Bộ trưởng Y tế Israel Yuli Edelstein nói trong một cuộc phỏng vấn với AP. “Hiện tại, đây thực sự là con đường duy nhất tiến về phía trước”.

“Con người không thể sống cuộc sống của họ trong thế giới mới mà không có vaccine”, ông nhấn mạnh. “Chúng ta phải tiêm vaccine. Bắt buộc”.

Nhưng vaccine Covid-19 không có sẵn đối với tất cả mọi người trên thế giới, do hạn chế về nguồn cung cũng như vấn đề chi phí, trong khi một số người không muốn tiêm vì lý do tôn giáo hay bất kỳ lý do nào khác. Tại Israel, quốc gia với 9,3 triệu dân, mới chỉ khoảng 1/2 dân số trưởng thành được tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19.

Chính phủ đang đối diện những áp lực mới trong nỗ lực khuyến khích tiêm chủng. Các nhà lập pháp Israel hôm 24/2 thông qua luật cho phép Bộ Y tế tiết lộ thông tin của người chưa được tiêm chủng.

Theo đó, danh tính người chưa tiêm chủng sẽ được chuyển đến cho các bộ giáo dục, lao động, phúc lợi xã hội cùng chính quyền các địa phương “để những cơ quan này khuyến khích mọi người tiêm chủng”.

“Với thẻ xanh, các cánh cửa sẽ mở ra với bạn. Bạn có thể tới quán ăn, tập thể dục ở phòng gym hay xem các buổi biểu diễn”, thông báo ngày 21/2 của chính phủ Israel có đoạn. “Làm thế nào để có thẻ xanh? Hãy đi tiêm chủng ngay”.

Điều này có thể đơn giản ở Israel, nơi có đủ vaccine cho tất cả mọi người trên 16 tuổi. Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuần qua nói ông có kế hoạch viện trợ số vaccine thừa cho các nước đồng minh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Israel ngày 25/2 cho biết kế hoạch trên sẽ bị đóng băng trong lúc ông cân nhắc tính pháp lý của nó.

Nhìn chung, hầu hết các nước hiện tại đều không có đủ vaccine, khiến câu hỏi ai là người được tiêm và làm thế nào để giảm thiểu gánh nặng Covid-19 càng trở nên khó trả lời.

“Nguyên tắc nhân quyền cốt lõi là bình đẳng và không phân biệt đối xử”, Lawrence Gostin, giáo sư Đại học Georgetown kiêm Giám đốc Trung tâm Hợp tác về Luật Y tế Quốc gia và Toàn cầu của Tổ chức y tế Thế giới (WHO), cho hay. “Một cuộc khủng hoảng đạo đức toàn cầu rất lớn sẽ nổ ra khi những nước có thu nhập cao như Israel, Mỹ hay các quốc gia châu Âu có khả năng đạt được miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay. Nhưng với các nước thu nhập thấp, đa phần người dân sẽ không được tiêm vaccine trong nhiều năm nữa. Chúng ta có thực sự muốn ưu tiên cho những người đã có rất nhiều đặc quyền không?”.

Đây là câu hỏi làm đau đầu cộng đồng quốc tế khi những nước giàu hơn bắt đầu có được khả năng chống lại nCoV và những biến thể của nó nhờ chương trình tiêm chủng.

Tháng 4 năm ngoái, sáng kiến COVAX được WHO khởi xướng, với mục tiêu ban đầu là đưa vaccine đến những nước nghèo nhất, lúc các nước giàu có triển khai chương trình tiêm chủng. Tuy nhiên, họ đã không thể hoàn thành mục tiêu đề ra. 80% trong 210 triệu liều vaccine Covid-19 toàn cầu hiện chỉ được cung cấp ở 10 quốc gia giàu có nhất, theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.

Ghana hôm 24/2 trở thành nước đầu tiên trong 92 quốc gia được tiêm vaccine miễn phí thông qua sáng kiến của WHO. COVAX thông báo đã chuyển 600.000 liều vaccine AstraZeneca tới quốc gia châu Phi này. Đây chỉ là một phần nhỏ trong mục tiêu hai tỷ liều vaccine mà WHO muốn phân bổ trong năm nay.

Khi các quốc gia đó mới bắt đầu tiêm chủng thì những nước giàu có đã bắt đầu bàn về hậu cần, an ninh, quyền riêng tư và chính sách “hộ chiếu xanh”.

Chính phủ Anh cho biết họ đang nghiên cứu khả năng cấp một số loại “chứng nhận trạng thái Covid” có thể giúp các nhà tuyển dụng và những đơn vị tổ chức sự kiện lớn dễ dàng sử dụng khi lệnh phong tỏa được gỡ bỏ.

Nhưng Thủ tướng Anh Borish Johnson lưu ý rằng chính sách trên có thể tạo ra nhiều vấn đề. “Chúng ta không thể phân biệt đối xử với những người vì lý do nào đó không thể tiêm vaccine”, ông nói.

Nhiều quốc gia châu Âu đang chạy đua phát triển hệ thống chứng nhận vaccine của riêng mình nhằm giúp phục hồi du lịch mùa hè. Song điều này tạo ra nguy cơ các hệ thống khác nhau sẽ không tương thích trên khắp châu lục.

“Tôi nghĩ nguy cơ các hệ thống không ăn khớp nhau là rất lớn”, Andrew Bud, giám đốc điều hành công ty sinh trắc học khuôn mặt iProov, nơi đang thử nghiệm công nghệ hộ chiếu tiêm chủng kỹ thuật số của Anh, đánh giá.

Dù vậy, ông cho rằng những thách thức kỹ thuật của hộ chiếu vaccine rất dễ xử lý. “Thách thức lớn hơn nằm ở vấn đề đạo đức, xã hội, chính trị và pháp lý”, Bud nói. “Đó là làm thế nào chúng ta có thể cân bằng giữa quyền cơ bản của công dân với các lợi ích của xã hội”.

Vũ Hoàng (Theo AP) – VnExpress

Leave a Reply