Mưa lũ lịch sử ở Trung Quốc, 38 triệu người phải sơ tán

Các con sông đổ vào hồ Bà Dương, nơi đổ nước vào sông Trường Giang, chứng kiến lũ lớn chưa từng có. Nhiều đoạn đê bị vỡ trong khi mực nước vẫn đang tiếp tục gia tăng.

Giữa lúc mưa lớn vẫn tiếp diễn ở vùng trung và hạ du sông Trường Giang gây lũ lụt chưa từng có, nỗ lực phòng chống thiên tai của Trung Quốc giờ đây chuyển sang hồ Bà Dương, hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất đất nước đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Cuộc chiến tại hồ Bà Dương

Mực nước đo được tại trạm thủy văn quan trọng của hồ đã lên đến 22,6 m lúc 10h sáng 13/7, phá kỷ lục 22,52 mét năm 1998, và cao hơn mức báo động 19 m. Trận lũ lịch sử năm 1998 từng khiến hơn 4.000 người thiệt mạng.

Tỉnh Giang Tây, nơi hồ Bà Dương tọa lạc và sông Trường Giang chảy qua, là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất những tuần qua khi lưu vực sông Trường Giang có mưa với lượng trung bình lớn nhất kể từ năm 1961.

Các con sông đổ vào hồ Bà Dương, nơi đổ nước vào sông Trường Giang, đều chứng kiến lũ lớn chưa từng có. Nhiều đoạn đê bị vỡ trong khi mực nước vẫn đang tiếp tục gia tăng, trong đó huyện Bà Dương nằm cạnh hồ đã ghi nhận ít nhất 14 vụ vỡ đê.

Cơ quan phòng chống lụt bão của tỉnh cho biết 2.439 km/2.545 km đê bao ven sông và ven hồ trong tỉnh đã chứng kiến mực nước vượt qua mức cảnh báo.

Tỉnh Giang Tây đã nâng ứng phó với thiên tai lên mức cao nhất hôm 11/7, bước vào “chế độ thời chiến”.

Truyền thông nhà nước cho biết hơn 100.000 người, bao gồm nhân viên cứu hộ, binh sĩ và dân thường, đã được huy động chống lũ tại tỉnh này, và khoảng một nửa trong đó được triển khai tại hồ Bà Dương.

Tại thành phố Cửu Giang, gần nơi hồ Bà Dương đổ vào sông Trường Giang, binh sĩ mặc áo phao gia cố bờ sông bằng bức tường bao cát cao ngang đầu người, theo Tân Hoa Xã. Bao cát cũng được dùng để gia cố đê bao ở nhiều địa điểm khác ven hồ.

Hơn 10.000 người đã được sơ tán sau khi một đoạn đê dài 127 mét tại trấn Bà Dương bị vỡ, khiến nước lũ từ hồ tràn vào gây ngập úng tại 6 thôn và 62 km2 đất canh tác. 300 công nhân xây dựng, 25 thiết bị máy móc và 150 phương tiện đã được huy động để khắc phục, theo Thời báo Hoàn cầu.

Nước từ sông Xương Giang, chi lưu của hồ Bà Dương, đã tràn qua đê và dâng lên gần bằng chiều cao “bức tường bùn lớn” được xây dựng khẩn cấp. Nếu mực nước tiếp tục tăng, trung tâm huyện bà Dương cách đó ba cây số sẽ bị đe dọa. Khoảng 500 binh sĩ đã được điều đến Xương Giang trong đêm để hộ đê.

Tính đến cuối tuần trước, lũ lụt từ ngày 6/7 đã làm gián đoạn cuộc sống của hơn 5,5 triệu người tại tỉnh Giang Tây, với gần nửa triệu người phải sơ tán.

Hàng chục triệu người phải sơ tán

Tính trên cả nước, khoảng 141 người đã thiệt mạng hoặc mất tích vì mưa lũ, và gần 38 triệu người đã phải sơ tán, theo Ban chỉ huy Phòng chống Lụt bão và Hạn hán Quốc gia Trung Quốc. Thiệt hại kinh tế trực tiếp tính đến ngày 12/7 là 82,23 tỷ nhân dân tệ (11,74 tỷ USD).

Theo dự báo thời tiết, đợt mưa mới sẽ tấn công khu vực từ ngày 14/7. Bộ Thủy lợi Trung Quốc hôm 12/7 đã nâng ứng phó khẩn cấp với lũ trên toàn quốc từ cấp 3 lên cấp 2, mức cao thứ hai trong hệ thống 4 cấp.

Từ tháng 6, cảnh báo lũ đã được kích hoạt trên 433 con sông tại Trung Quốc. Trong đó, 109 sông ghi nhận mực nước vượt mức an toàn và 33 sông ghi nhận mực nước phá kỷ lục lịch sử, theo Bộ Thủy lợi.

Chen Tao, Trưởng phòng dự báo thời tiết tại Trung tâm Khí tượng Quốc gia, cho rằng mưa liên tục kéo dài là do các hình thái thời tiết ổn định kéo dài, khiến vành đai mưa bám trụ ở khu vực trung và hạ du sông Trường Giang.

“So với trước đây, mưa năm nay lớn hơn và liên tục đổ xuống cùng một khu vực, mang lại áp lực đáng kể trong việc kiểm soát lũ lụt”, ông Chen nói.

Tổng cộng 615 triệu nhân dân tệ của các quỹ cứu trợ thiên tai, được Bộ Tài chính và Bộ Quản lý Khẩn cấp phân bổ, đã được chuyển đến các vùng bị lũ lụt tàn phá, bao gồm Giang Tây, Hồ Bắc, An Huy và Trùng Khánh.

Ở tỉnh Hồ Bắc, đập Tam Hiệp, hệ thống kiểm soát nước lớn nhất trên sông Trường Giang, đã được sử dụng để giảm bớt áp lực tại vùng trung và hạ du dòng chính của sông. Lượng nước thoát ra từ hồ chứa đã giảm gần một nửa, xuống còn 19.000 m3/giây kể từ ngày 7/7.

Trung Quốc đã đầu tư vào các dự án bảo tồn nước để tăng cường khả năng chống chọi với hạn hán và lũ lụt, dù các tác động tiêu cực từ các dự án vẫn là chủ đề tranh cãi. Năm ngoái, nước này đã chi 726 tỷ nhân dân tệ cho các dự án như vậy.

Tuy nhiên, các nhà phân tích lưu ý rằng các dự án này chỉ có thể giảm thiểu tác động của lũ chứ không thể tránh hoàn toàn, vì thời tiết bất lợi, như mùa mưa đến sớm trên lưu vực sông Trường Giang năm nay, có thể tạo ra kết quả vượt quá khả năng của các dự án.

Đông Phong – Zing

Leave a Reply