Mỹ chuẩn bị tiến tới đóng cửa toàn bộ để đối phó Covid-19

Nước Mỹ đang thực hiện những biện pháp mạnh nhất để ngăn virus corona lây lan trong bối cảnh sự hoảng loạn đang gia tăng trên khắp cả nước.

Tại Mỹ, các thống đốc bang và thị trưởng đã ra lệnh đóng cửa các nhà hàng, quán bar và trường học để ngăn virus Covid-19 lây lan.

Khách du lịch trở về nhà sau những chuyến đi nước ngoài bị mắc kẹt hàng giờ tại các sân bay lớn chờ kiểm tra y tế khi nước này tiếp tục chìm sâu vào khủng hoảng.

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế sắp diễn ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã giảm lãi suất cơ bản xuống gần bằng 0. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tìm cách trấn an công dân bằng cách tuyên bố chính phủ đang “kiểm soát chặt chẽ” tình hình và yêu cầu mọi người ngừng việc tranh nhau mua hàng trên khắp cả nước.

Các cửa hàng súng và vũ khí cũng rơi vào tình trạng tương tự khi người Mỹ cố gắng tích trữ súng và đạn dược trong cơn hoảng loạn.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng đưa ra khuyến nghị chấn động: Các cuộc tụ họp từ 50 người trở lên nên bị hủy bỏ hoặc hoãn lại trên cả nước trong 8 tuần tới để ngăn dịch lây lan.

CDC cũng nói rằng cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp trong bất kỳ sự kiện nào như đảm bảo mọi người rửa tay và giữ khoảng cách.

Tuy nhiên, CDC cũng cho biết khuyến nghị này không áp dụng cho “các hoạt động hàng ngày của các tổ chức như trường học, viện nghiên cứu hoặc doanh nghiệp”.

Ngăn Covid-19 bằng các biện pháp mạnh

Ngay cả trước khi CDC đưa ra khuyến nghị, một phần nước Mỹ đã trông giống như một thị trấn ma. Các bãi biển ở Florida vắng du khách, Starbucks chỉ chấp nhận đơn hàng drive-thru (đặt hàng trên xe hơi) và mang về, Ohio và Illinois ra lệnh cho các quán bar và nhà hàng đóng cửa.

Thống đốc bang California yêu cầu các quán bar và nhà hàng đóng cửa nhưng không bắt buộc. Trong khi đó tại thành phố New York, các quán ăn chỉ có thể nhận đơn hàng mang đi và giao hàng. Thị trưởng New York Bill de Blasio cũng yêu cầu các hộp đêm, rạp chiếu phim và các địa điểm giải trí khác đóng cửa.

“Những nơi này là một phần của trái tim và linh hồn của thành phố chúng ta”, ông Bill de Blasio tuyên bố hôm 15/3. “Tuy nhiên, thành phố của chúng ta đang đối mặt với một mối đe dọa chưa từng có và chúng ta phải phản ứng với tinh thần như đang trong một cuộc chiến”.

Quyết định của ông de Blasio được đưa ra sau khi bác sĩ Anthony Fauci, Viện trưởng của Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia tại Viện Y tế Quốc gia, cho biết ông muốn đóng cửa nước Mỹ 14 ngày để ngăn virus lây lan.

“Tôi nghĩ rằng người Mỹ nên chuẩn bị phải giảm bớt đáng kể những hoạt động đang diễn ra”, ông Fauci, một thành viên của lực lượng chống Covid-19 của Nhà Trắng nói.

Không có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Trump đang xem xét việc thực hiện điều này

Đã có hơn 3200 ca nhiễm virus Covid-19 và 69 người tử vong vì virus này ở Mỹ tính đến ngày 16/3.

Đám đông tại sân bay

Trong khi đó, các quan chức nhà nước và địa phương đã chỉ trích chính quyền của ông Trump vì đám đông tại các sân bay có thể tự biến mình thành nguồn lây virus.

Thị trưởng Chicago Lori Lightfoot đã chỉ trích chính quyền vì để khoảng 3.000 người Mỹ trở về từ châu Âu bị mắc kẹt hàng giờ trong khu vực hải quan tại sân bay quốc tế O’Hare hôm 14/3. Điều này vi phạm các khuyến nghị “cách ly xã hội” (social distancing) của CDC.

