Mỹ hứng sóng gió từ giai đoạn ‘vịt què’ hậu bầu cử

Nước Mỹ đang trải qua hai tháng rưỡi chuyển giao quyền lực đầy sóng gió và giới quan sát tin đã đến lúc cần rút ngắn giai đoạn “vịt què” này.

Ngày 19/10/2015, người dân Canada bỏ phiếu kết thúc gần một thập kỷ lãnh đạo của đảng Bảo thủ và bầu ra một chính quyền mới do Justin Trudeau, lãnh đạo đảng Tự do, điều hành. Chỉ hơn hai tuần sau, ngày 4/11, Trudeau tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Canada.

5 năm trước đó, sự kiện tương tự diễn ra ở Anh. Trong cuộc bỏ phiếu ngày 6/5/2010, Công đảng cầm quyền thất bại trước liên minh do đảng Bảo thủ của David Cameron lãnh đạo. Chỉ 5 ngày sau, Cameron trở thành thủ tướng Anh.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thắng cử ngày 7/5/2017 và nhậm chức chỉ một tuần sau đó. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi giành chiến thắng ngày 16/5/2014 và nhậm chức chỉ sau 10 ngày.

Các minh chứng trên cho thấy nhiều nền dân chủ hiện đại trên thế giới đã và đang chuyển giao quyền lực nhanh hơn rất nhiều so với Mỹ, khi Joe Biden phải đợi hai tháng rưỡi để nhậm chức sau khi cuộc bầu cử ngày 3/11 kết thúc.

Giai đoạn “vịt què”, thuật ngữ được dùng để chỉ khoảng thời gian chuyển giao quyền lực giữa hai chính quyền sau bầu cử, quá dài của Mỹ tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn chính trị – xã hội và cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol tuần trước là một minh chứng.

Hai tháng này là quá dài để Tổng thống Donald Trump liên tục tung ra hàng loạt tuyên bố từ chối chấp nhận kết quả và cáo buộc gian lận bầu cử, vốn được ví như “mồi lửa” cho cơn giận dữ của những người ủng hộ. Mồi lửa đó bùng lên thành đám cháy lớn khi đám đông trung thành với Trump lên kế hoạch biểu tình, sau đó là tấn công Đồi Capitol hôm 6/1.

Trong thời gian đó, Trump vẫn là Tổng thống đương nhiệm và nắm quyền chỉ huy cả cơ quan hành pháp liên bang và lực lượng quân đội, những người giúp bảo vệ Đồi Capitol.

Lầu Năm Góc được cho đã chậm trễ phê duyệt các yêu cầu khẩn cấp để điều động Vệ binh Quốc gia tới bảo vệ Đồi Capitol nhưng chưa rõ nguyên nhân là gì. Tới khi nào Trump còn giữ chức Tổng thống, thủ đô Mỹ vẫn sẽ cần dựa vào chính quyền của ông để ứng phó với tình trạng bạo lực trong thời gian tới.

Trước khi bị cáo buộc kích động bạo loạn dẫn tới việc xem xét bãi nhiệm lần hai, Trump đã dành khoảng thời gian tại nhiệm sau bầu cử để ân xá, giảm án cho hàng loạt đồng minh và người quen, đồng thời trao nhiều huân chương cho những người trung thành nhất với ông ở Quốc hội. Dù nhiều người chỉ trích Trump lạm dụng quyền ân xá, điều này không phải chưa có tiền lệ. Tổng thống George H.W. Bush từng ân xá cho vài quan chức liên quan tới bê bối Iran-Contra sau hơn một tháng thất cử. Tổng thống Bill Clinton cũng từng ân xá cho người em trai cùng mẹ khác cha và kẻ đào tẩu giàu có Marc Rich trong những ngày cuối nhiệm kỳ.

Lịch sử Mỹ đã chứng kiến nhiều trường hợp tổng thống sắp mãn nhiệm gây khó khăn cho người kế nhiệm trong giai đoạn “vịt què”. Ian Millhiser, biên tập viên của Vox, nhận xét Mỹ đã phải trả giá đắt vì có thời gian chuyển giao quyền lực quá dài và không có lý do gì để Mỹ không thể cắt ngắn giai đoạn này.

Ý tưởng về giai đoạn chuyển giao quyền lực kéo dài khởi nguồn từ thời kỳ Mỹ chủ yếu là xã hội nông nghiệp, với nhiều nhà lập pháp vừa là chính trị gia vừa là nông dân. Theo đó, lịch hoạt động của cơ quan lập pháp được sắp xếp để không ảnh hưởng tới thời vụ gieo trồng vào mùa đông.

