Mối nguy lương thực khiến Kim Jong-un bất an

Triều Tiên từng hứng chịu nạn đói chết người trong quá khứ và nay lãnh đạo Kim Jong-un đang cảnh báo về nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng.

Trong cuộc họp ban chấp hành trung ương đảng Lao động Triều Tiên hôm 15/6, lãnh đạo Kim Jong-un lần đầu tiên thừa nhận “tình hình lương thực của người dân đang trở nên đáng lo ngại”.

Dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy điều này là tình trạng giá các loại thực phẩm cơ bản tăng mạnh. Giá một kg ngô tăng vọt hồi tháng hai, lên mức 3.137 won (2,76 USD), theo dữ liệu từ trang Daily NK, chuyên thu thập thông tin từ các nguồn bên trong Triều Tiên.

Giá ngô tiếp tục tăng vọt một lần nữa vào giữa tháng 6, theo trang Asia Press. Ngô là lương thực ít được ưa chuộng ở Triều Tiên so với gạo, nhưng lượng tiêu thụ thường nhiều hơn vì giá thấp hơn.

Trong khi đó, một kg gạo ở thủ đô Bình Nhưỡng hiện ở mức cao nhất kể từ tháng 12/2020, song giá cả có xu hướng dao động.

Việc theo dõi biến động giá cả cung cấp dữ liệu tốt nhất về hoạt động kinh tế, bởi hầu hết người dân Triều Tiên mua gạo và những nhu yếu phẩm khác thông qua giao dịch trên thị trường, chuyên gia về Triều Tiên Benjamin Silberstein cho hay. “Nhà nước chỉ cung cấp một phần tương đối nhỏ lương thực cho các công chức”, ông nói.

Lương thực do nhà nước bao cấp gần như không đủ cho hầu hết các hộ gia đình, đặc biệt là tại các thành phố lớn, dẫn tới việc nhiều người phải tìm đến những khu chợ “không chính thống” để tìm nguồn bổ sung.

Trong cảnh báo đưa ra tuần trước, lãnh đạo Triều Tiên nhắc tới một nguyên nhân là tác động của bão lũ với vụ mùa hồi năm ngoái. Theo tổ chức giám sát nông nghiệp GEOGLAM, trụ sở ở Paris, Pháp, thời gian từ tháng 4 đến tháng 9/2020 là giai đoạn nhiều mưa nhất được ghi nhận kể từ năm 1981 đến nay ở Triều Tiên.

Bán đảo Triều Tiên năm ngoái hứng chịu hàng loạt cơn bão, trong đó có ba cơn bão đổ bộ vào tháng 8 và tháng 9, khoảng thời gian trùng với thời điểm bắt đầu thu hoạch lúa, ngô.

Thực phẩm có thể trở nên khan hiếm vào tháng 6 năm nay, khi nguồn dự trữ lương thực của chính phủ từ vụ hè thu năm trước bắt đầu cạn kiệt, trong khi sản lượng vụ mùa mới giảm sút.

Bão Hagupit đổ bộ hồi đầu tháng 8 năm ngoái là một trong số ít cơn bão mà truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa ra báo cáo thiệt hại chi tiết. Theo đó, bão đã tàn phá 40.000 ha đất canh tác và 16.680 ngôi nhà. Với những cơn bão sau đó, truyền thông nhà nước hạn chế cung cấp thông tin hơn.

Tác động của bão và lũ lụt còn trở nên tồi tệ hơn do nạn phá rừng kéo dài suốt nhiều thập kỷ.

Cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 1990 chứng kiến tình trạng cây rừng bị đốn hạ trên diện rộng để làm nhiên liệu và bất chấp các chiến dịch trồng cây thường xuyên, nạn phá rừng vẫn tiếp diễn, khiến lũ lụt ngày càng trầm trọng, gây ra thiệt hại lớn.

Theo một báo cáo do tổ chức Giám sát Rừng Toàn cầu công bố hồi tháng ba, Triều Tiên bị mất 27.500 ha diện tích cây che phủ chỉ riêng trong năm 2019 và từ năm 2001 đến 2019 mất tổng cộng 233.000 ha.

