Mỹ – Hàn khó đồng lòng trước vấn đề Triều Tiên

Mỹ và Hàn Quốc được cho là đang có những định hướng không giống nhau về vấn đề Triều Tiên, khiến tiến trình hòa giải trên bán đảo gặp khó khăn.

Sau cuộc điện đàm đầu tiên hôm 4/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhấn mạnh vào việc hai nước cần có lập trường thống nhất về vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Hai lãnh đạo cam kết sẽ phát triển một chiến lược chung “toàn diện” hướng tới phi hạt nhân hóa và duy trì hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên, thông báo từ Nhà Xanh, tức phủ tổng thống Hàn Quốc, cho biết.

Nhưng theo giới phân tích, đây có thể là một thách thức do khác biệt lớn về các ưu tiên cũng như tầm nhìn giữa Washington và Seoul, ngay cả khi hai bên công khai đề cao tầm nhìn chung và sức mạnh lâu dài của mối quan hệ đồng minh đã kéo dài 7 thập kỷ.

Tổng thống Moon đánh dấu di sản của mình bằng nỗ lực đối thoại với Triều Tiên, thúc đẩy ngoại giao và hợp tác kinh tế như chìa khóa cho sự thống nhất cuối cùng trên toàn bán đảo, vốn bị chia cắt sau Thế chiến II.

Tổng thống Hàn Quốc đã có ba hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào năm 2018. Tuy nhiên, nỗ lực hòa giải liên triều của Tổng thống Moon đã bị đình trệ kể từ sau khi hội nghị thượng đỉnh thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên hồi năm 2019 khép lại mà không đạt được bất kỳ kết quả nào.

Tháng 6 năm ngoái, Bình Nhưỡng đánh sập văn phòng liên lạc liên Triều vốn được coi là biểu tượng cho “vòng tay mở rộng” của Tổng thống Moon đối với Triều Tiên.

Tháng trước, ông ca ngợi việc Tổng thống Mỹ Biden lên nhậm chức là “cơ hội mới” để bắt đầu các cuộc đàm phán, thúc giục chính quyền Mỹ tương lai tiếp tục phát triển tuyên bố Singapore của Trump – Kim hồi năm 2018, cam kết nỗ lực hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Dù chính quyền Biden chưa công bố chính sách đối ngoại với Triều Tiên, ông từng chỉ trích gay gắt các cuộc gặp Trump – Kim, đồng thời lấp đầy nội các của mình bằng những quan chức thời Obama có quan điểm cứng rắn, như Ngoại trưởng Antony Blinken.

Trong 4 năm nhiệm kỳ, tổng thống Trump đã gây căng thẳng cho liên minh Mỹ – Hàn và khiến nhiều người Hàn Quốc cảm thấy bị xúc phạm khi ông gây sức ép, buộc Seoul tăng đáng kể phần đóng góp vào chi phí nhằm duy trì hiện diện quân đội Mỹ tại nước này.

Theo Se Hyun Ahn, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề quốc tế tại Đại học Seoul, Trump thiếu kinh nghiệm ngoại giao và kiến thức về tình hình trên bán đảo Triều Tiên, điều khiến cựu tổng thống Mỹ áp dụng phong cách ngoại giao cá nhân không chính thống với lãnh đạo Triều Tiên. Tổng thống Moon nhiệt tình ủng hộ cách tiếp cận này của Trump.

“Nhưng đội ngũ của Biden biết khá rõ về Triều Tiên”, Ahn nói và dự đoán rằng Tổng thống Moon sẽ gặp “nhiều khó khăn” khi theo đuổi chương trình nghị sự của mình dưới thời Biden.

Choi Kang, phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, trụ sở ở Seoul, cho hay rất khó để có thể hình dung một chính sách thống nhất giữa Mỹ và Hàn Quốc hiện nay liên quan đến vấn đề Triều Tiên.

“Ưu tiên chính sách của họ khác nhau”, Choi nói. “Chính quyền Biden có những nghi ngờ và lo ngại lớn về chính quyền Moon. Theo thời gian, xích mích và bất hòa có lẽ sẽ chỉ tăng thêm”.