Quốc hội Mỹ quyết định các cuộc bầu cử liên bang được tiến hành vào thứ 3 đầu tiên sau thứ 2 đầu tiên của tháng 11 kể từ năm 1845, trước khi Tu chính án thứ 20 được phê chuẩn. Nhưng các thành viên quốc hội và tổng thống đắc cử sẽ nhậm chức vào ngày 4/3, để họ có cả mùa đông sắp xếp công việc trước khi tới thủ đô Washington làm việc.

Ngoài ra, Mỹ khi đó cũng chưa có hệ thống đường sắt, hàng không, điện tín và Internet phát triển để có thể hoàn thành quá trình bầu chọn tổng thống nhanh chóng. Do đó, các quy trình bỏ phiếu, kiểm phiếu, xác nhận chiến thắng phải mất nhiều thời gian để tiến hành.

Khi đất nước phát triển các phương thức đi lại và liên lạc mới, luật pháp Mỹ cũng có thay đổi nhưng ở mức độ hạn chế. Năm 1933, Tu chính án thứ 20 được thông qua, thay đổi ngày các thành viên quốc hội tuyên thệ nhậm chức từ 4/3 về ngày 3/1 và ấn định ngày tổng thống nhậm chức vào 20/1.

“Những người soạn thảo Tu chính án thứ 20 cho rằng quốc hội không thể nhóm họp trong giai đoạn từ ngày bầu cử tới 3/1, do những khó khăn về việc đi lại trong mùa đông và các kỳ nghỉ lễ”, học giả John Copeland Nagle chia sẻ trong một bài báo năm 2012.

Tuy nhiên, Millhiser, biên tập viên của Vox, cho rằng ở một thời đại mà tổng thống có thể di chuyển khắp đất nước chỉ trong vài giờ và có thể liên lạc với ứng viên tiềm năng nào vào bất cứ thời điểm nào như hiện nay, Mỹ không nhất thiết phải kéo dài giai đoạn chuyển giao tới hơn hai tháng.

Millhiser không phải người đầu tiên nghĩ tới ý tưởng rút ngắn giai đoạn “vịt què”. Năm 1984, thượng nghị sĩ Dân chủ Claiborne Pell và hạ nghị sĩ Charles Mathias đề xuất một sửa đổi hiến pháp nhằm rút ngắn thời điểm nhậm chức từ ngày 20/1 về 20/11, khoảng hai tuần sau cuộc bầu cử. Pell cho rằng thời gian chuyển giao quá dài cho thể gây tổn hại cho chính sách đối ngoại của Mỹ, bởi cả tổng thống sắp mãn nhiệm và tổng thống đắc cử đều không thể đàm phán hiệu quả với các lãnh đạo nước ngoài trong giai đoạn này.

Trong bài viết năm 1982, Pell lấy dẫn chứng về cuộc khủng hoảng con tin Iran, trong đó cả tổng thống Jimmy Carter và tổng thống đắc cử Ronald Reagan đều không có thẩm quyền thực sự để giải quyết tình huống này bởi đang trong giai đoạn chuyển giao. Reagan chưa nắm quyền lực chính thức để lên tiếng, trong khi các lãnh đạo Iran biết Carter sắp hết nhiệm kỳ.

Song đề xuất của Pell và Mathias không đạt được kết quả như mong đợi.

Các sửa đổi Hiến pháp yêu cầu 3/4 số bang ở Mỹ đồng thuận, điều này đồng nghĩa bất kỳ đề xuất sửa đổi nào bị phản đối bởi một nhóm chính trị có ảnh hưởng lớn ở Mỹ đều chắc chắn thất bại.

Tuy nhiên, Millhiser cho rằng ý tưởng sửa đổi Hiến pháp để xóa bỏ giai đoạn “vịt què” trong chính trường Mỹ không phải không có khả năng, nhất là khi đảng Dân chủ đang trải qua hai tháng chuyển giao quyền lực đầy sóng gió với chính quyền Trump. Đảng Cộng hòa cũng không có gì lo ngại với ý tưởng này, bởi sửa đổi như vậy chắc chắn không thể được thông qua trước khi Trump kết thúc nhiệm kỳ. Thậm chí, phe Cộng hòa có thể có lợi nếu ý tưởng được thông qua, bởi nó có thể giúp rút ngắn thời gian cầm quyền tương lai của Biden.

Nhưng thực tế quốc hội Mỹ có lẽ cần thêm nhiều thời gian để tham vấn với quan chức bầu cử cấp bang và nhiều chuyên gia về việc có thể đẩy nhanh tốc độ xác nhận kết quả bầu cử, trước khi quyết định có nên cắt ngắn giai đoạn “vịt què” hay không.

“Nhưng rõ ràng một tổng thống thất cử không nên có nhiều tháng để có những hành động, phát biểu có thể gây cản trở cho người kế nhiệm”, Millhiser viết.

Thanh Tâm (Theo Vox) – VnExpress

Leave a Reply