Mỹ nói vaccine một liều Johnson & Johnson hiệu quả

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ công bố tài liệu nói rằng vaccine Johnson & Johnson hiệu quả và an toàn trong các cuộc thử nghiệm.

Hội đồng chuyên gia độc lập của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) dự kiến họp vào 26/2 để quyết định xem có phê duyệt khẩn cấp vaccine Johnson & Johnson hay không. Mặc dù không bắt buộc phải nghe theo lời khuyên của các chuyên gia, FDA thường làm vậy và đã phê duyệt khẩn cấp vaccine Pfizer và Moderna.

Vaccine Johnson & Johnson là loại chỉ cần một liều tiêm và có thể bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh chứ không phải tủ đông như vaccine Pfizer và Moderna, do đó dễ triển khai hơn và giảm bớt gánh nặng hậu cần.

Johnson & Johnson cho biết trong các tài liệu gửi FDA rằng vaccine có hiệu quả ngăn ngừa ca nhiễm không triệu chứng. Trong một phân tích sơ bộ thử nghiệm, họ phát hiện 16 trường hợp không triệu chứng ở nhóm được tiêm giả dược, so với hai trường hợp ở nhóm tiêm vaccine, tức mức hiệu quả là 88%.

Thực tế, ca nhiễm không triệu chứng không phải là mục tiêu chính của thử nghiệm. Thử nghiệm này tìm hiểu khả năng ngừa các ca Covid-19 từ mức độ trung bình đến nặng của vaccine, nhưng việc giảm các trường hợp không triệu chứng cũng đồng nghĩa với việc vaccine có thể giảm tình trạng lây lan.

Công ty cho biết vào tháng trước rằng vaccine có hiệu quả 66% trong việc ngăn ngừa nhiều biến thể nCoV, trong thử nghiệm toàn cầu với gần 44.000 người.

Mức hiệu quả của nó là 72% ở Mỹ, 66% ở Mỹ Latinh và 57% ở Nam Phi, nơi một biến thể mới đã lan rộng. Nhưng nói chung, vaccine có hiệu quả 85% trong việc ngăn chặn ca Covid-19 nghiêm trọng.

FDA cho biết trong tài liệu công bố ngày 24/2 rằng vaccine có hiệu quả giảm độ nguy hiểm của Covid-19 ít nhất 14 ngày sau khi tiêm chủng.

14 ngày sau khi tiêm, chỉ hai người đã tiêm vaccine nhưng vẫn nhiễm nCoV có triệu chứng nghiêm trọng đến mức cần can thiệp y tế, so với 14 người ở nhóm dùng giả dược. Sau 28 ngày, con số này là 0 ở nhóm đã tiêm vaccine và 7 ở nhóm tiêm giả dược.

FDA cho biết các phản ứng phụ thường gặp nhất là đau tại chỗ tiêm với tỷ lệ 48,6%, nhức đầu 39%, mệt mỏi 38,2% và đau cơ 33,2%. Các tác dụng phụ khác bao gồm sốt ở 9% số người tham gia và sốt cao ở 0,2% số người tiêm vaccine. Cơ quan quản lý ghi nhận một trường hợp viêm ngoại tâm mạc (bệnh tim có triệu chứng như đau ngực, sốt và tràn dịch ngoại tâm mạc) có thể do vaccine gây ra.

Phương Vũ (Theo Reuters) – VnExpress

Leave a Reply