Những ngày gần đây, một số dấu hiệu cho thấy tình trạng bất đồng chính sách đã xuất hiện. Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với truyền thông tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết ông đang cân nhắc phương án áp lệnh trừng phạt mới với Triều Tiên cũng như một số “khuyến khích ngoại giao” với Bình Nhưỡng.

Hôm 3/2, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young phát biểu tại một buổi họp báo rằng có thể đã đến lúc xem xét lại tính hiệu quả của những biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên cho đến nay, đồng thời đặt câu hỏi về lý do tăng cường trừng phạt.

Minseon Ku, nghiên cứu tiến sĩ về Quan hệ Quốc tế và Tâm lý Chính trị tại Đại học bang Ohio, Mỹ, đánh giá ngôn ngữ đối lập mà Seoul và Washington đưa ra là dấu hiệu cho thấy khác biệt trong cách tiếp cận của họ.

Trong khi Nhà Xanh đề cập tới “bán đảo Triều Tiên” trong thông báo của mình về cuộc gặp giữa Tổng thống Moon và Tổng thống Biden thì bản ghi từ Nhà Trắng chỉ nhắc tới “Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (DPRK)”.

“Điều này có vẻ hoang đường nhưng nó gợi ý hai điều. Đầu tiên, Moon đang báo hiệu rằng Hàn Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy mối quan hệ Mỹ – Triều, đồng thời vẫn song song đàm phán với Mỹ về các vấn đề như những lệnh trừng phạt đang cản trở tiến trình hòa giải liên Triều”, Ku nhận định. “Thứ hai, chính quyền Biden sẽ tìm cách tiếp cận vấn đề Triều Tiên theo cách của riêng mình, cho dù đó là trừng phạt hay đối thoại”.

“Nói cách khác, hiện chưa rõ Biden sẽ sẵn sàng để Hàn Quốc tác động bao nhiêu tới chính sách Triều Tiên của Mỹ”, ông lưu ý thêm.

“Vấn đề cốt lõi” của hai bên là liệu Biden sẵn lòng đến đâu trước các lựa chọn như giảm nhẹ trừng phạt, đình chỉ tập trận chung hay đàm phán cấp cao với Bình Nhưỡng, Van Jackson, cựu cố vấn chính sách Triều Tiên dưới chính quyền Obama, nhận xét.

“Moon có lẽ muốn Biden đi xa hơn những gì mà người của Tổng thống Mỹ muốn”, Jackson nói.

Nhiều nhà phân tích cho rằng phương án giảm nhẹ một phần các biện pháp trừng phạt để đổi lại những nhượng bộ nhỏ hơn từ Triều Tiên thay vì phi hạt nhân hóa hoàn toàn dường như là phương án thực tế nhất mà Mỹ và Hàn Quốc có thể hướng tới.

Chính quyền Tổng thống Moon “đủ thông minh để hiểu rằng sự ủng hộ của Biden đối với chính sách hòa giải là điều cần thiết hơn cả”, Nam Chang-hee, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Inha, bình luận. “Việc thành lập một ủy ban tham vấn ba bên (gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ) nhằm đối phó với năng lực tên lửa tiên tiến của Triều Tiên có thể là một điểm khởi đầu tốt”.

Yongho Kim, giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Yonsei, nhận định không loại trừ khả năng Biden sẽ ủng hộ nỗ lực tái thiết liên Triều, miễn là Bình Nhưỡng “thực hiện các bước đi đáng tin cậy hướng tới phi hạt nhân hóa”.

“Biden và Moon nên lên một bản kế hoạch chi tiết từ chính nơi mà Trump và Kim Jong-un đã thất bại khi không thể đạt được thỏa thuận trong hội nghị thượng đỉnh lần hai hồi năm 2019”, Yongho Kim nhận định. “Lên một kế hoạch bình tĩnh, từng bước, nhằm giữ cho Triều Tiên tạm hoãn hoạt động hạt nhân, tên lửa vừa dễ dàng lại vừa phức tạp, nhưng đó là câu trả lời duy nhất”.

Vũ Hoàng (Theo SCMP) – VnExpress

Leave a Reply