Mỹ bác giả thuyết nCoV lây lan qua thực phẩm của Trung Quốc

Các cơ quan an toàn thực phẩm Mỹ bác giả thuyết được Trung Quốc ủng hộ rằng nCoV có thể lây lan qua thực phẩm và bao bì thực phẩm.

“Sau hơn một năm kể từ khi đợt bùng phát đại dịch Covid-19 được tuyên bố là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, chúng tôi tiếp tục khẳng định rằng không có bằng chứng đáng tin cậy cho thấy thực phẩm hay bao bì thực phẩm có khả năng lây truyền nCoV”, Cơ quan Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cùng Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ra tuyên bố chung hôm 18/2.

Chỉ có một vài quốc gia lo ngại về khả năng lây nhiễm nCoV qua thực phẩm và bao bì, do virus này chủ yếu lây qua các giọt bắn trong không khí khi tiếp xúc gần. tuy nhiên, đây là giả thuyết được Trung Quốc ủng hộ và cũng trở thành trọng tâm của các biện pháp kiểm dịch nước này.

Hàng triệu gói thực phẩm đông lạnh đã được khử trùng khi chuyển vào Trung Quốc và hàng trăm nghìn mẫu đã được lấy xét nghiệm để tìm dấu vết nCoV. Các công ty thực phẩm nước ngoài nếu vi phạm quy định nghiêm ngặt trên của Trung Quốc có thể đối mặt với lệnh cấm.

Các cơ quan y tế Trung Quốc cho biết họ đã liên hệ một số ca nhiễm nCoV của các công nhân thực phẩm với cá hồi, cá tuyết và lợn đông lạnh bị nhiễm virus. Nước này cũng gấp rút truy tìm các hàng hóa mà họ cho là có kết quả xét nghiệm dương tính nCoV như tôm Arab Saudi, cherry Chile và kem có thành phần sữa bột Ukraine.

Tuy nhiên, các nhà khoa học Mỹ và thế giới đều khẳng định không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy các ca nhiễm nCoV ở Trung Quốc là do xử lý các sản phẩm này. Họ nói rằng về mặt lý thuyết virus có thể tồn tại trên bề mặt thực phẩm hay bao bì, song nguy cơ một người bị nhiễm nCoV do chạm tay vào một gói hàng chứa giọt bắn từ người đóng gói thực phẩm mắc bệnh ở một nước khác là rất thấp.

“Sau khi xem xét hơn 100 triệu trường hợp nhiễm nCoV, chúng tôi không thấy bằng chứng dịch tễ học cho thấy thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm là nguồn lây truyền virus người”, lãnh đạo USDA và FDA khẳng định.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cùng Tổ chức Y tế Thế giới trước đó cũng thông báo trong hướng dẫn cho người dân rằng không có bằng chứng cho thấy mọi người có thể nhiễm Covid-19 từ thực phẩm. Các cơ quan này chỉ khuyến nghị mọi người phải rửa tay sạch trước khi ăn và đảm bảo yếu tố vệ sinh tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm.

Covid-19 đã xuất hiện tại 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 110 triệu người nhiễm, hơn 2,4 triệu người chết và gần 86 triệu người đã bình phục.

Ngọc Ánh (Theo SCMP) – VnExpress

Leave a Reply