Các hành khách phải thực hiện kiểm tra y tế trước khi được phép rời khỏi sân bay. Nhiều người trong số họ vội vã về nhà vì lo sợ sẽ bị mắc kẹt ở châu Âu, khiến khu vực hải quan trở nên đông nghịt.

“Người dân bị buộc vào tình thế trái với khuyến nghị của CDC và điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được”, bà Lightfoot nói.

Cô Elizabeth Pulvermacher, sinh viên đại học Wisconsin, đã đáp xuống sân bay O’Hare từ Madrid. Cô cho biết quy trình hải quan khiến cô cảm thấy “không an toàn”.

“Toàn bộ quá trình này là để kiểm soát Covid-19, nhưng lại có đến hàng trăm người trong không gian hẹp gần nhau”, cô Pulvermacher cho biết.

Tiến sĩ Robert Murphy, Giám đốc điều hành của Viện Sức khỏe Toàn cầu tại Đại học Northwestern cho biết ông cảm thấy những gì đang xảy ra tại O’Hare hôm 14/3 thật “kinh khủng”.

“Nếu họ chưa nhiễm Covid-19 thì giờ đây chắc họ đã nhiễm rồi. Từ góc độ của chuyên gia sức khỏe cộng đồng, điều này rất sai trái”, ông Murphy cho biết.

Nhưng tình hình đã được cải thiện rõ rệt vào ngày 15/3 tại O’Hare và các nơi khác. Quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Chad Wolf cho biết thời gian chờ đợi đã giảm xuống còn 30 phút sau khi quy trình được điều chỉnh và nhân viên được bổ sung tại các sân bay đón khách trở về từ nước ngoài.

Bộ trưởng Wolf cũng nói rằng ông không loại trừ việc ngưng các đường bay nội địa ở Mỹ trong tương lai. Trước đó, hôm 15/3, ông Fauci nói trên truyền hình rằng việc ngưng khai thác các chuyến bay nội địa đã được thảo luận.

Nhiều người xem nhẹ khuyến cáo

Với hầu hết bệnh nhân, virus corona mới chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ hoặc trung bình như sốt và ho. Với một số người, đặc biệt là người cao tuổi và những người có bệnh nền, virus có thể gây ảnh hưởng nặng hơn như viêm phổi. Đa số bệnh nhân có thể tự phục hồi.

Điều này có thể khiến một số người xem nhẹ Covid-19 và vẫn đi vào đám đông. Ngay cả khi không có dấu hiệu bệnh, họ vẫn có thể mang virus và lây sang người khác.

Ở New Orleans và Chicago, những người mặc đồ xanh mừng ngày Thánh Patrick vẫn tràn ra vỉa hè vào hôm 14/3 ngay cả sau khi các thành phố hủy bỏ cuộc diễu hành của họ.

Thành phố New York, nơi có hệ thống trường công lớn nhất nước Mỹ, tuyên bố sẽ đóng cửa trường học từ ngày 16/3. Thị trưởng New York Bill de Blasio ban đầu còn do dự nhưng dưới áp lực của Thống đốc Andrew Cuomo và những người khác, hôm 15/3, ông tuyên bố: “Tôi đã bị thuyết phục trong suốt ngày hôm nay rằng không có lựa chọn nào khác”.

Tại Florida, khu giải trí Walt Disney World và Universal-Orlando đã đóng vào tối 15/3 đến hết tháng 3 theo sau các khu giải trí ở California. Các quan chức ở bãi biển Miami và Pháo đài Lauderdale tuyên bố rằng họ cũng đóng cửa các bãi biển, nơi hàng nghìn người thường đổ về trong kỳ nghỉ xuân trên khắp thế giới.

Hôm 15/3, Starbucks cho biết họ sẽ đóng cửa khu vực ngồi lại trên toàn quốc nhưng khách hàng vẫn có thể đặt hàng tại quầy, tại drive-thru hoặc trên ứng dụng Starbucks.

Tuy nhiên, không phải tất cả các quan chức chính phủ đều quan tâm đến lệnh đóng cửa. Thống đốc bang Oklahoma Kevin Stitt đã đăng một bức ảnh ông và các con tại một nhà hàng đông đúc tối 14/3 lên Twitter.

Dân biểu Cộng hòa Devin Nunes cũng có một thông điệp tương tự trên kênh FOX News vào hôm 15/3. Ông Nunes khuyến khích người dân đến nhà hàng và quán rượu địa phương bất chấp cảnh báo của các quan chức y tế.

Như Trần – Zing

Leave a Reply