Mỹ – Trung cạnh tranh cứu thế giới

Với quyết định tái gia nhập nỗ lực chống biến đổi khí hậu, Mỹ và Trung Quốc giờ cạnh tranh lãnh đạo thế giới ngăn chặn thảm họa môi trường.

Tổng thống Joe Biden ngày 21/4 chủ trì hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hai ngày, với sự tham gia của của 40 lãnh đạo thế giới, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người vừa ba ngày trước chỉ trích Mỹ “bá quyền” tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao ở tỉnh Hải Nam.

Trung Quốc và Mỹ là hai nước phát thải khí carbon nhiều nhất thế giới. Hai nước chiếm tới 45% lượng khí phát thải từ nhiên liệu hóa thạch của toàn cầu, tác nhân khiến khí hậu nóng lên. Lượng khí thải của Trung Quốc gấp đôi Mỹ, dù nếu tính theo đầu người, trung bình một người Mỹ phát thải khí carbon gây ô nhiễm nhiều gấp hai lần một công dân Trung Quốc.

Tại hội nghị thượng đỉnh tuần này, Biden thông báo mục tiêu đầy tham vọng của Mỹ, khi cam kết cắt giảm 50-52% khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030, tăng gấp đôi mục tiêu 26-28% vào năm 2025 mà cựu tổng thống Barack Obama đề cập trong Thỏa thuận Khí hậu Paris năm 2005.

Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đặt ra những mục tiêu tham vọng riêng. Ông cho biết Trung Quốc sẽ giảm tiêu thụ than bắt đầu từ 2026, đạt mức giảm khí thải carbon cao nhất trước năm 2030 và đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.

Một cựu cố vấn ngân hàng nhà nước Trung Quốc tuần này ước tính Bắc Kinh sẽ cần chi 15 nghìn tỷ USD trong 30 năm tới để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.

Trở thành nhà cung cấp lựa chọn cho sự chuyển đổi là điều mà cả Washington và Bắc Kinh đều để mắt tới. Ngoại trưởng Antony Blinken tuần này cảnh báo Mỹ đang bị tụt lại phía sau và sẽ bỏ lỡ cơ hội định hình tương lai khí hậu thế giới, cũng như “vô số việc” nếu không bắt kịp tốc độ.

Trung Quốc đã công khai tham vọng của mình trong lĩnh vực công nghệ xanh. Quốc gia này đã dẫn đầu trong việc sản xuất tấm pin mặt trời, turbin gió và pin, đồng thời công bố kế hoạch tăng đáng kể đầu tư cho nghiên cứu và phát triển lên mức gần 600 tỷ USD mỗi năm vào năm 2025.

Washington cũng “không kém cạnh” khi nỗ lực tăng chi tiêu của Mỹ. Tuần này, Lãnh đạo phe Đa số Thượng viện Chuck Schumer và Thượng nghị sĩ Cộng hòa Todd Young đã chính thức giới thiệu đạo luật chi 100 tỷ USD trong 5 năm để tăng cường phát triển công nghệ.

Tuy nhiên, Li Shuo, cố vấn cấp cao tại nhóm môi trường Greenpeace ở Bắc Kinh, cho biết rất khó để so sánh mục tiêu cắt giảm của các nước khác nhau, bởi vì mốc tham chiếu cắt giảm là khác nhau.

“Điều quan trọng nhất không phải là cam kết đó lớn ra sao trên giấy, mà nó được hiện thực hóa nhiều bao nhiêu”, Li nói.

Song trong bài phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Tập nhấn mạnh mục tiêu khí hậu của Trung Quốc là một cam kết lớn vượt qua tất cả những đối tác giàu và phát triển hơn.

“Trung Quốc cam kết chuyển từ đỉnh điểm phát thải sang trung hòa về carbon trong thời gian ngắn hơn nhiều thời gian mà nhiều nước phát triển có thể làm và điều này đòi hỏi những nỗ lực phi thường từ Trung Quốc”, ông Tập nói.

Và khi thực hiện cam kết, hệ thống chính trị của Trung Quốc đồng nghĩa họ không bị ảnh hưởng bởi các chu kỳ bầu cử như Mỹ. Trong một phát biểu đầy ẩn ý về việc chính quyền cựu tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris, ông Tập dường như nhấn mạnh điểm khác biệt này, lưu ý rằng để đạt mục tiêu trung hòa carbon toàn cầu, thế giới “phải duy trì sự liên tục, không đảo ngược một cách dễ dàng, và chúng ta phải tôn trọng những cam kết, chứ không phải quay lại với những lời hứa hẹn”.

