Mỹ bác bảo yêu sách của TQ: Chính sách sẽ không đổi dù ai vào nhà trắng

Chuyên gia Greg Poling nói với Zing rằng chính sách của Mỹ bác bỏ yêu sách biển của Trung Quốc thể hiện “thay đổi lâu dài mà các chính quyền sau này sẽ khó lòng thay đổi”.

“Hôm nay, Mỹ định vị lập trường của chúng tôi theo như phán quyết của Toà Trọng tài Quốc tế (năm 2016)”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói trong tuyên bố ngày 13/7, thể hiện sự ủng hộ công khai của Mỹ trong việc bác hầu hết các yêu sách biển của Trung Quốc, coi đây là những yêu cầu vô căn cứ và bất hợp pháp.

Với động thái này, Mỹ chính thức chuyển từ vị trí trung lập đối với tình hình trên Biển Đông để đứng về các nước Đông Nam Á trong việc bác bỏ nhiều yêu sách cụ thể của Bắc Kinh trong vùng biển này.

Động thái chấn động, thay đổi chiến lược lâu dài

Bài xã luận của tờ Wall Street Journal ngày 13/7 đánh giá đây là động thái ngoại giao gây chấn động của chính quyền Trump, tương tự việc tuyên bố dời sứ quán Mỹ tại Israel đến Jerusalem hay rút Mỹ khỏi một số hiệp ước vũ trang quốc tế.

Ông Greg Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Biển Châu Á (AMTI, Mỹ), nói với Zing rằng tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo là động thái “quan trọng”.

“Tuyên bố làm rõ nhiều điểm mà chỉ được ám chỉ dưới thời các chính quyền trước. Việc nói rõ các yêu sách của Trung Quốc là ‘phi pháp’ giúp đưa ra những thông điệp ngoại giao về sau hiệu quả hơn”, ông nói.

Dù Mỹ luôn ủng hộ duy trì luật pháp quốc tế ở Biển Đông và ủng hộ phán quyết của Toà trọng tài năm 2016, tuyên bố ngày 13/7 đi xa hơn các tuyên bố trước đây khi điểm mặt chỉ tên cụ thể những hành động phi pháp của Trung Quốc được nêu trong phán quyết.

Theo chuyên gia Poling, việc chỉ thẳng các hành động sai trái của Trung Quốc ở những khu vực như bãi Tư Chính (Việt Nam), bãi Luconia (Malaysia) hay xung quanh đảo Natuna (Indonesia) là “những kết luận logic từ phán quyết của Toà Trọng tài năm 2016”.

“Đó là sự công nhận của Mỹ rằng các thẩm phán đã phân xử đúng”, ông nói với Zing.

“Nếu Trung Quốc không có tuyên bố hợp pháp nào thì họ không thể đưa ra yêu sách với vùng biển hay lòng biển ở những khu vực như quần đảo Trường Sa”, ông Poling nói.

Vị chuyên gia này khẳng định tuyên bố ngày 13/7 thể hiện “thay đổi mang tính lâu dài mà mọi chính quyền sau này sẽ khó lòng thay thế”.

Ban biên tập tờ Wall Street Journal cũng chia sẻ với quan điểm trên. Tờ này dự đoán “Trung Quốc sẽ rất không vui” với động thái mới của Washington, nhưng cũng nhấn mạnh quyết định này đưa chính sách chính thức của Mỹ trở nên phù hợp với luật pháp quốc tế và tình hình địa chính trị thực tại.

“Dù ai sẽ chiến thắng để bước vào Nhà Trắng trong năm nay, một ưu tiên trong chính sách đối ngoại năm 2021 của Mỹ sẽ là đẩy lùi sự bành trướng và vô luật pháp của Trung Quốc. Đó là bước đi cần thiết đầu tiên”, ban biên tập Wall Street Journal khẳng định.

Lo ngại rủi ro đụng độ quân sự

Truyền thông quốc tế và các nhà quan sát nhận định giọng điệu trong tuyên bố ngày 12/7 của Ngoại trưởng Pompeo cứng rắn hơn hẳn.

“Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông như đế chế hàng hải của mình”, tuyên bố nhấn mạnh, đồng thời khẳng định “Mỹ sát cánh với các đối tác và đồng minh ở Đông Nam Á” và “Mỹ sát cánh với cộng đồng quốc tế để bảo vệ tự do trên biển, tôn trọng chủ quyền và bác bỏ mọi nỗ lực áp đặt tư tưởng ‘kẻ mạnh luôn thắng’ trên Biển Đông và khu vực”.

Khi Mỹ và Trung Quốc đối chọi nhau gay gắt ở nhiều vấn đề, từ thương mại cho đến dịch Covid-19, tình hình Hong Kong, thì Biển Đông chính là địa điểm thực mà khí tài của hai cường quốc có thể thực sự đụng độ, theo Bloomberg.

Những tháng qua, hải quân Mỹ liên tục tăng cường hiện diện và diễn tập, khẳng định quyền tự do hàng hải trên Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cũng từng nói ông muốn triển khai lực lượng Mỹ nhiều hơn để đối đầu với Trung Quốc.

Ngay sau khi Ngoại trưởng Pompeo đưa ra tuyên bố, cựu cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng, ông John Bolton, kêu gọi những hành động mới “vượt ra ngoài các cuộc diễn tập tự do hàng hải” để chống lại các hành vi cưỡng ép của Trung Quốc trong khu vực.

Một bài viết trên New York Times cho rằng, dù tuyên bố của Mỹ không ám chỉ đến hành động quân sự nào, nó để ngỏ một khả năng Mỹ có thể hỗ trợ các nước như Malaysia hoặc Philippines nếu xảy ra đụng độ với Trung Quốc. Mỹ cũng có hiệp ước hỗ trợ quốc phòng với Philippines.

Hoặc một lo ngại khác là về phản ứng của Trung Quốc. “Trung Quốc có thể quyết định tăng cường sự thách thức trước những hoạt động của Mỹ ở Biển Đông, từ đó gia tăng rủi ro dẫn đến sự cố”, nhà nghiên cứu Collin Koh tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore), nói trên Bloomberg.

Chen Xiangmiao, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Biển Đông ở Hải Nam, Trung Quốc, nói tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo chứng tỏ “Mỹ đã chọn phe”.

“Sự đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông đã tiến gần đến một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”, ông Chen nói trên báo South China Morning Post.

Theo ông Greg Poling, dù tuyên bố ngày 13/7 “chỉ là tuyên bố chính sách chứ không có ám chỉ quân sự nào”, ông dự đoán “về ngắn hạn thì Trung Quốc sẽ phản ứng giận dữ, như cách nước này hay làm với mọi chỉ trích”.

“Về lâu dài, việc cùng Trung Quốc đưa ra một thoả hiệp mà phần còn lại của thế giới cũng chấp nhận sẽ là cách duy nhất để quản lý các tranh chấp trên Biển Đông một cách hoà bình”, ông nói với Zing.

Còn trước mắt, theo ông Poling, hành động tiếp theo của Mỹ sau tuyên bố này sẽ là đẩy nó cao hơn trong các nghị sự ngoại giao để tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế đối với các nước Đông Nam Á như Việt Nam và Philippines.

“Cũng có thể là một nỗ lực để trừng phạt các công ty Trung Quốc tham gia vào những hoạt động phi pháp, mà như Trợ lý Ngoại trưởng David Stilwell đã nói là khả năng này đang được xem xét”, chuyên gia của CSIS nói.

Cảnh Toàn – Zing

Leave a Reply