Mỹ sẵn sàng gặp Iran và đảo ngược tuyên bố của Trump về lệnh trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc, tạo cơ hội bắt đầu ngoại giao hạt nhân.
Vài giờ sau khi Ngoại trưởng Antony Blinken trao đổi với những người đồng cấp châu Âu, Mỹ hôm 18/2 hoan nghênh đề xuất triệu tập cuộc đàm phán của tất cả quốc gia tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.
“Mỹ sẽ chấp thuận lời mời từ Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU), tham dự cuộc họp P5 + 1 và Iran để thảo luận cách thức ngoại giao về chương trình hạt nhân của Iran”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết.
Giám đốc chính trị EU Enrique Mora sau đó đề xuất thông qua Twitter một cuộc họp không chính thức với tất cả nước tham gia, nói rằng hiệp định hạt nhân đang ở “thời điểm quan trọng”, trước thời hạn cuối tuần để Iran hạn chế một số cuộc thanh tra hạt nhân của Liên Hợp Quốc.
Nhóm ký kết thỏa thuận năm 2015 gồm Mỹ, Iran cũng như Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga. Cựu tổng thống Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận, thay vào đó áp đặt các lệnh trừng phạt sâu rộng bóp nghẹt nền kinh tế Iran. Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden ủng hộ việc quay trở lại thỏa thuận, nói rằng thỏa thuận năm 2015 có hiệu quả trong việc giảm chương trình hạt nhân của Tehran.
Hiện chưa rõ liệu Iran đã sẵn sàng quay lại đàm phán với Mỹ. Iran trước đó khẳng định Mỹ phải dỡ các lệnh trừng phạt trước khi nước này trở lại tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận năm 2015, đảo ngược các bước mà họ đã thực hiện để phản đối biện pháp của Trump.
Chính quyền Biden hôm 18/2 cho biết họ không yêu cầu Liên Hợp Quốc áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Iran. Trong một bức thư, quyền Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Richard Mills nói rằng các lệnh trừng phạt, được cho là sẽ được khôi phục vào tháng 8, “vẫn được chấm dứt.”
Cựu ngoại trưởng Mike Pompeo lập luận rằng về mặt kỹ thuật, Mỹ vẫn là một bên tham gia hiệp định năm 2015 và đang kích hoạt các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với các vi phạm. Tuy nhiên, các đồng minh thân cận của Mỹ bác bỏ lập luận này và Liên Hợp Quốc cũng nói không có biện pháp trừng phạt bổ sung nào như vậy có hiệu lực.
Chính quyền Biden cũng cho biết họ đang nới lỏng các hạn chế hà khắc do chính quyền Trump áp đặt đối với việc đi lại của các nhà ngoại giao Iran tại Liên Hợp Quốc, cơ quan có trụ sở chính tại thành phố New York, như một phần trong nỗ lực giảm căng thẳng.
“Ý tưởng ở đây là thực hiện các bước để loại bỏ những trở ngại không cần thiết đối với ngoại giao đa phương bằng cách sửa đổi hạn chế đối với việc đi lại trong nước. Những biện pháp đó đã cực kỳ hạn chế”, một quan chức Bộ Ngoại giao nói với phóng viên.
Là một phần của chiến dịch gây áp lực tối đa lên Iran, Trump năm 2019 cấm đi lại hoàn toàn đối với các nhà ngoại giao Iran, trừ một số tòa nhà xung quanh Liên Hợp Quốc và phái bộ của họ. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói rằng ông thậm chí bị cấm tới thăm một đồng nghiệp ở bệnh viện New York trong khuôn khổ chuyến thăm của Liên Hợp Quốc.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các nhà ngoại giao Iran vẫn sẽ phải chịu các hạn chế ngoại giao được áp dụng với quốc gia có quan hệ không tốt với Mỹ, như Triều Tiên, những người cần được ủy quyền để đi ra ngoài bán kính 40 km từ Midtown Manhattan.
Huyền Lê (Theo AFP) – VnExpress