Mỹ: 37.000 người chết vì Covid-19, Tổng thống và thống đốc “khẩu chiến”

Trong khi Tổng thống và các thống đốc bang bất đồng về nới lỏng phong tỏa, nhiều người dân ở Mỹ đã xuống đường biểu tình phản đối lệnh “ở nhà” dù đã có hơn 700.000 người mắc Covid-19 tại nước này.

Theo số liệu thống kê trên trang web Worldometer, tính đến chiều 17/4, số ca tử vong vì Covid-19 tại Mỹ lên xấp xỉ 37.000 người, tăng hơn 2.300 ca so với một ngày trước đó. Cùng ngày, Mỹ ghi nhận thêm hơn 30.000 ca mắc Covid-19, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại đây lên gần 707.000 ca.

Mỹ hiện là quốc gia có nhiều người mắc và tử vong vì Covid-19 nhất thế giới. Thế giới hiện ghi nhận hơn 2,2 triệu ca mắc bệnh, trong đó hơn 150.000 trường hợp đã tử vong, gần 600.000 người được chữa khỏi các triệu chứng.

Trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng chậm lại sau khi tăng kỷ lục gần 36.000 ca hôm 10/4, chính quyền liên bang Mỹ và một số bang đang lên kế hoạch để nới lỏng các lệnh hạn chế, mở cửa nền kinh tế trở lại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16/4 đã công bố kế hoạch nới lỏng phong tỏa gồm 3 giai đoạn và nhấn mạnh các bang có quyền tự quyết khi nào mở cửa kinh tế trở lại, thậm chí “ngay ngày mai”. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, việc vội vã nới lỏng phong tỏa khi chưa có đầy đủ các điều kiện tiên quyết như năng lực xét nghiệm quy mô lớn có thể khiến dịch bùng phát trở lại.

Tổng thống và thống đốc “khẩu chiến”

Kế hoạch nới lỏng phong tỏa, nối lại hoạt động kinh tế tiếp tục là vấn đề gây bất đồng quan điểm giữa Tổng thống Trump và các thống đốc bang.

Tổng thống Trump hôm qua đã chỉ trích 4 thống đốc Dân chủ vì cách ứng phó đại dịch. Ông đồng thời cũng kêu gọi “giải phóng” lệnh cách ly xã hội tại một số bang. “Giải phóng Michigan! Giải phóng Minnesota! Giải phóng Virginia”, ông Trump viết trên Twitter. Ba bang này đều là những bang quan trọng trong chiến dịch vận động tái tranh cử của chủ nhân Nhà Trắng. Đáp lại lời kêu gọi này, Thống đốc Michigan, bà Gretchen Whitmer nói: “Chúng tôi sẽ kích hoạt lại nền kinh tế khi cảm thấy an toàn”.

Cùng ngày, tại một cuộc họp báo, Thống đốc New York Andrew Cuomo chỉ trích cách ứng phó đại dịch của chính quyền Tổng thống Trump. Vị thống đốc Dân chủ này nói rằng, chủ nhân Nhà Trắng “có thể nên thức dậy và làm việc” thay vì xem truyền hình. Ông Cuomo cũng cáo buộc chính quyền Tổng thống Trump “thiên vị” ngành hàng không và một số ngành khác trong gói cứu trợ mới đây khiến ngân sách hỗ trợ các bang còn rất ít.

Đáp lại chỉ trích khi ông Cuomo vẫn đang phát biểu với các phóng viên, Tổng thống Trump viết trên Twitter: “Thống đốc Cuomo nên dành nhiều thời gian hơn để làm việc, bớt phàn nàn đi. Hãy ra ngoài và làm việc của mình. Đừng chỉ nói”. Chủ nhân Nhà Trắng cũng bình luận thêm: “Chúng tôi đã đáp ứng thêm cho các ông hàng nghìn giường bệnh và các ông thậm chí không cần hoặc không dùng tới, cung cấp lượng lớn máy thở mà lẽ ra các ông phải tự chủ, và hỗ trợ các ông xét nghiệm việc mà đáng lẽ các ông phải làm”.

Biểu tình phản đối lệnh “ở nhà”

Trong lúc chính quyền liên bang và chính quyền địa phương mâu thuẫn về thời gian và phương thức nới lỏng các lệnh hạn chế, những ngày gần đây, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra ở một số bang, như Michigan, Ohio, Kentucky, Minnesota, North Carolina và Utah, để phản đối lệnh “ở nhà”.

Một người biểu tình có tên Tom Hughey nói: “Tôi nhận thức được sự nguy hiểm của virus này nhưng chúng ta đã đóng cửa quá nhiều thứ”
“Một bộ phận người dân đã xuống đường biểu tình. Đó là quyền của họ. Nhưng họ càng ra ngoài nhiều, thì nguy cơ phát tán Covid-19 càng cao”, Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer cho biết. Bà Whitmer đã gia hạn lệnh khuyến cáo người dân ở trong nhà đến 30/4 để hạn chế nguy cơ lây lan của dịch Covid-19. Hiệp hội Y tá Michigan đã ra thông cáo gọi các cuộc biểu tình này là “thiếu trách nhiệm” và nhấn mạnh: “Chúng tôi cầu xin các bạn hãy ở nhà”.

Tại Minnesota, nhiều người biểu tình tập trung bên ngoài nhà riêng của thống đốc Tim Walz để phản đối lệnh ở nhà dự kiến kéo dài đến ngày 3/5. Họ tin rằng, người dân có thể đi làm trở lại bình thường trong khi vẫn tiếp tục các biện pháp ngăn ngừa, ứng phó dịch.

Minh Phương
Theo Reuters, CNN

Nguồn

Leave a Reply