Mỹ coi Trung Quốc là ‘phép thử lớn nhất’

Mỹ gọi Trung Quốc là “phép thử địa chính trị lớn nhất” trong tài liệu về chính sách an ninh quốc gia và bài phát biểu của Ngoại trưởng.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 3/3 lần đầu có bài phát biểu lớn về chính sách đối ngoại. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra đánh giá về Trung Quốc trong tài liệu dài 24 trang về chính sách an ninh quốc gia

“Đây là đối thủ duy nhất có khả năng kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để tạo ra thách thức lâu dài với hệ thống quốc tế ổn định và mở cửa”, phần nói về Trung Quốc trong tài liệu an ninh quốc gia của chính quyền Biden có đoạn viết.

Tài liệu nói thêm khi đối mặt với những thách thức từ Trung Quốc và Nga, quân đội Mỹ sẽ chuyển trọng tâm khỏi “các hệ thống vũ khí và nền tảng cũ không cần thiết để giải phóng nguồn lực nhằm đầu tư vào công nghệ tiên tiến”.

Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng do cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, các hoạt động kinh tế của Bắc Kinh, vấn đề Hong Kong, Đài Loan và nhân quyền ở Tân Cương. Chính quyền Biden tuyên bố tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc mà cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đề ra, nhưng sẽ cùng thực hiện với đồng minh.

“Chúng tôi sẽ xử lý phép thử địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 21: mối quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc”, Blinken nói trong một sự kiện ở Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 3/3. “Quan hệ của Mỹ với Trung Quốc sẽ là cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể và trở thành đối thủ khi bắt buộc”.

Mỹ sẽ tương tác với Trung Quốc “từ vị thế quyết liệt” như cách chính quyền đang làm và khẳng định sẽ cứng rắn với Bắc Kinh về vấn đề Tân Cương và Hong Kong, Blinken bày tỏ.

Các nhà hoạt động và chuyên gia của Liên Hợp Quốc nói rằng một triệu người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo đang bị giữ trong các trại giam của Trung Quốc. Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc lạm dụng người Hồi giáo, tuyên bố các cơ sở của mình đang đào tạo nghề và kiến thức cần thiết để chống lại chủ nghĩa cực đoan.

Trong khi Blinken gọi Iran, xung đột ở Yemen và Myanmar là thách thức tiềm tàng, Trung Quốc là quốc gia duy nhất ông xếp vào một trong 8 ưu tiên, bao gồm tránh một đại dịch toàn cầu khác xảy ra, giải quyết biến đổi khí hậu và thúc đẩy dân chủ ở nước ngoài.

Biden muốn báo hiệu cách tiếp cận “Nước Mỹ trên hết” mà Trump đưa ra đã kết thúc, bằng việc tái giao lưu với đồng minh và tập trung vào ngoại giao đa phương

Blinken tìm cách đặt ra chính sách đối ngoại mang lại lợi ích cho người lao động và các hộ gia đình Mỹ, tuyên bố đó là vấn đề then chốt cho cách làm việc của chính quyền mới. “Chúng tôi sẽ đấu tranh cho mọi công việc của mỗi người Mỹ, đấu tranh vì quyền, lợi ích và bảo hộ cho tất cả người lao động Mỹ”, Ngoại trưởng Mỹ cam kết.

Hồng Hạnh (Theo Reuters) – VnExpress

Leave a Reply