Một trong những vấn đề ít được biết đến đối với ngành nông nghiệp Triều Tiên là việc họ gặp nhiều khó khăn trong việc sản xuất đủ phân bón để cải thiện năng suất cây trồng.

Trong thư gửi các quan chức chính quyền hồi năm 2014, Kim Jong-un đã phải nhắc nhở các lãnh đạo ngành nông nghiệp rằng họ nên “tận dụng mọi nguồn phân bón có thể”.

Triều Tiên không thể sản xuất được đủ lượng phân bón cần cho canh tác và hồi tháng 2, một trong những nhà máy phân bón chính của nước này đã phải đóng cửa do thiếu phụ tùng, trang thiết bị thay thế, theo Nikkei Asia. Nguyên nhân được cho là do Triều Tiên phải đóng cửa biên giới với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất, từ tháng 1/2020 nhằm ngăn đại dịch Covid-19 xâm nhập đất nước.

Các lệnh trừng phạt kinh tế quốc tế khiến việc giao thương với bên ngoài của Triều Tiên cực kỳ hạn chế.

Tổng lượng xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên dao động từ 2,5 đến 3,5 tỷ USD trong những năm gần đây, song vào năm ngoái, con số này giảm xuống chỉ còn chưa đầy 500 triệu USD, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc.

Hình ảnh vệ tinh ở hai bên biên giới (tại Sinuiju, Triều Tiên, và Đan Đông, Trung Quốc) cho thấy lưu lượng xe giảm đáng kể so với năm 2019. Đây là bằng chứng về việc trao đổi thương mại qua biên giới có thể đã bị đóng, theo một báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).

Các nhà nghiên cứu từ CSIS thống kê được hơn 100 phương tiện xuất hiện tại khu vực hải quan trong tháng 9/2019, nhưng chỉ có 15 xe vào tháng 3/2021.

Tuy nhiên, nhiều toa tàu được nhìn thấy trong ảnh vệ tinh tháng ba hơn so với cùng địa điểm này cách đây hai năm, khiến các nhà quan sát tin rằng hoạt động giao thương sẽ sớm được nối lại.

Từ đó đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy biên giới sẽ sớm mở cửa bình thường.

Việc đóng biên cũng khiến Triều Tiên khó nhận viện trợ lương thực, vốn được miễn trừng phạt. Bên viện trợ lượng thực lớn nhất cho Triều Tiên là Trung Quốc, nhưng xuất khẩu lương thực của nước này sang Triều Tiên đã giảm 80% kể từ khi Covid-19 bùng phát.

Liên Hợp Quốc cho biết trong một thập kỷ qua, lượng lương thực viện trợ từ các nước khác luôn không đủ đáp ứng nhu cầu của Triều Tiên. Mặt khác, hầu hết những tổ chức viện trợ lượng thực quốc tế hiện đều không thể hoạt động ở Triều Tiên do các biện pháp hạn chế nhằm chống Covid-19.

Kun Li từ Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết họ đã không thể tiến hành các cuộc khảo sát về nhu cầu thực phẩm của các hộ gia đình kể từ trước đại dịch. “Bất chấp các thách thức, năm 2020, WFP đã giúp gần 730.000 người tiếp cận nguồn hỗ trợ về thực phẩm cũng như dinh dưỡng”, bà nói.

Lãnh đạo Kim Jong-un không tiết lộ quy mô của cuộc khủng hoảng lương thực đang đến gần, nhưng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) gần đây ước tính Triều Tiên đang thiếu khoảng 860.000 tấn lương thực, tương đương hơn hai tháng nguồn cung toàn quốc.

“Nếu lượng thiếu hụt này không được bù đắp thông qua nhập khẩu thương mại và/hoặc viện trợ lương thực, các hộ gia đình Triều Tiên có thể đối diện với thời kỳ thiếu đói nghiêm trọng từ tháng 8 đến tháng 10 năm nay”, FAO cảnh báo.

Vũ Hoàng (Theo BBC) – VnExpress

Leave a Reply