Hội nghị do Mỹ chủ trì là cuộc gặp trực tuyến đầu tiên giữa Chủ tịch Tập và Tổng thống Biden kể từ khi ông chủ Nhà Trắng nhậm chức hồi cuối tháng 1. Trước thềm sự kiện, John Kerry, đặc phái viên tổng thống về khí hậu, đã bay tới Thượng Hải, nơi ông và những người đồng cấp Trung Quốc thống nhất hợp tác để đối phó cuộc khủng hoảng này.

Dù cái bắt tay giữa Mỹ và Trung Quốc là điều cần thiết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, không ít người bày tỏ lo ngại lần hợp tác này có thể khó thoát “cái bóng” căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước thời gian qua.

Sau bốn năm dưới thời Trump, quan hệ song phương Mỹ – Trung đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi thiết lập quan hệ vào tháng 1/1979. Ở cả Washington và Bắc Kinh, nỗi lo ngại về Chiến tranh Lạnh mới đang gia tăng. Nhiều người nhấn mạnh xu hướng cạnh tranh ngày càng tăng giữa hai nước gần đây, cũng như bản chất đối lập của hai hệ thống chính trị.

Tổng thống Biden tới nay không có dấu hiệu thay đổi hướng đi trong chính sách Trung Quốc. So với người tiền nhiệm, giọng điệu của ông có vẻ dè dặt hơn, nhưng cuộc chạm trán nảy lửa giữa hai phái đoàn ngoại giao Mỹ – Trung ở Alaska tháng trước đã báo hiệu về những căng thẳng tồn tại trong quan hệ này.

“Đây có thể là bản xem trước về những gì sẽ xảy ra trong những năm tới”, Vincent Ni, nhà phân tích của Guardian, nhận định.

Khi ông Tập phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu, tờ Global Times của nhà nước Trung Quốc đã chỉ trích động thái của lưỡng đảng Mỹ khi thúc đẩy các dự luật chống lại Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, gồm nhân quyền, cạnh tranh kinh tế, công nghệ. Global Times cáo buộc các nhà lập pháp Mỹ “tạo ra thế đối đầu có thể phản tác dụng” và kêu gọi Washington “từ bỏ giấc mơ bá quyền và tâm lý Chiến tranh Lạnh”.

“Một động thái tự mâu thuẫn cùng với thái độ thù địch về tư tưởng hợp tác có thể ảnh hưởng đến triển vọng hợp tác Mỹ – Trung”, bài báo có đoạn.

Tuy nhiên, Nectar Gan và James Griffiths, hai biên tập viên của CNN, cho rằng nếu so sánh với các lĩnh vực cạnh tranh gay gắt khác như công nghệ, thương mại, địa chính trị hay quốc phòng, biến đổi khí hậu có thể là vấn đề mà xu hướng tách rời hai nước ít có khả năng xảy ra nhất. Điều này có thể mở ra cơ hội lớn nhất cho hai nước để đạt đồng thuận, hợp tác và khả năng cùng lãnh đạo trên sân khấu quốc tế.

Washington và Bắc Kinh xem biến đổi khí hậu là lĩnh vực mà hai bên có chung lợi ích. Tại Mỹ, một cuộc khảo sát của Viện Chính sách Xã hội châu Á và Dữ liệu về Tiến bộ gần đây cho biết 60% người Mỹ muốn Biden hợp tác với Trung Quốc về biến đổi khí hậu. Rất khó để thăm dò dư luận Trung Quốc, nhưng một nghiên cứu nhất quán từ khi Bắc Kinh tham gia Hiệp định Paris năm 2016 cho thấy nhận thức và ủng hộ của người dân ngày càng tăng.

“Đây có thể là một khởi đầu tốt trong một hành trình rất dài để cải thiện mối quan hệ. Hội nghị sẽ giúp ổn định mối quan hệ này để nó không xấu thêm, nhưng còn rất nhiều vấn đề mang tính hệ thống khác giữa hai nước chưa được giải quyết”, Scott Moore, giám đốc sáng kiến chiến lược và chương trình Trung Quốc tại Đại học Pennsylvania, nói.

Wang Yiwei, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, tin rằng Biden sẽ giải quyết các xung đột thông qua ngoại giao.

“Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới Biden, trong đó có áp lực từ người ủng hộ Trump. Điều quan trọng nhất cho cả hai bên là thống nhất không nên đối đầu trực tiếp hoặc xảy ra chiến tranh”, Wang cho biết.

Thanh Tâm (TheoCNN, Guardian, Bloomberg) – VnExpress

Leave a Reply